Góa phụ hi sinh tuổi thanh xuân cho đứa con riêng tật nguyền của chồng

(PLO) - Chồng mất khi bà Kăn Ten còn rất trẻ. Mái tóc trên đầu khi ấy hãy còn xanh lắm, chưa có sợi bạc nào. Bao nhiêu trai làng muốn đến với bà, xây dựng hạnh phúc, nhưng bà quyết định ở vậy, nhất quyết không tái hôn, chỉ vì muốn dành hết thời gian chăm sóc đứa con riêng mù lòa bệnh tật của chồng. 
Bà Kăn Ten đã không tái hôn để dành tuổi thanh xuân nuôi đứa con chồng tật nguyền.
Bà Kăn Ten đã không tái hôn để dành tuổi thanh xuân nuôi đứa con chồng tật nguyền.

Câu chuyện về cuộc đời bà Kăn Ten khiến thành ngữ “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” không đúng.

“Nửa chừng xuân”

Nhà bà Kăn Ten nằm cuối một con ngõ nhỏ ở thôn Aka (xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Căn nhà đơn sơ, cũ kỹ, nằm lẩn khuất giữa những triền sắn triền ngô xanh ngắt. Nắng sớm rải hoa trên mái nhà và trải khắp những vườn cây trái một màu bình yên, hạnh phúc. 

Con trai bà Kăn Ten ngồi một mình trước hiên nhà. Người đàn ông mù lòa, ốm yếu, ôm trong lòng chiếc đàn nhỏ. Đôi tay gân guốc ấy gảy nên những âm thanh réo rắt tràn đầy sức sống, khác hẳn cái vẻ ốm yếu quắt queo vì bệnh tật của anh. 

Nghe có tiếng bước chân người lạ tiến vào, bàn tay trên dây đàn ngừng lại giữa chừng. Đôi tai dỏng lên. Đôi mắt vẫn mở to nhìn về phía trước, nhưng mờ mịt. Bà Kăn Ten đang lui hui sau bếp lật đật đi ra.

Nụ cười tươi hiện ra trên gương mặt sạm đen của người phụ nữ quanh năm dãi dầu sương nắng. Người mẹ vùng cao bảo đang chế biến món ăn từ quả mít non hái sau vườn. Bữa trưa của hai mẹ con sẽ là mấy thứ rau quả sau nhà.

Thấy nhà bà Kăn Ten có khách, mấy người hàng xóm cạnh nhà cũng vui vẻ kéo qua, ngồi vây quanh. Bà Kăn Ten nói tiếng phổ thông bập bẹ, tiếng được tiếng mất. Trong suốt câu chuyện, bà luôn “chêm” vào nhiều tiếng người Tà Ôi của mình. Hoặc những khi muốn diễn đạt cảm xúc thật nhiều, bà lại nói một hơi dài tiếng Tà Ôi. 

Thương mẹ, người đàn ông tật nguyền gửi tình cảm của mình vào tiếng đàn
Thương mẹ, người đàn ông tật nguyền gửi tình cảm của mình vào tiếng đàn 

Hỏi bà năm nay bao nhiêu tuổi? Bà chỉ cười, rồi lắc đầu nguầy nguậy. Rồi người mẹ vùng cao bảo: “Nhiều tuổi lắm rồi. Nhưng không nhớ chính xác là bao nhiêu”. 

Không thể nhớ chính xác tuổi của mình, hay tuổi của người con trai riêng của chồng, nhưng trong ký ức của mình, bà không bao giờ quên giây phút thành vợ thành chồng với ông Quỳnh Tis. Những tháng ngày hạnh phúc ít ỏi đó, vẫn in đậm trong trái tim bà.

Ngày đó bà còn trẻ lắm. Là một cô gái mới lớn, Kăn Ten cũng như bao cô gái miền sơn cước khác cũng ôm ấp trong lòng ước mơ sẽ tìm thấy một tình yêu đẹp. Họ sẽ cùng sánh đôi bên nhau, rồi sinh con đẻ cái.

Có lẽ, ông trời sớm nghe được lời nguyện cầu của cô gái trẻ, bà Kăn Ten sớm tìm thấy tình yêu đời mình, dẫu không được vẹn nguyên, tròn trịa. Khi bà kết hôn với chồng mình, ông Quỳnh Tis đã trải qua một đời vợ. Người vợ trước của ông đã mất, để lại cho ông một đứa con trai bệnh tật, mù lòa, là A Viết Tis.

