Gỡ vướng cho OCOP để nâng tầm đặc sản bản địa

(PLVN) - Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt được những thành công vượt kỳ vọng ban đầu. Dù vậy, Chương trình vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần những giải pháp mang tính đột phá để tiếp tục phát triển bền vững.
Hà Nội sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác phát triển các điểm bán sản phẩm OCOP.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), tính đến tháng 12/2024, cả nước đã đánh giá và phân hạng được gần 15.600 sản phẩm OCOP, vượt xa chỉ tiêu 10.000 sản phẩm đặt ra đến năm 2025. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần phát huy thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mà còn giúp nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, trở thành động lực mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Dù đạt nhiều thành tựu, Chương trình OCOP vẫn còn nhiều hạn chế. Ngay cả Hà Nội, địa phương dẫn đầu, cũng chỉ mới có 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, phản ánh rõ ràng những hạn chế trong khả năng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026 - 2030 do Bộ NN&MT tổ chức mới đây, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra những hạn chế như một số sản phẩm người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít; các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu...

Thực tế tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở hầu hết các địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm OCOP chưa tạo được sự khác biệt rõ ràng so với sản phẩm thông thường, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và nhận diện thương hiệu. Ngay cả các sản phẩm OCOP cao cấp như ca cao 4 sao của Đắk Lắk cũng gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường. Tại các siêu thị, dù sản phẩm OCOP được trưng bày ở vị trí thuận lợi, nhưng khách hàng vẫn ít quan tâm do thiếu nhận thức và thông tin rõ ràng về giá trị sản phẩm.

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, thời gian tới, Bộ NN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP. Những sản phẩm không bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc không sản xuất đúng như đăng ký sẽ bị thu hồi nhằm bảo vệ uy tín chung của chương trình. Song song đó, việc hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, quảng bá và xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể OCOP cũng như vai trò quản lý nhà nước đối với Chương trình này.

Để OCOP trở thành thương hiệu mạnh của địa phương

Hà Nội hiện là địa phương tiên phong về số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP nhiều nhất cả nước, cũng như dẫn dắt việc đổi mới các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Bám sát các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII giai đoạn 2021 - 2025, thành phố chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa để tăng sức cạnh tranh. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, hàng năm, thành phố đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc triển khai Chương trình OCOP và thực tế hoạt động sản xuất tại các cơ sở, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý vi phạm nếu có.

Tới đây, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ chủ thể đa dạng hóa các mặt hàng; Đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; Quản lý chặt chẽ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng.

Cạnh đó, các địa phương khác cũng đang tìm những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát triển thương hiệu OCOP bản địa. Điển hình, tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với việc xây dựng thương hiệu vùng nguyên liệu đặc trưng, thay vì chỉ tập trung vào thương hiệu sản phẩm; đồng thời hướng tới sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc hình thành các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản xuất hữu cơ đang tạo cơ sở cho phát triển bền vững. Đến nay, Đồng Nai đã thành công phát triển những vùng nông sản lớn như chuối xuất khẩu, khẳng định thương hiệu Việt bước ra quốc tế.

Đọc thêm