Dự báo không tới 20 năm nữa tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...
Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe trong xu hướng già hóa dân số hiện nay. Đây cũng là vấn đề được bàn luận trong Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi do Cục Bảo trợ xã hội cùng Tạp chí lao động và xã hội tổ chức tại Hà Nội ngày 3/11.
Đề cập đến vấn đề chính sách kinh tế cho người cao tuổi, TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, nhận định, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.
Theo TS Nguyễn Lê Minh - Nguyên phó trưởng ban chương trình Quốc gia về việc làm thuộc BLĐ – TBXH, người cao tuổi có lợi thế khi làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ này rất đặc biệt được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ mà người trẻ không thể có được. Chính những điều này góp phần cho sự thành công, phát triển cùng tinh thần khởi nghiệp của người cao tuổi.
Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Nhà nước trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội người cao tuổi, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI, Hội nông dân… giúp người cao tuổi khởi nghiệp. Thậm chí, khi người cao tuổi đã khởi nghiệp thành công, Nhà nước và các tổ chức đã nêu sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và trợ giúp những vấn đề liên quan đến luật doanh nghiệp, luật kinh doanh, luật lao động, tiêu thụ sản phẩm...