Giữ men nồng cho rượu Bến Gỗ

(PLVN) - Trải qua hàng trăm năm, cách thức chế biến rượu Bến Gỗ hiện nay so với thời xưa cơ bản không thay đổi. Việc sử dụng các thiết bị, vật liệu trong quá trình chế biến rượu cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học để kiểm tra, phân tích các thành phần trong rượu như hiện nay cũng không làm ảnh hưởng đến mùi vị, hương thơm đặc trưng của rượu Bến Gỗ.
Rượu Bến Gỗ được chứa trong lu sành nhằm giữ được hương vị ngọt thơm đặc trưng riêng.

Lần ngược lại lịch sử khẩn hoang Đàng Trong cho thấy, người Việt xuất hiện sớm nhất tại tỉnh Đồng Nai vào khoảng năm 1621, họ đến từ miền Thuận Quảng. Trong hành trình về phương Nam, rượu luôn hiện diện của người Việt: thức uống, đồ cúng tế, phòng chữa bệnh... Điều này vẫn diễn ra sau đó khi người Việt di cư từ cửa biển đi ngược sông Tiền, tạo nên thương hiệu rượu Phú Lễ (Bến Tre), Gò Đen (Long An)… Rượu Bến Gỗ cũng không nằm ngoài hành trình đó.

Sản phẩm rượu Bến Gỗ được chiết rót, đóng chai bằng máy móc hiện đại  

“Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết, địa danh Bến Gỗ là một trong những vùng định cư sớm nhất của số cư dân Việt ở xứ Đồng Nai. Làng Bến Gỗ hiện thuộc phường An Hòa, TP Biên Hòa và rượu Bến Gỗ nổi tiếng hàng trăm năm trước bởi vị ngọt thơm của gạo, độ trong của rượu do được chưng cất qua nhiều công đoạn từ những người thợ nấu rượu nhiều năm kinh nghiệm.

Để giữ được nghề, các lò rượu phải tuyệt đối tuân thủ các quy trình chế biến rượu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu như gạo và men ủ rượu phải được bảo đảm không sử dụng hóa chất. Để rượu có độ trong và thơm ngon, sau khi nấu phải lọc và chứa trong lu bằng sành để giữ được hương vị ngọt thơm đặc trưng riêng.

Nguyên liệu nấu rượu là gạo được ủ men trong lu sành với thời gian 07 ngày.  

Trải qua hàng trăm năm, cách thức chế biến rượu hiện nay so với thời xưa cơ bản không thay đổi. Việc sử dụng các thiết bị, vật liệu trong quá trình chế biến rượu cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học để kiểm tra, phân tích các thành phần trong rượu như hiện nay cũng không làm ảnh hưởng đến mùi vị, hương thơm đặc trưng của rượu Bến Gỗ.

Với mục tiêu phát triển và gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, mở rộng thị trường cho sản phẩm rượu Bến Gỗ, nhiều năm trước, HTX Bến Gỗ thành lập nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. HTX Bến Gỗ hiện có 26 thành viên, với khoảng 10 lò nấu rượu có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm, được truyền qua nhiều thế hệ.

HTX Rượu Bến Gỗ áp dụng các tiến bộ khoa học để kiểm tra, phân tích các thành phần trong rượu.  

Sản phẩm rượu Bến Gỗ hiện nay khá đa dạng và phong phú về hình thức, kiểu dáng, phổ biến là 3 loại: rượu gạo truyền thống, rượu nếp than và rượu ngâm chuối hột. Để kiểm soát tốt chất lượng rượu Bến Gỗ, HTX Bến Gỗ đã lựa chọn, hợp tác với đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu gạo sạch, an toàn và men ủ rượu có nguồn gốc rõ ràng.

Theo đó, các lò rượu chỉ sử dụng nguyên liệu tại nơi mà HTX đã giới thiệu. Ngoài kiểm soát chặt chẽ về nguyên liệu, HTX cũng đầu tư nhà xưởng, khu kiểm tra chất lượng rượu sau khi thành phẩm từ các lò trước khi đóng chai, đưa ra thị trường tiêu thụ.

Năm 2013, rượu Bến Gỗ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Đây là một thành công lớn của HTX Bến Gỗ bởi điều kiện để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm rượu tương đối nghiêm ngặt. Rượu phải được sản xuất tại khu vực Bến Gỗ (phường An Hòa, TP Biên Hòa). Các công đoạn chế biến, sản xuất rượu cho đến chất lượng sản phẩm cũng phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Để thương hiệu rượu Bến Gỗ phát triển, ngoài việc được bảo hộ về pháp lý, đơn vị sản xuất phải đảm bảo được chất lượng và uy tín của sản phẩm về lâu dài. Rượu Bến Gỗ cũng là một trong những sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai.

Đọc thêm