Góa phụ hết chứa mại dâm lại cấu kết với bố chồng bán phụ nữ sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bản án 4 năm tù về tội chứa mại dâm không làm Nga chùn chân. Ngược lại, Nga còn cùng với người dì và bố chồng ở Trung Quốc tìm phụ nữ Việt Nam để đưa sang bán. Hành vi mua bán người của Nga chỉ bị bại lộ khi công an phát hiện người đàn bà này bán ma túy cho khách.
Hai bị cáo tại phiên tòa.
Hai bị cáo tại phiên tòa.

Bại lộ thương vụ mua bán người sau khi bị bắt vì ma túy

Vy Thị Nga (SN 1980) là con đầu trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã miền núi Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An). Hết lớp 5, Nga nghỉ học. Như bao cô gái khác trong bản, Nga lấy chồng sớm. Khi vừa tròn 18 tuổi thì Nga đã làm mẹ. Không nghề nghiệp ổn định, lại phải lo kinh tế nuôi các con nên cuộc sống của gia đình này luôn thiếu thốn. Sau biến cố chồng mất càng khiến cuộc sống của Nga vất vả hơn.

Vào năm 2011, bà con dân bản nghe tin Nga bị công an bắt. Vì mù quáng trước những đồng tiền bất chính Nga đã phạm tội Chứa mại dâm và bị tòa tuyên mức án 4 năm tù. Ngày Nga đi thi hành án, 2 đứa con phải nương nhờ người thân.

Sau khi thi hành xong bản án, Nga quyết định một mình sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp. Quá trình sinh sống tại đây, Nga đã lấy một người đàn ông bản địa làm chồng. Từ đó, Nga biết nhu cầu tìm vợ của đàn ông Trung Quốc nên đã nghĩ cách đưa phụ nữ Việt Nam sang bán hòng trục lợi.

Để thực hiện ý đồ đó, tháng 9/2014, Nga gọi điện về cho người dì là Lô Thị Xu Hà (SN 1974), trú xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) rủ tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán, sẽ nhận được 20 triệu đồng tiền công. Nghe cháu nói vậy, người dì ruột liền đồng ý.

Một tháng sau, Hà gặp chị Lô Thị Ngân (tên nạn nhân đã được thay đổi, SN 1982, trú xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương). Biết chị này hoàn cảnh khó khăn Hà liền rủ “sang Trung Quốc làm việc sẽ có lương cao”. Sau đó, Hà nói lại với chị Ngân “sang Trung Quốc lấy chồng”. Lúc này, do không có việc làm, điều kiện kinh tế khó khăn nên chị Ngân đã đồng ý xuất ngoại.

Ngày 19/10/2014, Hà đưa cho chị Ngân 2 triệu đồng tiền lộ phí và đưa số điện thoại của Nga. Chị Ngân sau khi một mình đi đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đã được người của Nga thuê dẫn sang Trung Quốc. Tại xứ người, Nga dẫn chị Ngân về nhà mình ở ít ngày. Sau đó, Nga đã nhờ bố chồng ở Trung Quốc bán nạn nhân cho một người đàn ông bản địa lấy làm vợ với giá khoảng 120 triệu đồng.

Bố chồng sau đó chỉ đưa cho Nga 90 triệu đồng. Số tiền đó Nga gửi về cho Hà 80 triệu đồng. Trong đó, 20 triệu là tiền công của Hà, 60 triệu là tiền của chị Ngân. 10 triệu đồng còn lại, Nga gửi về cho mẹ đẻ của mình ở Việt Nam để nuôi con.

Ngày 5/7/2021, Công an huyện Tương Dương bắt giữ Vy Thị Nga khi người phụ nữ này đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Hai ngày sau, chị Ngân có đơn tố cáo Nga và Hà việc bán mình sang Trung Quốc. Từ đó, hành vi “Mua bán người” của Vy Thị Nga bị bại lộ. Nga và Lô Thị Xu Hà bị công an bắt giữ.

Cam go cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua bán người

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa bị cáo Vy Thị Nga ra xét xử sơ thẩm về 2 tội Mua bán người và Mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo Lô Thị Xu Hà bị truy tố về tội Mua bán người.

Tại phiên tòa, hai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Nga thừa nhận biết rõ việc đưa người sang Trung Quốc bán là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi nên vẫn thực hiện. Bị cáo thừa nhận việc đã cùng bố chồng ở Trung Quốc bán nạn nhân rồi chia tiền tiêu xài.

Về tội Mua bán ma túy, Nga khai đã bán ma túy cho 2 đối tượng sau khi được hỏi mua “1 vịt, 2 gà” ý chỉ heroin và hồng phiến, thu lợi bất chính 300 nghìn đồng. Nga cũng khai nhận trước đó đã 2 lần bán ma túy cho 2 đối tượng, tuy nhiên do không có tang vật nên cơ quan điều tra chưa có căn cứ để xử lý những lần bán ma túy đó. Nữ bị cáo này viện cớ hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi con nên đã vi phạm pháp luật và xin giảm nhẹ hình phạt.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm, hành vi mua bán người của hai bị cáo là vi phạm pháp luật. Vì hám lợi các bị cáo đã bất chấp đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc bán dù biết việc đó vi phạm pháp luật. Do đó phải có mức án nghiêm để có tính răn đe và phòng ngừa chung. Cân nhắc toàn diện vụ án HĐXX tuyên phạt bị cáo Vy Thị Nga 4 năm tù về tội Mua bán người, 4 năm về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt chung buộc Nga phải nhận là 8 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Lô Thị Xu Hà 3 năm tù về tội Mua bán người.

Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người đặc biệt ở vùng biên giới Nghệ An có những lúc được kìm giữ nhưng có nơi, có lúc còn tiềm ẩn phức tạp. Về thủ đoạn phạm tội, theo cơ quan chức năng, các đối tượng thường sử dụng chiêu bài tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao, công việc nhàn hạ để lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em đem bán ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, có một số đối tượng phạm tội trước đây là nạn nhân của tội phạm mua bán người, hoặc tự nguyện bỏ đi lấy chồng lại quay về địa phương sử dụng thủ đoạn lừa gạt những phụ nữ, trẻ em quen biết bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc hoạt động mại dâm. Còn có tình trạng thông qua mạng xã hội để tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh phụ nữ đem đi bán.

Một thực tế là địa bàn tội phạm mua bán người thường hoạt động là các vùng nông thôn, miền núi rẻo cao. Đây là những nơi có trình độ dân trí thấp, người dân cả tin, kinh tế khó khăn, nhiều người, thiếu việc làm. Đa số người bị bán đều bị ép làm vợ, hoạt động mại dâm hoặc làm các công việc nặng nhọc tại Trung Quốc...

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi hoặc những phụ nữ “quá lứa lỡ thì”, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đua đòi ăn chơi; một số em gái mới lớn có tư tưởng thoát ly công việc lao động nông nghiệp tại địa phương, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao hơn... Ngoài ra, nguồn lợi nhuận khủng từ các phi vụ mua bán người khiến bọn tội phạm không từ mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người trên địa bàn, Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Các cơ quan chức năng cũng chỉ rõ, công tác phòng chống tội phạm mua bán người hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phòng chống tội phạm mua bán người cần có sự vào cuộc chung tay của toàn xã hội.

Đọc thêm