Gỡ bỏ “ám ảnh” điểm số và thành tích cho phụ huynh

(PLVN) - Câu chuyện áp lực học hành, điểm số đang là vấn đề không nhỏ của cả xã hội, khi ngày càng nhiều học sinh và phụ huynh bị tổn thương bởi áp lực ấy.
Ảnh minh họa

Áp lực học tập dễ hủy hoại trẻ

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc học sinh tự sát nghi do áp lực học tập, trầm cảm đã khiến cả xã hội bàng hoàng. Từ vài vụ việc ban đầu, đến nay những vụ tự sát diễn ra ngày càng nhiều đã gióng lên một tiếng chuông báo động.

Cũng mới đây, thông tin một trường học ở Hà Nội yêu cầu phụ huynh có con học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 khiến dư luận xôn xao. Hiện, cơ quan quản lý đang nhanh chóng xác minh độ xác thực của thông tin. Nếu có thật, đây quả là một cú sốc không nhỏ cho ngành giáo dục, khi một trường học, tức cơ sở giáo dục lại lấy điểm số và thành tích làm tiêu chuẩn, sẵn sàng từ bỏ học sinh của mình.

Thực tế, trong cuộc sống, chuyện học sinh bị áp lực điểm số đến mức rối loạn tâm lý không phải là hiếm. Đứng sau những câu chuyện buồn ấy, phần nhiều là những bậc phụ huynh hiểu sai về ý nghĩa của việc học tập và giáo dục, áp dụng phương pháp sai lầm để thúc đẩy con.

Có không ít phụ huynh vì mong muốn con mình trở thành đứa trẻ xuất sắc mà ép con học ngày, học đêm, đạt điểm số cao ở tất cả các bộ môn. Nhiều phụ huynh khác thì kì vọng con thành đứa trẻ hoàn hảo, cho con đi học thêm và thời gian còn lại là học các môn năng khiếu ở tất cả các thời điểm rảnh rỗi trong tuần, không có thời gian để vui chơi. Có những phụ huynh đặt ước mơ của mình lên đôi vai con trẻ, muốn con phải đi theo con đường mình chọn, ngành mình cho là “ngon lành”, làm nghề nghiệp danh giá trong xã hội.

Những phụ huynh ấy, hoặc tước đoạt thời gian vui chơi đáng có của con trẻ, hoặc chửi mắng, áp lực khi con đạt điểm số không như ý, tỏ những thái độ quyết liệt khi con dám chống đối, không đi theo định hướng cha mẹ vạch sẵn. Trẻ, dẫu có thông minh, giỏi giang, nhưng trước những mong mỏi, kì vọng và áp chế vẫn bị áp lực đè nén, tâm lý căng thẳng. Đáng thương hơn là những trẻ vốn không có nhiều tư chất, học lực chỉ thường thường, nhưng bị cha mẹ ép vào cái guồng “trường chuyên, lớp chọn”, bắt buộc phải nỗ lực gấp nhiều lần để đạt thành tích tốt. Lâu dần, hình thành những “bóng ma tâm lý”, gây ra rối loạn, nhiễu loạn cảm xúc, hoặc tâm lý chống đối, trầm cảm... trong lòng con trẻ, từ đó dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm, tự hủy hoại.

Thay đổi trước khi quá muộn

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trong câu chuyện áp lực điểm số gây những tổn thương tâm lý cho học sinh, có đến hai đối tượng “bị hại”, thứ nhất là bản thân học sinh và còn lại chính là phụ huynh học sinh.

Nếu như học sinh là đối tượng “bị bắt buộc”, bị người lớn tạo ra áp lực trong câu chuyện học hành, điểm số thì phụ huynh là chủ thể chủ động, gây nên áp lực, nhưng không vì vậy mà phụ huynh không bị ảnh hưởng tâm lý.

Trong khi tạo ra những quy chuẩn về điểm số, học hành, đem áp lực đặt lên vai con, chính khi ấy cha mẹ cũng đang tạo ra cho mình những áp lực vô hình. Phụ huynh cũng lo lắng, căng thẳng khi tìm cách cho con học hành giỏi giang, đạt kì vọng của mình. Và nếu con không đạt được như ý muốn, phụ huynh cũng đối mặt với những khổ sở, mệt mỏi hay thất vọng. Đó là chưa kể đến quá trình dài chạy vạy xin cho con vào trường chuyên, lớp chọn, đưa con đi học thêm hết trung tâm này đến trung tâm khác, tiêu tốn tiền bạc cho những buổi phụ đạo của con.

Để rồi, đến khi những áp lực và rối loạn tâm lý khiến con suy sụp, gây tổn hại cho bản thân thì chính các bậc phụ huynh là người chịu tổn thương nặng nề nhất, bởi sự giày vò, hối hận, đau đớn...

Chính vì thế, cởi bỏ áp lực học hành cho con cái, phụ huynh cũng cởi bỏ được áp lực đè nặng, mới có thể đem lại cho con và cho chính mình một cuộc sống thoải mái, vui vẻ hơn.

Chị Nguyễn Bảo Trâm, admin của Group Cha mẹ trẻ đã chia sẻ câu chuyện của bản thân chị về “giải thoát áp lực”: “Hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai thông minh, sáng dạ, nên vợ chồng tôi luôn mong mỏi con sẽ giỏi giang, thành đạt trong cuộc sống. Sợ cháu “lười”, vợ chồng tôi đã đặt hẳn một lịch trình kín kẽ cho mỗi ngày trong tuần. Cháu học gì, đi đâu, chơi đâu cũng phải tuân thủ lịch trình. Cháu còn được học thêm nhiều môn, học thêm cả nghệ thuật nhằm phát triển tư duy. Vợ chồng tôi cũng đưa cháu đi sinh trắc vân tay nhằm hiểu rõ sở trường, xu hướng kịp thời định hướng cho cháu. Mình nghĩ như vậy là tốt nhất cho con, không tiếc tiền vì con. Thế mà năm học lớp 7, con trai tôi uống thuốc ngủ tự tử, may mà được cứu sống. Cháu bảo do cháu mệt mỏi vì học hành, không tìm thấy niềm vui sống.

Từ sau cú sốc ấy, vợ chồng tôi bắt đầu thay đổi cách giáo dục con. Chúng tôi tìm hiểu về những phương pháp giáo dục phương Tây để thấy rằng trẻ con nên được vui chơi, tương tác, trang bị kĩ năng, phải làm sao cho việc học trở thành niềm yêu thích chứ không phải nỗi sợ hãi của trẻ. Giờ cháu đã lên lớp 11, là một chàng trai lạc quan, tích cực, xác định rõ đam mê là về máy móc, tự động hóa. Gia đình cũng vui vẻ, hạnh phúc hơn xưa nhiều. Rất may vợ chồng tôi đã kịp thời thay đổi suy nghĩ, cởi bỏ áp lực cho con và cho chính mình”.

Đọc thêm