Lợi dụng sự kém hiểu biết cùng tâm lý sợ hãi của người bệnh, nhân viên Công ty Dược mỹ phẩm Thăng Long sẵn sàng “hô biến” thực phẩm chức năng (TPCN) thành thuốc chữa bệnh yếu sinh lý nam để lừa dối người tiêu dùng. Dối trá trắng trợn, coi thường sức khỏe con người, kinh doanh bất chấp pháp luật… chính là những gì đang diễn ra tại Cty Thăng Long.
Trong vai một nhân viên kinh doanh tại Cty Dược mỹ phẩm Thăng Long (có văn phòng tại tòa nhà CT3-1, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), PV Báo Pháp luật Việt Nam đã thu thập được những thông tin phản ánh chân thực về hoạt động kinh doanh TPCN online của công ty này.
Những TPCN về sinh lý nam đã được “ bác sĩ” tuổi 20, không hề có chuyên môn về ngành y tư vấn, kê đơn cho khách hàng trong cuộc đua trở thành “ngôi sao” bán hàng.
Ba loại TPCN về sinh lý nam chủ đạo mà Cty Cổ phần Dược mỹ phẩm Thăng Long đang bán là Strongmen1h, Strongmen Plus, Iman1h.
Buổi đào tạo "thần tốc"
Sau một thời gian theo dõi những dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh TPCN online của Cty Dược mỹ phẩm Thăng Long, PV đã nộp hồ sơ để ứng tuyển vị trí nhân viên của công ty này để nhằm tìm rõ chân tướng sự thực. Trong buổi phỏng vấn phóng viên dù không có chuyên môn về y dược nhưng vẫn được nhận vào làm việc với lời hứa “sẽ được đào tạo”.
Ngay buổi thử việc đầu tiên tại địa chỉ khu nhà chung cư CT3-1 (khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), PV ngỡ ngàng khi biết được hàng chục nhân viên bán hàng tại đây không có chút kiến thức chuyên môn về ngành y và đều được đào tạo trở thành “bác sĩ” online thông qua một buổi đào tạo chóng vánh.
Sơn, người thanh niên sinh năm 1992, được biết đến là trưởng nhóm kinh doanh là người trực tiếp đào tạo kiến thức y khoa, cách tư vấn sản phẩm cho các nhân viên kinh doanh mới. Với thái độ của một người “sếp” dày dặn kinh nghiệm trong công việc bán TPCN, Sơn hướng dẫn tỉ mỉ PV quá trình tư vấn cho khách hàng.
Chân dung quản lý Sơn - người đào tạo chuyên môn bán hàng cho nhân viên mới vào công ty. |
Theo Sơn, bước chào hỏi trong công việc kinh doanh là vô cùng quan trọng. Hiện tại, Cty Thăng Long đang có hai nhóm đối tượng khách hàng: một là tìm khách hàng mới, hai là chăm sóc khách hàng cũ. Đối với hai nhóm khách hàng này, nhân viên phải áp dụng những cách chào khác nhau.
Đối với khách hàng mới: “Thường sale (nhân viên kinh doanh) ở đây đang áp dụng hai kiểu chào. Một là: Em chào anh! Em bên nhà thuốc điều trị sinh lý/ Trung tâm điều trị sinh lý nam .... Em tiếp nhận được thông tin anh chị để lại muốn tư vấn về loại thuốc tăng thời gian quan hệ...”, Sơn hồ hởi chia sẻ với phóng viên.
Còn đối với những khách hàng cũ, cách chào hỏi sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc khách hàng đó đã dùng TPCN do bên nào tư vấn (nhà thuốc nào? Trung tâm điều trị nào? “Ví dụ khách hàng bên nhà thuốc Hoàng Tùng Dương. Em (PV) chào anh!Em bên nhà thuốc sinh lý cũng được/ Hoàng Tùng Dương, trước anh uống loại thuốc Hoàng Tùng Dương bên em rồi thì anh thấy thế nào?Mình sẽ đặt mình bên chăm sóc khách hàng của Hoàng Tùng Dương sau đó mình hướng tới tư vấn sản phẩm mình bán”.
