[links()]Nguyên nhân chính đẩy nhiều người vào con đường mại dâm là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp. Và đó cũng là nguyên nhân khiến phần lớn họ không thể hoàn lương sau khi được giáo dục, cải tạo, xử lý. Vì thế các mô hình thí điểm về hỗ trợ người mại dâm tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tệ nạn mại dâm lồng ghép với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS đã được triển khai thực hiện tại 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết số 24/2012/NQ-QH 13 được thông qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện đưa 862 người mại dâm đang ở các cơ sở chữa bệnh về hòa nhập cộng đồng.
|
Một dự án tạo việc làm cho gái mại dâm hòa nhập cộng đồng. |
TP.HCM đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ người mại dâm hoàn lương, kể cả những người đang hoạt động mại dâm có nhu cầu, mong muốn được hoàn lương, bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả để giúp các đối tượng này xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Có thể kể đến hiệu quả hoạt động của các mô hình câu lạc bộ “phụ nữ vươn lên”, “lá chắn”, “phụ nữ xa quê”, “nữ chủ nhà trọ”… của Hội LHPN TP trong việc tuyên truyền, giáo dục, tư vấn nhằm giúp chị em ổn định tâm lý, trang bị một số kiến thức cơ bản về pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức, nhất là một số kỹ năng để từng bước thay đổi hành vi nhân cách.
Đã có 220 phụ nữ mại dâm hoàn lương tham gia các câu lạc bộ, 87 người được hỗ trợ vay vốn, 65 người được giới thiệu việc làm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, đoàn thể khác của TP và thông qua mô hình của dự “tiến lên phía trước” (do tổ chức STI AIDS Hà Lan tài trợ và tổ chức UNAIDS Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật) cũng đã hỗ trợ 47 chị em học một số nghề cơ bản như uốn tóc, nối mi, làm móng, trang điểm, may công nghiệp…, 14 người được vay vốn, 6 người tìm được việc làm dự trên nghề được học.
Mặt khác, tùy điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của từng cá nhân, chính quyền thành phố có thể xem xét, hỗ trợ cho chị em một số vốn để kinh doanh, buôn bán nhỏ cho cá nhân (2-8 triệu đồng) hoặc hỗ trợ cho một nhóm chị em (khoảng 30 triệu đồng) thông qua kế hoạch kinh doanh của cá nhân hoặc tập thể.
Cách làm “cho cần câu chứ không cho cá” này của TP.HCM đối với những người mại dâm hoàn lương đã góp phần tạo điều kiện cho họ vươn lên mưu sinh bằng sức lao động, an tâm ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng và không phải quay lại con đường cũ.
Cũng “tin tưởng” vào hiệu quả của công tác hỗ trợ người mại dâm hoàn lương đối với việc phòng chống tệ nạn mại dâm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn này trong xã hội, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 25/2009/NQ-HĐND về cho vay vốn đối với hộ gia đình có người nghiện ma túy, người mại dâm hoàn lương và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có sử dụng người lao động là người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng thông qua việc thí điểm mô hình “tư vấn, giúp đỡ, vay vốn tạo viêc làm vền vững theo Nghị quyết số 25/2009/NQ-HĐND” và “tư vấn chính sách, quản lý giám sát và giúp đỡ cho vay vốn tạo việc làm bền vững cho nhóm đối tượng mại dâm và nhóm đối tượng nguy cơ cao”.
Trong đó trọng tâm là việc xây dựng mô hình Câu lạc bộ với đội ngũ Cộng tác viên được tập huấn nghiệp vụ để quản lý, giám sát và hỗ trợ người mại dâm hoàn lương vay vốn, sử dụng vốn, tạo việc làm, can thiệp kịp thời để họ hòa nhập bền vững.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho rằng “đây là một cơ sở vững chắc cho quá trình xã hội hóa công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn, giúp cho đối tượng có việc làm ổn định, ngăn ngừa tốt nhất tình trạng sa ngã và tái sa ngã vào con đường mại dâm”.
Hải Nhật