Góa phụ thờ chồng, nuôi con
Bà Hồ Thị Trâm (SN 1966, ngụ xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) dáng người dong dỏng cao, mặt hao gầy và đôi mắt đượm buồn, nhưng khi nói về các con, đôi mắt ấy lại sáng lên đầy hạnh phúc.
Bà bảo, ba đứa con (2 gái, 1 trai), đứa đầu sau khi tốt nghiệp đại học đã lập gia đình, hiện đang sinh sống và làm việc ở Thủ đô. Đứa còn lại cũng tìm cho mình công việc ổn định ở công ty nước ngoài. Còn cậu con trai út đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. “Giờ các con đi học, làm ăn xa cả nên trong nhà chỉ còn mình tôi, ăn uống không bao nhiêu, chỉ sợ nhất mỗi khi phát bệnh thần kinh thì không có ai chăm sóc”.
Nhắc đến bệnh tình mà mình đang mắc phải, người phụ nữ ấy lại chột dạ vì hôm nay chưa uống thuốc. Vội đi lấy gói thuốc cất trong tủ, bà nhanh tay chia đều thành các liều. Với người phụ nữ này, đó là một phần trong công việc hàng ngày của mình.
“Bị thần kinh là điều không ai muốn. Nhưng tôi phải chung sống với nó hơn 4 năm nay. Hàng ngày phải uống thuốc đều đặn nếu không bệnh sẽ nặng, phải nhập viện”, bà nói.
Nhiều khả năng do áp lực cuộc sống, cộng với việc liên tiếp phải gánh chịu các biến cố khiến tâm lý bà bị ảnh hưởng, dẫn đến thần kinh mãn tính. Đầu tiên là việc người chồng đột ngột ra đi khi đang công tác ở một đơn vị hải quân. Đó là một ngày đầu tháng 5 âm lịch, năm 1994.
Chồng bà chẳng may qua đời trong một tai nạn giao thông ở gần quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Nghe hung tin, bà Trâm ngất lên, ngất xuống và phải mất một thời gian dài mới lấy lại được thăng bằng. Vì ở xa nên lúc gia đình vào đến nơi, chồng bà chỉ còn là nấm mồ. Ba năm sau, gia đình mới quay lại Khánh Hòa đưa hài cốt chồng về quê an táng.
Ngày chồng mất, cô con gái đầu lòng của bà Trâm mới được 4 tuổi, đứa thứ hai chưa đầy 2 tuổi và đứa con út đang nằm trong bụng mẹ. Người phụ nữ ấy đã suy sụp thời gian dài. Nhưng rồi nghĩ đến hai đứa con, đặc biệt là đứa trẻ đang trong bụng, góa phụ trẻ đành gượng dậy tiếp tục sống. Cuối năm đó, bà “vượt cạn” một mình.
Người mẹ ấy không quản ngại vất vả, đầu tắt mặt tối làm lụng để nuôi con. Sinh cậu con trai út chưa đầy tháng tuổi, bà Trâm đành để đứa con thơ còn khát sữa cho con gái đầu trông coi rồi bươn chải kiếm đồng tiền, bát gạo. Bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng khoán mùa được mùa mất. Thiếu ăn, bà đã làm đủ mọi cách để xoay xở. Không những nuôi thêm con gà, con lợn, bà còn tập buôn bán mớ rau, đi bốc gạch thuê. Công việc nặng nhọc, nhưng chưa bao giờ bà cho phép mình nghỉ ngơi.
Chưa đầy hai năm sau, tai ương lại tiếp tục ập đến. Sau thời gian cảm thấy mặt bị phù nề, đau khó chịu ở phần lưng, bà Trâm đi bệnh viện khám thì phát hiện bị viêm cầu thận. Cả tháng trời nằm viện, ba đứa con nhỏ đành phải nhờ anh em họ hàng, bà con lối xóm cưu mang. Uống thuốc, chữa trị khắp nơi, nhưng bệnh tình ngày càng tái phát và nặng hơn trước. Vay mượn tiền bạc, bà tiếp tục ra Hà Nội chữa trị.
3 năm sau, nhờ may mắn gặp thầy, gặp thuốc, sức khỏe của bà Trâm dần ổn định. “Khi bệnh tình của tôi tạm ổn cũng là lúc gia sản khánh kiệt, nợ nần chất chồng khiến cuộc sống của bốn mẹ con vô cùng khó khăn, túng quẫn. Không thể kể hết được những vất vả thời đó được”.