A Viết Tis lúc đó hãy còn rất nhỏ. Bởi mù lòa bệnh tật nên người cậu bé gầy nhom, chân tay quắt queo. Lần đầu nhìn thấy A Viết Tis, lòng người phụ nữ Tà Ôi bỗng dâng lên một tình cảm xót thương vô bờ đối với đứa trẻ đã sớm chịu cảnh mồ côi mẹ.

Rồi khi nghe cậu bé gọi mình bằng mẹ, tiếng mẹ ngọt ngào ấy phát ra từ miệng đứa trẻ yếu đuối mất mẹ, đã dội thẳng vào trái tim bà. Bà Kăn Ten tự nhủ mình sẽ yêu thương chăm sóc đứa con riêng tội nghiệp của chồng, như chính đứa con mà bà sẽ đứt ruột đẻ ra. 

Từ ngày người cha tái hôn, cậu bé A Viết Tis hạnh phúc vì có cả cha lẫn mẹ. Cậu chẳng còn cảm thấy cô đơn, thấy thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, khi đã có mẹ Kăn Ten bên mình.

Căn nhà nhỏ ngày ấy ngập tràn hạnh phúc yêu thương. Rồi đây Kăn Ten sẽ sinh thêm những đứa con xinh xắn. A Viết Tis sẽ có đủ cả em gái lẫn em trai. Gia đình họ sẽ đông đúc, tối tối sẽ sum vầy bên bếp lửa như bao gia đình khác ở trong thôn.

Ngày ngày, hết lên rẫy xuống vườn, bà chăm chỉ làm việc nuôi đứa con riêng của chồng
Ngày ngày, hết lên rẫy xuống vườn, bà chăm chỉ làm việc nuôi đứa con riêng của chồng

Nào ngờ, tai họa bỗng dưng, ập xuống gia đình nhỏ. Ông Quỳnh Tis đột ngột qua đời. Bà Kăn Ten như hóa đá trước mất mát quá lớn của đời mình. Lo ma chay cho chồng song, bà thẫn thờ ngồi trong căn nhà trống trải. Căn nhà một thời là tổ ấm hạnh phúc, giờ vắng lặng, tang tóc, lạnh lẽo. Bên cạnh bà, chỉ có tiếng A Viết Tis ri rỉ khóc vì nhớ cha. 

Qua khung cửa, bà Kăn Ten thấy nắng nhảy nhót quanh đồi, bốn bề núi rừng đang ca vui trong gió. Nhưng nơi đây, trong căn nhà này, lòng bà lại lạnh ngắt như ướp băng. Bà đưa mắt nhìn đứa con riêng bệnh tật của chồng, lòng lại nhói lên những cảm xúc đau đớn.

“Lúc đó, mế cứ nghĩ, đứa bé ấy, đứa con trai của chồng, cũng là con của mế, nó thật tội nghiệp. Mế phải làm gì với nó đây. Những ngày sắp tới, mế với nó phải sống ra sao?”, mẹ Kăn Ten hồi ức, giọng bùi ngùi.

Hành động từ trái tim

Chồng không còn, xét về lý, bà không có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con riêng của chồng.Người phụ nữ ấy còn rất trẻ, nhan sắc hãy còn mặn mà. Bà có quyền tìm kiếm cho mình một hạnh phúc mới, rồi sinh con đẻ cái, rồi tự tay chăm sóc những đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Nhưng người phụ nữ với trái tim nhân hậu, không đành lòng bỏ lại đứa trẻ mất mẹ, nay lại mồ côi luôn cả cha. 

Bao nhiêu người đàn ông đến trước cửa nhà, bà đều quay lưng. Bà không thể sống ích kỷ. Bà không thể chỉ sống cho riêng mình. Mỗi lần nghe tiếng A Viết Tis cười, nghe tiếng con nói, tình mẫu tử trong bà cứ thế mà nhân lên, gấp đôi, gấp ba. Và bà quyết định ở vậy, để dành hết thời gian chăm sóc đứa con riêng của chồng. 

