Gần 20% trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần
Chị Hoàng Hoa (Hà Nội) hốt hoảng, gào khóc nhờ hàng xóm kêu cứu khi phát hiện con trai mình uống thuốc tự tử tại phòng riêng. Sau khi tích cực chữa trị tại bệnh viện, con trai chị Hoa- Minh Tuấn 13 tuổi dần bình phục. Đưa con về nhà, chị Hoa hỏi chuyện và ngỡ ngàng biết lý do con trai mình tự tử vì bị bạn bè bắt nạn dẫn tới học hành sa sút.
Cách đây 3 tháng, biết Tuấn học giỏi, một nhóm bạn lêu lổng cùng trường đã bắt cậu bé phải làm bài cho chúng mỗi giờ ra chơi. Ban đầu, Tuấn làm giúp, nhưng sau đó bài tập ngày một nhiều, cậu bé không thể làm xuể và từ chối. Ngay lập tức, Tuấn bị nhóm bạn giật tóc, đánh vào mạng sườn, dọa không làm bài hộ và mách thầy cô, bố mẹ sẽ bị đánh đau hơn. Sợ hãi, ngày nào Tuấn cũng phải làm bài hộ cho chúng bạn tới tận khuya, chẳng có thời gian để học tập.
Đang đứng ở top 5 trong lớp, Tuấn học tập bị sa sút. Hạnh kiểm tụt xuống thành top 20. Lo sợ bị bắt nạn, bạo lực, cộng thêm sợ bố mẹ biết chuyện học tập yếu kém của mình, Tuấn dần bị trầm cảm. Cả ngày nhốt mình trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc bố mẹ. Phần vì bận rộn, lại thấy con trong phòng học bài, bố mẹ Tuấn yên tâm không hề biết con trai mình đang bị khủng hoảng vì bạo lực học đường. Khi biết con rơi vào khủng hoảng suýt bỏ tính mạng vì khủng hoảng tâm lý, lòng chị Hoa như xát muối.
Cũng như chị Hoa, anh Thái Thanh (Bắc Ninh) thực sự sốc khi bác sĩ chuẩn đoán con gái mình bị trầm cảm. Thời gian gần đây, vợ chồng anh Thanh xảy ra xung đột. Anh, chị thường cãi vã, đánh chửi nhau trước mặt con cái. Mỗi lần như vậy, Lan My (14 tuổi) lại chạy vào phòng riêng nằm khóc. Căng thẳng mâu thuẫn gia đình, anh chị Thanh chẳng thèm để ý tới tâm lý của con. My ngày càng ít nói, nửa đêm lại lên cơn mê sảng, la hét. Không khí gia đình càng căng thẳng, My càng thu mình, khuôn mặt nhợt nhạt, mắt đờ đẫn thiếu sức sống.
Lại có trường hợp, một cô bé 16 tuổi nhập viện vì nhảy lan can tầng 3 xuống đất tự tự vì bị “bạn trai”…từ chối yêu. Cô bé cảm thây buồn bã, “bế tắc”, chỉ một phút dại dột, cô bé đã phải ngồi xe lăn hậu quả cho việc tự tử.
Theo kết quả khảo sát của dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh tại Hà Nội” cho biết, có đến 19.46% học sinh độ tuổi từ 10 - 16 tuổi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trẻ em được xếp vào đối tượng dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần nên tỷ lệ trẻ em tự tử khá cao.
Trẻ suy nghĩ rất nhiều, nhưng thường nhận thức không đầy đủ. Do trẻ không có những kiến thức và sự trải nghiệm của cuộc sống dẫn tới khủng hoảng tâm lý. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường, coi nhẹ giáo dục gia đình, pháp luật “hổng” và xử phạt bạo lực gia đình, bạo lực học đường chưnghiêm minh là những nguyên nhân chính của xu hướng tự tử cao ở trẻ em.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Là người bạn lớn của con
Làm sao để con vượt qua khủng hoảng tâm lý? Ngoài vai trò của người làm cha làm mẹ, họ cần phải đóng vai trò là một người bạn để trẻ có thể tâm sự và chia sẻ những khó khăn. Cha mẹ có thể nắm bắt nhanh những chuyển biến bất thường về tâm lý của trẻ. Cha mẹ cần nhận biết con có những rối loạn như mỏi mệt, mất ngủ, nhức đầu, co giật cơ, nôn, trầm cảm, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dị ứng; trạng thái khi thì lo sợ khi thì liều lĩnh, sợ bị cô lập, không chịu đến trường, hay gây chuyện, hiếu động, hung bạo hoặc lặng lẽ, ít nói...
Nếu tính khí trẻ thất thường, khi thì hồ hởi, cởi mở, khi thì thu mình, kín đáo, dễ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, cũng dễ có những tình cảm cực đoan nhưng triệu chứng đáng ngại nhất lại là những biểu hiện trì trệ, thiếu năng động. Ngoài ra trẻ có thể nói lắp, hay đỏ mặt, nhức đầu, động kinh; thích đi lang thang, dễ kích động, thích đặt chuyện hoang đường và cả có ý định tự tử.
Khi biết con đang “vướng” vào khủng hoảng tâm lý, cha mẹ nhanh chóng có những biện pháp can thiệp sớm nhằm tránh những những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với những đứa con thân thương. Bố mẹ chia sẻ với con qua câu hỏi:“Cha mẹ biết là con đang rất sốc nhưng không biết hiện con đang cảm thấy thế nào? Con có thể nói để cha mẹ hiểu rõ hơn không?”.
Cảm xúc tức giận, đau khổ và những cảm giác khác liên quan đến khủng hoảng được bộc lộ sẽ khiến trẻ dễ chịu và thoải mái hơn. Việc nói về các sự kiện đã xảy ra cùng với bố mẹ là dịp để trẻ có cái nhìn khác về các sự kiện đó hoặc đơn giản là không còn né tránh hay sợ hãi khi nhắc đến. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ giải thích tại sao vấn đề lại xảy ra. Điều này có thể giúp trẻ nhận diện được ý nghĩa của khủng hoảng và cách thức để vượt qua.
Chuyên gia Tham vấn Tâm lý Ngô Minh Uy (Giáo dục và Tư vấn We Link) gợi mở, khi có khủng hoảng, đứa trẻ có thể chỉ nhìn thấy những khả năng tiêu cực để phản ứng như trốn chạy, giấu mình, sợ hãi, hoảng loạn... Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng, bất kỳ một vấn đề nào cũng đều có nhiều cách giải quyết. Họ giúp con đối phó với cuộc khủng hoảng như chia sẻ với mọi người, tham gia các đội, nhóm, học một cái gì đó, tập thể thao...
Cha mẹ lập kế hoạch, các mục tiêu ngắn và dài hạn sẽ giúp trẻ từng bước vượt qua khủng hoảng. Cha mẹ có thể đồng hành với con trong quá trình thực hiện từng hành động,có thể là kể về những gì mình đã trải qua, bài học, ý nghĩa của khủng hoảng... Sau khủng hoảng, cha mẹ cần bày tỏ sự khích lệ về những thành quả đạt được trong cuộc sống hiện tại của con.