Gỡ gánh nặng bạo lực gia đình do Covid-19

(PLVN) - Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng 50%. Không chỉ phụ nữ, trẻ em cũng phải chịu nhiều áp lực từ gia đình trong giai đoạn này. Điều đáng buồn là những “gánh nặng thời Covid-19” này họ lại nhận được từ chính người thân của mình…
Lệnh cách ly xã hội vô tình đẩy phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân của bạo lực gia đình vào tình cảnh không biết phải cầu cứu ai
Lệnh cách ly xã hội vô tình đẩy phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân của bạo lực gia đình vào tình cảnh không biết phải cầu cứu ai

Số nạn nhân tìm đến Ngôi nhà Bình yên tăng mạnh 

Đầu tháng 6/2020, trong Lễ khởi động “Chiến dịch truyền thông Trái Tim Xanh” nhằm chấm dứt bạo lực và bảo vệ trẻ em, phụ nữ, bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (cũng là nơi đang quản lý hoạt động của Ngôi nhà Bình yên - nhà tạm lánh dành cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân bị xâm hại và bạo lực gia đình trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, do dịch bệnh Covid-19, phụ nữ phải chịu nhiều áp lực và gánh nặng vai trò giới: Vừa làm việc nhà, chăm sóc trẻ toàn thời gian tại nhà vừa phải tiếp tục làm việc mưu sinh và chịu đựng sự giám sát, kiểm soát của người chồng bạo lực, gia tăng yếu tố nguy cơ, rủi ro… 

Cụ thể, Ngôi nhà Bình yên đã đưa ra các con số đáng báo động chỉ ra sự gia tăng bạo lực: Tham vấn qua tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680, mạng xã hội cho 344 cuộc tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019 (47 cuộc); Phối hợp chính quyền địa phương phải tư vấn khủng hoảng/can thiệp khẩn cấp hoặc giải cứu gần 30 vụ, tăng 40%; Tham vấn trực tiếp tại phòng tham vấn cho 511 lượt khách hàng, tăng 48%; 3 Ngôi nhà Bình yên (2 ở Hà Nội, 1 ở Đồng bằng sông Cửu Long) trên cả nước đã cung cấp dịch vụ tạm lánh cho 72 phụ nữ, trẻ em (đón mới 49 phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, riêng trong tháng 5 đón 14 trường hợp) tăng 80% số lượng vào mới…

Ngày 5/6, tại Hội nghị trực tuyến quốc tế về các biện pháp bảo vệ và phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức. Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng mà còn có những tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần của trẻ em và phụ nữ.

Bạo lực gia đình gia tăng nhiều nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình được trình báo ở một đồn cảnh sát tại TP Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc tăng gấp 3 lần vào tháng 2/2020 so cùng kỳ năm trước. Ở Sydney, số vụ bạo lực tăng hơn 30% trong những tháng vừa qua so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu tại các nước châu Âu bị ảnh hưởng do đại dịch cũng tương tự như vậy.

Ngay ở quốc gia láng giềng Thái Lan, giữa lúc Covid-19 bùng phát, mọi người ở trong nhà để phòng tránh dịch bệnh thì cư dân khu vực Rayong xôn xao về sự việc kinh hoàng do một người đàn ông người nước ngoài gây ra với vợ mình. David Mitchell (46 tuổi, người Anh) đã đột ngột ném vợ là bà Sukanda (56 tuổi, người Thái Lan) từ ban công tầng 7 xuống dưới.

Sự việc xảy ra trong lúc giữa hai người đang có cuộc cãi nhau. Sau cú ném của chồng, người vợ rơi xuống một vị trí ở mái chìa ra của tòa nhà đối diện. May mắn là nạn nhân không nguy hiểm đến tính mạng. Khi các nhân viên cấp cứu đến, người vợ vẫn giữ được sự tỉnh táo và cho biết bà bị chồng ném xuống khi hai người đang cãi nhau…

Làm gì để ngăn chặn bạo lực?

Cũng tại Hội nghị trực tuyến nói trên, trước các con số bạo lực gia đình gia tăng, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại rằng bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân phụ nữ và trẻ em không chỉ tức thời mà lâu dài. Hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới bản thân trẻ em và gia đình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội.

Một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho thấy tổng thiệt hại kinh tế của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khỏe và hậu quả của các hành vi gây nguy hại sức khỏe lên tới 209 tỉ USD (2012) hoặc gần 2% GDP của khu vực.

Riêng tại Việt Nam, từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020 tính đến 4/6/2020, cả nước có 328 người bị nhiễm, chưa có trường hợp tử vong. Mặc dù số người nhiễm ít nhưng ảnh hưởng của dịch đối với đời sống kinh tế, xã hội của người dân là rất lớn và chưa ước tính chính xác, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến trẻ em của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian này…

Trước vấn đề cần làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực này, bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, Bộ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng quy định về an toàn và bảo vệ trẻ em tại các cơ sở cách ly, phổ biến tài liệu truyền thông về an toàn phòng tránh bạo lực cho trẻ em tại gia đình, xây dựng tài liệu và chương trình kỹ năng làm cha mẹ…

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức hữu quan, tăng cường khóa đào tạo sử dụng ứng dụng trực tuyến, kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Với các nước ASEAN, sẽ xây dựng hoàn thiện khung chính sách pháp lý để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chống bạo lực với phụ nữ”, bà Hà Thị Minh Đức cho biết.

Để phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, các đại biểu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho nhân viên công tác xã hội. Ngoài ra, các quốc gia nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ ASEAN bị bạo lực vượt qua khủng hoảng. 

Nguyên nhân của bạo lực xuất phát từ sự thiếu tôn trọng nhau trong gia đình

Lệnh cách ly xã hội vô tình đẩy phụ nữ và trẻ em vào cảnh bạo lực gia đình kéo dài. Nguyên nhân của bạo lực phần lớn xuất phát từ việc thiếu tôn trọng lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Về khía cạnh tôn trọng, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự oán hận trong rất nhiều quan hệ hôn nhân, gia đình là cảm giác thấy mình bị coi thường.

Đáng buồn là nhiều người trong chúng ta quá quen thuộc với các thành viên gia đình ở quanh mình, đến nỗi chúng ta quên hẳn đi việc bày tỏ cho nhau biết mình tôn trọng người khác như thế nào. Bố mẹ xem thường con và ngược lại. Nhiều thành viên trong gia đình, đặc biệt là những cặp vợ chồng đều mắc thói xấu là không bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau.

Không cảm thấy mình được tôn trọng là một trong những nguyên nhân chính của sự cạn kiệt tình cảm, hủy hoại đi những quan hệ tốt đẹp ban đầu của cuộc hôn nhân, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em một nhà với nhau.

Đọc thêm