Bị hại, 90% trẻ gặp ác mộng
“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan…”. Khi được ai đó hỏi về tuổi thơ, đa số mọi người đều cảm thấy quãng thời gian đó thật đẹp, trong trẻo và là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có những người, tuổi thơ là đoạn ký ức chua xót mà họ luôn muốn quên đi.
Dường như, có một số “búp măng trên cành” ấy đang phải đối mặt với không ít chông gai, không ít những em bé đang bị đánh cắp mất tuổi thơ do bị lạm dụng tình dục, bị ấu dâm.
Điều đáng nói chính các bé gái bị xâm hại tình dục là người bị tổn thương nhất. Sự việc không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn là một vết sẹo lớn nhất trong cuộc đời của các bé. Những đau đớn ấy sẽ khó có thể xóa đi ngay cả khi những kẻ đồi bại phải trả giá.
Nguyễn Thị H.L 14 tuổi (xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’Long) dường như vẫn bị ám ảnh khi em là nạn nhân của tội ác xâm hại tình dục hơn 1 năm trước. L. cho biết, thời điểm đó em đang làm việc nhà, một người đàn ông cùng xã vào nhà xin nước rồi khống chế em, định giở trò đồi bại. Nhưng rất may lúc đó anh trai L về, không thì L. đã bị hãm hại.
Cũng chính những giây phút ấy đã hằn sâu trong tâm trí của em, khiến em không thể nào nguôi ngoai. Vì ám ảnh, vì lo sợ, vì những lời đồn ác ý mà đã có thời gian, L. sống luôn trong phòng nội trú của trường, không dám trở về nhà.
“Thời điểm đó là cuối năm lớp 9, em đang tập trung ôn thi vào trường dân tộc nội trú. Rồi khi thi đậu vào trường, em không trở về nhà vì sợ bị người nhà họ trả thù. Mẹ em cũng khóc nhớ em suốt nhưng vẫn khuyên em ở lại trường cho an toàn”, L. nói.
Trẻ bị xâm hại tình dục chịu ám ảnh tâm lý nặng nề, lâu dài |
Con bị xâm hại tình dục, trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh” cũng là nhát dao “cứa lòng” những bậc làm cha, làm mẹ. Đặc biệt, khi những đứa trẻ bị xâm hại mà tuổi đời còn nhỏ, chưa hình dung được những tổn thương của mình sẽ phải hứng chịu, bố mẹ của các em càng đau đớn, giằng xé hơn.
Tương tự, một người mẹ có con gái 5 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh khi phát hiện những bất thường của con, biết được sự việc chị đã tố cáo kẻ xâm hại con mình.
Nước mắt lăn dài trên má, nỗi đau bóp chặt cổ họng, nghẹn trong tiếng nấc, tiếng kể của chị: “Chú dặn con không nói cho cô Giang, cô Hà, không nói cho ba mẹ biết. Mẹ ơi, chú làm con đau lắm…!”.
Ám ảnh nhất là những dòng chữ cuối cùng của bé H.M. K., 13 tuổi, học lớp 5 ở Cà Mau trên tờ giấy ôly ngập tràn phẫn uất: “Tôi đã sấm (sắp) chết không còn ở trên trái đất này nữa, tôi chết nắm (nhắm) mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết”.
K. mới có 13 tuổi, là nạn nhân của vụ xâm hại tình dục gây chấn động dư luận cả nước. Em bị người hàng xóm đáng tuổi cha chú xâm hại nhiều lần và đã cùng gia đình tố cáo. Uất ức, K. tìm đến cái chết như một phương cách tìm lại công bằng cho mình.
Theo nghiên cứu cũng cho thấy nạn nhân bị xâm hại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận. Các em tự đổ lỗi, dằn vặt bản thân. Đáng sợ hơn, các em mất niềm tin vào người khác, tự vo tròn, thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội. Về lâu dài, các em có nguy cơ phát triển các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn trong đời sống tình dục khi trưởng thành. Thường thì trẻ đã từng bị xâm hại có hành vi tiêu cực như tự hủy hoại như cắt tay, tự hành xác và tự tử nhiều hơn.
Nhớ lại lời tâm sự của chị T trong vụ việc xâm hại tình dục đau lòng tại Vũng Tàu. Chị T nói đã chứng kiến thấy con gái cứ khoảng 2 giờ sáng là lại mơ ngủ, nói những câu nói vô nghĩa và sợ sệt. Trong trạng thái vô thức của giấc mơ ấy, cháu tự cởi quần ra và cấu nhéo vào người. Người mẹ ấy đã cố đánh thức cháu dậy và hỏi vì sao, nhưng phải tới khi có chút nước lạnh rớt vô mặt thì cháu mới thoát khỏi ác mộng. Nhưng bé vẫn không nói gì với mẹ, chỉ bắt mẹ nắm tay thật chặt rồi mới ngủ tiếp…
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ bị xâm hại tình dục có đến 90% sẽ gặp ác mộng thời gian sau đó. Những cơn ác mộng rất đáng sợ vì chúng diễn ra như thật trong khi chúng ta ngủ. Cơn ác mộng thường làm trẻ tỉnh dậy giữa đêm và không dám ngủ lại. Ác mộng dần dần bào mòn sức khỏe thể chất và khả năng chịu đựng về mặt tinh thần của trẻ cũng như các thành viên khác trong gia đình. Giúp trẻ đương đầu với những cơn ác mộng sẽ là cách thức để hạn chế những tác động tiêu cực do bị xâm hại gây ra.