Để có tiền trả nợ, góa phụ ấy lại tất tả ngược xuôi kiếm tiền. Người ta làm một, bà làm mười để có thể vừa nuôi con ăn học, vừa lo trả đống nợ nần. Bao đêm dài, bà khóc thầm tủi thương cho số phận hẩm hiu, đơn chiếc của mình. Động lực duy nhất của bà là ba đứa con ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi.
Bà Trâm vẫn ở trong căn nhà đơn sơ, dồn hết tiền của sức lực cho con học hành |
Nuôi 3 con vào đại học
Sau biết bao biến cố, nhưng bi kịch vẫn chưa buông gia đình này. Giữa năm 2012, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền gây áp lực quá lớn, bà Trâm phát bệnh tâm thần. Hết nói năng lảm nhảm, bà quay sang ném đồ đạc. Người thân đành phải đưa bà vào Vinh chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An một thời gian dài.
Lúc này, người con đầu Nguyễn Thị Oanh (SN 1990) đang học đại học năm cuối và con trai út đang chuẩn bị thi đại học. Bận rộn thời gian, áp lực thi cử, nhưng người con gái đầu vẫn cố sắp xếp thời gian về chăm sóc mẹ.
Nhắc lại quãng thời gian dài cùng một lúc nuôi ba đứa con ăn học đại học, trong khi mình đau ốm, bệnh tật triền miên, bà Trâm bùi ngùi: “Nuôi một đứa vào đại học đã khổ, đằng này 3 đứa con của tôi liên tiếp thi đậu nên vất vả càng nhiều hơn. Gánh nặng tiền bạc nhiều khi khiến tôi mất ăn, mất ngủ”. Để có tiền gửi ra cho các con, bà Trâm đã buộc bụng, ăn uống kiêng khem, sức khỏe ngày càng yếu, người gầy rộc xanh xao.
Bà đăng ký vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, làm vốn cho ba đứa con ăn học. Nhiều người khuyên bà nên để con ở nhà, giúp mẹ công việc đồng áng, cũng là để có người chăm sóc lúc ốm đau. Nhưng vì thương con, muốn các con sau này có tương lai bớt khổ cực hơn, bà Trâm lại gắng gượng làm việc. Bà kể: “Nhiều khi mấy đứa con cùng lúc gọi điện về xin tiền, dù trong người chưa có một đồng lẻ, nhưng vẫn phải vui vẻ nói chuyện để các con yên tâm học hành. Sau đó, tôi lại chạy đi vay nóng để gửi”.
Trải qua bao gian nan vất vả, hiện gia tài lớn nhất của bà Trâm đáng giá nhất là những tấm bằng khen, giấy khen của 3 đứa con. Hai con gái đầu và thứ hai sau khi ra trường đã đi làm ở những công ty có tiếng tại Hà Nội. Còn cậu con trai út Nguyễn Văn Trọng hiện đang theo học năm cuối. Nói về đứa con chịu nhiều thiệt thòi nhất, bà Trâm mắt ánh lên sự tự hào.
Bà kể, dù sinh ra không biết mặt cha và lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12, mẹ lại đổ bệnh nhưng Trọng là thí sinh có tổng điểm thi đại học 3 môn cao nhất của xã Quỳnh Văn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Nhập trường, Trọng thi vào Khoa Kỹ sư tài năng và tiếp tục đỗ. Trọng từng tâm sự với mẹ, vì gia cảnh khó khăn, nên phải tự nỗ lực, chứ không thể dựa dẫm vào ai.
Từ ngày con trai út nhập học, chỉ còn mình bà Trâm trong căn nhà vắng hoe. Dù sức khỏe yếu nhưng hàng ngày bà vẫn cố chạy chợ, vẫn làm bốn sào ruộng khoán và chăn nuôi thêm để phát triển kinh tế. Riêng với các con, vì học và làm việc xa nhà, gia cảnh khó khăn nên các em ít khi về nhà. Chỉ ngày giỗ bố và mấy ngày Tết, mẹ con mới đoàn tụ.
Hướng mắt lên nhìn di ảnh chồng trên bàn thờ, người phụ nữ ấy tâm sự: “Ngày trước thấy tôi cực khổ, vất vả, mọi người cũng khuyên nhủ nên tìm một chỗ dựa nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai.
Lúc chồng tôi qua đời, thương con thơ dại, tôi đã tự nhủ với lòng mình dù khó khăn, cực khổ thế nào vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con. Giờ các con khôn lớn, phương trưởng, chỉ còn mình tôi và ông ấy trong căn nhà lạnh lẽo”. Thời gian trôi đi, nhưng tình yêu mà bà dành cho người chồng đã khuất vẫn vẹn nguyên như ngày nào.