Cụ thể: 30% chưa ly hôn, 44% đã ly hôn nhưng không mang theo giấy tờ xác nhận tình trạng ly hôn về nước, 23,5% đã ly hôn nhưng vẫn tiếp tục phải xử lý các thủ tục liên quan đến ly hôn; 18% trẻ em từ các cuộc hôn nhân quốc tế chưa có giấy khai sinh; và những khó khăn về việc làm, về hòa nhập; hơn 70% phụ nữ di cư hồi hương nói rằng họ có nhu cầu hỗ trợ về tâm lý…
Nghiên cứu này thuộc Dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Mới đây, trong khuôn khổ dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức hội thảo vận động chính sách và chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ di cư hồi hương.
Những năm qua, vấn đề phụ nữ di cư hồi hương luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ trong Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định cần hoàn thiện và thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới… Chiến lược phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035 cũng xác định mục tiêu nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, chăm lo, tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với phương châm “Không để bất cứ nhóm phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau”, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái.
Để thực hiện những mục tiêu này từ tháng 3/2020, Dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” đã được thực hiện nhằm hỗ trợ tái hòa nhập kinh tế - xã hội bền vững và giải quyết những khó khăn mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải thông qua hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Văn phòng OSSO tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương).
“Kết quả hoạt động của Dự án và Văn phòng OSSO vừa là sự cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng như Chiến lược phát triển tổ chức Hội, vừa là minh chứng tin cậy để Hội thực hiện chức năng đại diện trong đề xuất của chương trình, chính sách hoạt động can thiệp từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, đưa ra đề xuất cho hoạt động của Dự án và dịch vụ cung cấp tại Văn phòng OSSO để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhóm phụ nữ di cư hồi hương trong thời gian tới”, theo bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đẩy mạnh sự hợp tác các bên, cũng trong hội thảo vận động chính sách về phụ nữ di cư hồi hương mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kết nối được với nhiều cơ quan, tổ chức như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp TP Hải Phòng, Viện Nghiên cứu Phụ nữ... trong việc giải quyết các vấn đề của đối tượng này.