Góc khuất điện mặt trời (kỳ 3): Bất ngờ doanh nghiệp 10 ngày tuổi được chấp thuận dự án… ngàn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo quy định của Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thời hạn 35 ngày để thông báo kết quả cho nhà đầu tư kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư. Thế nhưng đối với 4 trên 5 Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Xuân Thiện – Ea Súp, thời gian từ khi doanh nghiệp được thành lập đến khi có quyết định chủ trương đầu tư chỉ trong vòng… 10 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị thăm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp (Ảnh: Minh Thông, daklak.gov.vn).
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị thăm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp (Ảnh: Minh Thông, daklak.gov.vn).

* Kỳ 1: Góc khuất điện mặt trời nhìn từ dự án Xuân Thiện – Ea Súp

* Kỳ 2: Góc khuất điện mặt trời: Phó chủ tịch tỉnh cũng bị…. “nhầm”?

* Sở Công Thương Đắk Lắk phản hồi bài báo “Góc khuất điện mặt trời nhìn từ dự án Xuân Thiện – Ea Súp”

Thẩm định “siêu tốc”

Hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đã được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Có rất nhiều nội dung mà cơ quan chuyên môn phải thẩm định trước khi cấp “giấy khai sinh” cho một dự án trong đó có đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch; đánh giá về ưu đãi đầu tư; đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư; đánh giá về công nghệ sử dụng…

Với cụm nhà máy ĐMT Xuân Thiện – Ea Súp, ngày 9/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký các quyết định chủ trương đầu tư 5 nhà máy từ số 1 đến số 5, với tổng mức đầu tư thấp nhất là 1.765 tỷ đồng (nhà máy 1,2,3); cao nhất là 2.645 tỷ đồng (nhà máy 4,5).

Điều đáng nói, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì duy nhất Cty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk được thành lập vào ngày 07/03/2017 còn cả 4 công ty gồm Ea Súp 1, 2, 3, 5 đều có ngày bắt đầu thành lập là 26/2/2019.

Như vậy, tính từ ngày công ty thành lập (26/2) đến ngày có quyết định chủ trương đầu tư (9/3/2019) chỉ có 10 ngày. Nói cách khác, liên ngành tỉnh Đắk Lắk chỉ có chừng 1 tuần làm việc để thẩm định.

Trong khi, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng không cần đến thời hạn 7 ngày làm việc như luật quy định mà chỉ trong vòng 24h (dù 9/3/2019 là ngày thứ 7), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị vẫn ký ngay các quyết định chủ trương đầu tư.

Rõ ràng đây là một thành tích đáng tự hào nếu như không có việc, chỉ hơn 1 tháng sau, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải ban hành quyết định điều chỉnh phương án đấu nối nhà máy ĐMT Ea Súp 1 và ngày 24/6/2020 phải điều chỉnh cả 5 nhà máy trong đó có rất nhiều nội dung thay đổi về quy mô dự án, phương án đấu nối, địa điểm thực hiện, vốn đầu tư…

Câu hỏi đặt ra là, hiệu quả, năng lực quản lý ngành, địa phương như thế nào?

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ quá trình phê duyệt dự án Nông Lâm nghiệp thuộc Cụm DA ĐMT Xuân Thiện – Ea Súp, trong đó có việc “chồng chéo” với dự án ĐMT? Căn cứ để phê duyệt cơ cấu và diện tích đất sử dụng thay đổi hàng năm? Vì sao dự án liên tục phải điều chỉnh và đến nay đã gần hết tiến độ đầu tư nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai?

Về thủ tục đất đai, cần làm rõ tính đồng bộ giữa vị trí thực hiện dự án với quyết định chủ trương đầu tư và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt? Trình tự, thủ tục, nhất là căn cứ cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai? Hình thức cho doanh nghiệp thuê đất rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng tự nhiên?

Hoàn thuế “khủng” lên tới cả ngàn tỷ đồng

Lãnh đạo Tỉnh Đắk Lắk thăm và làm việc tại cụm nhà máy điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện xã Ia Lốp – Ea Súp tháng 5-2020 (Nguồn ảnh - Cổng thông tin điện tử Huyện Ea Súp).