Người mẹ vùng cao bộc bạch tâm sự: “Mẹ cũng muốn đi lấy chồng lắm. Nhưng mẹ không đành, vì thương A Viết Tis. Nếu mẹ đi lấy chồng khác, không ai nuôi A Viết Tis. Không có mẹ chăm sóc, thì nó chết mất”. Cứ thế, bà dẹp bỏ hạnh phúc của riêng mình, ở vậy làm lụng, nuôi nấng đứa con riêng của chồng.

Những người hàng xóm cạnh nhà bà Kăn Ten chia sẻ, mỗi ngày, bà Kăn Ten thức dậy từ rất sớm. Bà ra ruộng, ra đồng, lên rẫy khi mặt trời còn chưa ló rạng. Những hôm phải đi làm cả ngày, bà chuẩn bị sẵn cơm trưa để ở nhà cho A Viết Tis, còn mình mang theo một phần cơm vào rẫy.

Người mẹ đơn thân ấy làm đủ mọi việc, hết mùa lúa chuyển sang trồng bắp trồng khoai. Khi không có việc, bà lại lên rừng đốn củi, hoặc xuống ruộng mò cua bắt ốc. Đôi vai của bà đã chai sần vì gùi củi, gùi than.

Đôi tay bà, cũng chi chít vết sần vì cầm cuốc, cầm rựa. Quanh năm suốt tháng quần quật làm lụng, cũng chỉ đủ cái ăn qua ngày. Những hôm mưa gió, lạnh lẽo, chẳng thể băng rừng đốn củi, không thể ngâm trong mưa lạnh để mò cua, “dì ghẻ, con chồng” chỉ còn biết loanh quanh trong nhà, bữa ăn chỉ có chén muối ớt đưa cơm. Cuộc sống tuy khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, vẫn luôn ấp áp tình yêu thương.

Những người dân trong vùng, vẫn luôn nhìn vào gia đình bà Kăn Ten, rồi gật gật cái đầu khâm phục. Họ bảo yêu mến bà, quý trọng bà, bởi chính tấm lòng nhân hậu của bà. “Mẹ gà, con vịt”, đâu có máu mủ ruột rà, nhưng người phụ nữ ấy đã dành trọn cả tuổi thanh xuân, chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng, để cưu mang đứa con riêng của chồng.

Ngày ngày, hết lên rẫy xuống vườn, bà chăm chỉ làm việc nuôi đứa con riêng của chồng
Ngày ngày, hết lên rẫy xuống vườn, bà chăm chỉ làm việc nuôi đứa con riêng của chồng

Cậu bé A Vết Tis ngày ấy, giờ đã là người đàn ông ngoài 40 tuổi. Dù bệnh tật, dù mù lòa, chưa một lần được nhìn thấy mẹ, nhưng trong lòng anh, mẹ Kăn Ten là người mẹ đẹp nhất trên đời. Thương mẹ, nhưng chẳng biết làm gì để đỡ đần bà, A Viết Tis chỉ biết ngày ngày ôm cây đàn nhỏ, ngồi ở hiên nhà, đàn cho mẹ nghe.

Những giai điệu ngọt ngào vang lên qua đôi tay quắt queo ấy, khiến mẹ Kăn Ten mỗi lần nghe thấy điều nhoẻn miệng cười. Không nhìn thấy nụ cười hạnh phúc ấy, nhưng người con trai luôn biết, tiếng đàn của mình đã làm mẹ “vui cái bụng”.

Trời đã chuyển sang trưa, nắng đã thêm phần gay gắt, bà Kăn Ten cầm chiếc khăn ra sau ang nước giặt ướt, rồi vào lau khô mấy giọt mồ hôi trên mặt con trai. Nhìn cảnh bà chăm sóc A Viết Tis với vẻ dịu dàng đầy yêu thương, nếu không biết, chẳng ai có thể ngờ đó là mẹ ghẻ con chồng. 

Ông Ploong Phương, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, trường hợp như bà Kăn Ten rất hiếm có và đáng trân trọng. Anh A Viết Tis là người tàn tật, hoàn cảnh hai mẹ con khó khăn nên năm 2004 được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương. Ngoài chế độ dành cho người tàn tật, mẹ con bà Kăn Ten được bộ đội biên phòng hỗ trợ 20 kg gạo mỗi tháng. 

Tình cảm của mẹ KănTen đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác trong bản để họ sống tích cực hơn, làm những việc có ý nghĩa từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và để thấy cuộc sống này, yêu thương vẫn luôn đong đầy.

Đọc thêm