Ngày Pháp luật: Mong những điều bình dị

(PLO) - Mấy ngày nay, đi tới đâu cũng thấy người dân bàn luận sôi nổi về Ngày Pháp luật. Từ những cán bộ, công chức, các lão thành cách mạng, người về hưu đến cả những bác xe ôm, những tiểu thương ngoài chợ, họ không biết sao được khi băng rôn, khẩu hiệu được chăng đỏ các con phố lớn, kéo dài đến những ngõ nhỏ thuộc các khu dân cư. 
Có thể nhiều người còn chưa hiểu hết ý nghĩa của Ngày Pháp luật, nhưng theo cách đơn giản nhất thì họ biết rằng, tất cả mọi người, bất kể là cán bộ cao cấp hay người dân bình thường nhất, đều phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Việc xây dựng pháp luật cũng phải dựa trên nguyên tắc đó. 
Người dân thực sự vui mừng, phấn khởi khi được thể hiện ý kiến, quan điểm của mình cho việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992 mà Quốc hội đang thảo luận, điều này thể hiện Đảng và Nhà nước ta rất tôn trọng ý kiến của nhân dân, cụ thể hóa quyền năng cơ bản của nhân dân, đó là nhân dân thực sự được làm chủ đất nước. 
Trên hết thảy mọi nguyên tắc, các quy định của pháp luật khi đưa vào cuộc sống suy cho cùng cũng phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, bởi vậy thời gian vừa qua, khi Bộ Công an quy định buộc phải ghi tên bố, mẹ trên chứng minh nhân dân (CMND), đã gây không ít phiền phức cho dân trong các thủ tục hành chính. 
Rồi việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ, đã khiến các tiểu thương bán thịt ngoài chợ phải giật mình vì tính phi thực tế. Rất may là các cơ quan chức năng đã nghe thấu tiếng dân nên ngay sau đó, quy định bán thịt trong 8 tiếng đã bị hủy bỏ và gần đây là việc Chính phủ đã bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên CMND… 
Tất cả những động thái trên thể hiện quy định của pháp luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và phù hợp với hơi thở của cuộc sống. Việc các cơ quan chức năng thừa nhận bất cập và sửa sai đã phần nào thể hiện Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong Ngày Pháp luật, người dân có rất nhiều điều để mong mỏi và đó đều là những ước muốn vô cùng bình dị. Một bác có chồng làm nghề xe ôm thì mong sao sau một ngày lao động vất vả, đến cuối ngày gia đình bác sẽ có đủ đầy các thành viên bên mâm cơm chiều, có nghĩa là ngày hôm đó chồng bác trên đường đi làm không bị cướp giật, không gặp tai nạn giao thông. 
Một người mẹ có con làm nghề lái xe tải thì ước sao con trai mình trong hành trình chở hàng từ Nam ra Bắc không bị ngủ gật, không phải dừng xe nhiều lần vì bị cảnh sát giao thông tuýt còi đòi tiền mãi lộ, để các cháu nội của mình có đủ tiền mua sữa, đóng học phí. Có người vợ trẻ thì luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an khi nhận những cục tiền từ tay chồng đưa cho, không biết đó là đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của chồng hay là những đồng tiền do tham ô, hối lộ?… 
Lại có cả những người chồng khi đưa vợ vào bệnh viện sinh nở thì luôn chắp tay lên ngực cầu mong sao vợ mình “mẹ tròn, con vuông” để anh có thể nghe được tiếng vợ cười, nghe tiếng con khóc sau khi từ phòng mổ đi ra. Mong ước của anh cũng giống với bao người, đó là khi người nhà của mình vào bệnh viện sẽ nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sỹ với tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”… 
Thật vậy, những người vợ, người mẹ, người chồng ấy đều có chung một suy nghĩ, một ước muốn: mong cho chồng (vợ), con họ luôn tuân thủ pháp luật và cũng đòi hỏi các cán bộ, quan chức của Nhà nước phải tận tâm, tận lực với nghề, bớt vòi vĩnh, hạch sách nhân dân.
Nước mắt nhiều người đã rơi khi hay tin một phạm nhân tại Bắc Giang mới đây đã được minh oan sau 10 năm bị tù giam. Họ khóc một phần vì thương cho người nông dân bị oan ức trong thời gian quá dài mà không biết kêu ai và một phần của giọt nước mắt ấy là sự giận dữ, bất bình với lối làm việc cẩu thả, quan liêu, thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với sinh mệnh của một con người.

Đọc thêm