Lãnh đạo Tỉnh Đắk Lắk thăm và làm việc tại cụm nhà máy điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện xã Ia Lốp – Ea Súp tháng 5-2020 (Nguồn ảnh - Cổng thông tin điện tử Huyện Ea Súp).

Không chỉ được hưởng nhiều ưu đãi mà theo thông tin từ Cục thuế tỉnh Đắk Lắk cung cấp cho Báo PLVN (văn bản số 1488/CTĐLA-TTHT ngày 28/4/2021), Cụm dự án ĐMT Xuân Thiện – Ea Súp gồm 5 dự án do 5 công ty quản lý và thực hiện còn được hoàn thuế GTGT rất lớn.

Cụ thể, Cty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk được hoàn gần 406,6 tỷ đồng (kỳ đề nghị hoàn từ tháng 1/2020 - 12/2020); Cty CP Ea Súp 1 được hoàn hơn 207,9 tỷ đồng; Ea Súp 2 được hoàn gần 208,2 tỷ đồng; Ea Súp 3 được hoàn 209,5 tỷ đồng và Ea Súp 5 được hoàn hơn 315 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà 5 công ty đã được hoàn thuế lên tới 1.347 tỷ đồng.

Điều đáng nói, theo văn bản mà Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk ký, cả 5 công ty nói trên đều có Giấy phép hoạt động điện lực được cấp vào ngày 25/11/2020 (mặc dù đã đóng điện (đi vào hoạt động) từ ngày 15/11/2020 trước khi có giấy phép).

Căn cứ hoàn thuế được Cục thuế Đắk Lắk đưa ra là quy định tại điểm 2 khoản 3 điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC.

Tuy nhiên, ngày 5/10/2020, tại văn bản số 4173/TCT-CS, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Tổng cục Thuế khẳng định: “Trường hợp dự án đầu tư nhà máy điện đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế chưa được cấp Giấy phép hoạt động điện lực thì chưa đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo quy định”.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk với Cty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk vào tháng 6/2020 cũng có nêu: “Đối với việc hoàn thuế GTGT dự án đầu tư ĐMT của Cty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, do chưa hoàn thiện các thủ tục nên không đáp ứng điều kiện hoàn thuế theo quy định tại Điểm 3c, Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC”.

Liên quan đến vấn đề hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư ngành điện, Tổng cục Thuế cũng đã liên tục có các văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát, báo cáo việc hoàn thuế GTGT, thậm chí yêu cầu “thu hồi hoàn thuế và xử lý theo quy định”.

Về phần mình, Cục thuế Đắk Lắk khẳng định “đã thực hiện kiểm tra xử lý và giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, một số chuyên gia trong ngành còn cho rằng, nhà máy ĐMT Xuân Thiện - Ea Súp giai đoạn I có công suất 600MWac/831MWp nhưng được công bố có tổng mức đầu tư lên tới hơn 15.000 tỷ đồng và được hoàn thuế tới 1.347 tỷ đồng là rất cao.

Theo đại diện một doanh nghiệp trong ngành thì, suất đầu tư trung bình 1MWp ĐMT ở Việt Nam hiện nay là khoảng 12,13 tỷ, tối đa là khoảng 15 tỷ (bao gồm cả các hạng mục không được hoàn thuế như giải phóng mặt bằng…).

“Hoàn thuế GTGT là một lĩnh vực khá “nhạy cảm”, nhất là khi vấn đề hóa đơn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc, đối soát, kiểm tra mới có thể làm rõ có bất thường, trục lợi hay không?”, một kiểm toán viên (đề nghị giấu tên) chia sẻ.

“Ông bầu” đứng sau siêu dự án là ai?

Ông Nguyễn Văn Thiện (Nguồn ảnh - Xuân Thiện Vietnam).

Ông Nguyễn Văn Thiện (Nguồn ảnh - Xuân Thiện Vietnam).

Được biết, cụm nhà máy ĐMT Xuân Thiện – Ea Súp được hạch toán độc lập bởi 5 pháp nhân riêng biệt nhưng theo dữ liệu của PLVN cho thấy, đứng sau đó đều có sự góp mặt của “hạt nhân” mang tên Xuân Thiện.