Nâng cao nhận thức của người dân về việc xâm hại tình dục trẻ em |
Ứng xử khi trẻ bị xâm hại tình dục
Thông thường khi vụ việc xâm hại được phát hiện, tâm lí chung của gia đình nạn nhân là chỉ muốn sớm đưa tội phạm ra trước pháp luật để nhận hình phạt thích đáng còn việc làm sao để hồi phục tâm lí và giúp bé vượt qua cú sốc tinh thần chưa được quan tâm đúng mực.
Theo anh Nguyễn Xuân Huy - Trưởng phòng Can thiệp hỗ trợ, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh, trẻ bị xâm hại tổn thương rất lớn về tinh thần và thể chất dẫn đến hoảng loạn, thậm chí là nảy sinh suy nghĩ tự tử. Với những trường hợp thế này phải mềm mỏng tư vấn tâm lí để các em nhận ra đây không phải là lỗi của mình và không tự trách bản thân. Song song với việc ổn định hoạt động hằng ngày thì cũng cần phối hợp với mọi người xung quanh để bảo mật thông tin, tránh sự việc lan rộng càng làm trẻ tổn thương.
Cũng theo anh Huy chia sẻ thêm, các chuyên viên sẽ sẵn sàng giúp các em trị liệu tâm lí, trở thành một người bạn thân thiết để các em nói lên tâm tư, tình cảm của mình và quan trọng hơn thảy là giúp trang bị kĩ năng ứng phó với những lời trêu chọc mà các em phải đối mặt.
Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, khi trẻ bị sang chấn tâm lý cần phải được điều trị. Cơ quan thực thi pháp luật cần phải được công nhận để đào tạo ra một chuyên viên tâm lý làm việc với bệnh nhi. Cha mẹ cũng cần được điều trị tâm lý, phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho con.
Tương tự, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Chi hội phó Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM chia sẻ: “Người mẹ cần phải bình tĩnh, vỗ về để con vượt qua nỗi sợ bằng cách từ từ nghe con tâm sự chứ không giận dữ cố tìm cho ra kẻ hại trẻ, vì như vậy sẽ “nỗi đau chồng nỗi đau”. Người đó sẽ chối và trẻ sẽ sợ hơn”.
Thứ nhất, nghe trẻ tâm sự những điều thầm kín mà cảm thấy trẻ có thể bị xâm hại, cha mẹ cần cách li con với kẻ có ý định xâm hại trẻ. Nếu trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần bình tĩnh, trấn an tinh thần, an ủi con, không kết tội, hoặc đổ lỗi cho các em. Nói một cách tự nhiên, đừng tỏ ra vấn đề quan trọng để cho trẻ hiểu rằng, chẳng ai ghét bỏ trẻ và trẻ không phải là người xấu trong việc này. Cố gắng giải thích cho các em biết rằng, lạm dụng tình dục hoặc bị xâm hại tình dục không phải là điều bí mật cần phải giấu giếm mà ngược lại, phải lên án hành động đó. Các em cần phải được giúp đỡ và sẽ không bị chê trách vì đã kể lại chuyện đó.
Thứ hai, động viên trẻ tập trung vào học tập hoặc việc làm hàng ngày. Ngoài ra, cha mẹ tạo những dịp vui chơi để trẻ chơi cùng cả gia đình, chia sẻ niềm vui giúp cả cha mẹ và trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ví dụ, cả nhà cùng vẽ tranh, cùng chơi một trò chơi vận động, cùng nhau xem phim hài…
Vui chơi, giải trí là cách tốt nhất để trẻ quên đi việc đã xảy ra để lấy lại thăng bằng. Tạo không khí thoải mái trong khi nói chuyện, không đe dọa và chỉ nói riêng với các em. Tốt nhất là không để xảy ra xung đột trong gia đình, vì như vậy chỉ làm tổn thương trẻ nhiều hơn.
Thứ ba, cha mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra, xác định tình trạng thương tích và chữa trị kịp thời phục hồi ngay sức khỏe cho trẻ. Đặc biệt, quan tâm chăm sóc, giám sát trẻ đến khi trẻ trở lại bình thường.
Thứ tư, nếu phát hiện con bị xâm hại, gia đình cần tố giác sự việc với chính quyền, công an, tòa án… và những người có trách nhiệm để xử lí kẻ phạm tội. Nhất là khi có nhiều người biết sự việc thì càng kiên quyết không thỏa hiệp với chúng (ví dụ: không nhận tiền, vật chất của kẻ đó để giữ im lặng).
Đặc biệt, khi cha mẹ chính là người phát hiện ra con bị xâm hại, điều đầu tiên cần làm là hỗ trợ tâm lý cho con, giúp cho con ổn định, sau đó mới nói đến các hoạt động liên quan đến việc hỏi về câu chuyện, thông tin kẻ thủ ác rồi liên hệ các cơ quan y tế hay công an.