Là “ông lớn” nhưng các doanh nghiệp “họ” Xuân Thiện cũng từng bị điểm danh trong danh sách nợ thuế như: Cty TNHH năng lượng Sơn La nợ trên 2,3 tỉ đồng; Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình nợ trên 1,7 tỉ đồng (Cục thuế Sơn La, đến 31/1/2021); Xuân Thiện Thuận Bắc hơn 1,3 tỷ, Xuân Thiện Ninh Thuận quá hạn gần 600 triệu (Cục Hải quan Khánh Hòa, đến 31/10/2020).

Theo đó, các Cty CP Ea Súp 1, Ea Súp 3 có vốn điều lệ 529,5 tỷ đồng, 100% là vốn tư nhân. Bốn cổ đông sáng lập gồm Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (89%), còn lại là Cty TNHH Xuân Thiện Hà Giang và Xuân Thiện Hòa Bình và cá nhân ông Nguyễn Văn Thiện.

Riêng với Cty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, khi thành lập, cá nhân ông Nguyễn Văn Thiện nắm giữ tới 85% (tương đương phần vốn góp lên tới 2.550 tỷ đồng) còn lại là 3 cty Xuân Thiện Hà Giang, Xuân Thiện Hòa Bình và Xuân Thiện Yên Bái. Đến 30/3/2020, Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình nắm 89% và cá nhân ông Thiện giảm xuống còn 11% giá trị vốn góp.

Chưa nói đến dự án Nông lâm nghiệp mà hiện nay vẫn còn “nằm trên giấy”, đối với cụm 5 nhà máy ĐMT, ngày 24/6/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có một loạt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư tăng từ 10.585 tỷ đồng lên hơn 15.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, 70% nguồn vốn đầu tư là vốn huy động.

Và chỉ một ngày sau, Cty CP Ea Súp 5 đã huy động thành công 2.110 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Tính đến cuối tháng 8/2020, chỉ tính riêng cụm 5 nhà máy của Xuân Thiện ở Đắk Lắk đã huy động tới 8.880 tỷ đồng qua trái phiếu. Nếu tính cả Xuân Thiện Thuận Bắc, Xuân Thiện Ninh Thuận, TNHH Năng lượng Sơn La thì riêng nhóm Xuân Thiện đã huy động tới 12.710 tỷ đồng.

Điều này đưa Xuân Thiện trở thành “tập đoàn” phát hành vay nợ bằng trái phiếu tài trợ dự án điện mặt trời lớn nhất trong năm 2020 (gấp đôi doanh nghiệp đứng thứ 2 là Cty TNHH ĐMT Trung Nam Thuận Nam với 6373 tỷ đồng). Theo danh sách trái chủ được công bố nhà đầu tư trái phiếu 100% là tổ chức.

Theo tìm hiểu của PLVN, quy trình từ tư vấn tài chính, bảo lãnh, đại lý thu xếp phát hành cho các đợt phát hành của nhóm Xuân Thiện đều có “bóng dáng” của Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn – Hà Nội. Chủ tịch HĐQT của công ty này cũng là một “ông bầu” có tiếng.

Sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp điện mặt trời kêu cứu thời gian qua cho thấy, lĩnh vực đầu tư đầy mới mẻ này không hoàn toàn là miếng bánh ngon với cả ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và trái phiếu điện mặt trời rủi ro rất cao. Các nhà đầu tư không có kiến thức chuyên ngành và khả năng phân tích tài chính doanh nghiệp không nên chạy theo lãi suất cao, vì rủi ro tiềm ẩn là rất lớn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định với báo chí.

Cuối tháng 3/2021, người dân thuộc thôn Đoàn (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) đã gửi đơn tập thể đến chính quyền địa phương đề nghị vào cuộc xử lý mỏ đá trong dự án ĐMT Xuân Thiện đóng trên địa bàn vì cho rằng bụi đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây điều. Huyện Ea Súp sau đó đã có báo cáo, mời đơn vị chuyên môn vào cuộc làm rõ.

Theo tìm hiểu, ngày 2/11/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thu hồi khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng trong phạm vi diện tích dự án Nhà máy ĐMT Xuân Thiện cho Cty Cổ phần Viết Thành.

Cty CP Viết Thành do ông Nguyễn Hữu Sơn làm người đại diện pháp luật, có địa chỉ tại Xưởng cơ khí Xuân Thành, phố Đẩu Long, Phường Tân Thành, TP.Ninh Bình. Ninh Bình cũng là “tổng hành dinh” của các công ty thuộc “họ” Xuân Thiện.

Đọc thêm