Ngay từ những lời chào khách hàng đầu tiên, phóng viên đã được yêu cầu tự xưng là người bên các nhà thuốc, là “dược sĩ, bác sĩ” và đặc biệt các TPCN đều biến thành thuốc khi nói chuyện với khách hàng.
Để có thể duy trì cuộc nói chuyện với khách hàng, cũng như có thể bắt bệnh, PV được hướng dẫn hỏi tên, tuổi của khách hàng. Trong đó, việc hỏi tuổi đầu tiên sẽ là yếu tố quan trọng bởi theo Sơn: “trong lĩnh vực này có tuổi rồi, em có thể đoán được tình trạng của khách hàng”.
Sơn hướng dẫn, nếu khách hàng khoảng 50 tuổi, PV có thể hỏi luôn “có phải thời gian quan hệ của anh chỉ từ 2 – 5 phút phải không?”. Bởi theo Sơn, những người mắc bệnh yếu sinh lý là tất cả đều chỉ có thời quan hệ ngắn như vậy và khi người đàn ông bước sang tuổi 50 thì điều đó càng chắc chắn. “Mình hỏi câu hỏi nó cho thấy là khách hàng nhận ra mình có sự chuyên nghiệp, hiểu biết sẵn rồi”, Sơn tự đắc.
Tiếp đó, Sơn cung cấp cho PV một loạt các nguyên nhân, biểu hiện về các bệnh rối loạn, yếu sinh lý nam.Tuy nhiên, tất cả những kiến thức y khoa đó đều chỉ được Sơn đọc và chỉ ra cho phóng viên từ các thông tin trên internet. Từ những bài viết, kiến thức chưa được chứng thực.
Để thể hiện kinh nghiệm dày dặn của bản thân trong lĩnh vực bán TPCN, ngoài những câu hỏi về bệnh lý, Sơn còn lưu ý phóng viên hãy hỏi về nghề nghiệp của khách hàng. Bởi “Theo kinh nghiệm của anh thì những người làm công nhân, làm xây dựng và những người nằm ở khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông hay uống chè, cafe, ca cao thì tỷ lệ yếu sinh lý rất nhiều. Hoặc những người làm lĩnh vực vận tải lái xe. Vùng miền thì như KCN Bình Dương hay bị yếu sinh lý”.
Sơn thao thao bất tuyệt rằng, nếu khách hàng làm nghề lái xe, PV phải nói: “Em điều trị cho rất nhiều anh làm nghề lái xe. Bởi vì các anh ngồi nhiều nên lượng máu lưu thông xuống vùng kín kém. Do đó các bác tài phải điều trị sinh lý rất là nhiều”.
"Bắt bệnh" như thần
Cuối cùng, theo Sơn để có được niềm tin của khách hàng, nhân viên kinh doanh không được quên khẳng định: “Anh yên tâm em sẽ cố gắng điều trị thật tốt cho anh”. Tuy nhiên, PV đã thực sự bất ngờ khi Sơn chia sẻ rằng, mục đích thật sự của việc hỏi nghề nghiệp của khánh hàng không phải là quan tâm tới bệnh tật.
“Trên thực tế, Mục đích của mình là để phân khúc ra thu nhập của họ. Mình đánh giá mức độ ra quyết định của họ. Thường thì những người tầm 30 - 40 tuổi họ sẽ có quyết định mua những đơn hàng to hơn là những người 50 - 60 tuổi”.
Từ những chia sẻ gan ruột của Sơn có thể thấy, hàng loạt những ma trận câu hỏi xung quanh vấn đề bệnh tật của khách hàng đều nhằm mục đích bán được nhiều hàng với giá cao nhất. Thực chất những “dược sĩ, bác sĩ” không hề có kiến thức về căn bệnh mà khách hàng đang mắc phải. Thứ duy nhất mà những thầy thuốc “dỏm” này nắm rõ và quan tâm nhất là bán được đơn hàng giá cao nhất cho người bệnh.
Kết thúc buổi đào tạo chóng vánh nhân viên được phát cho một tờ kịch bản về cách tư vấn, chào hỏi, công dụng của các sản phẩm TPCN Strongmen, Strongmen Plus và iman1h. PV được yêu cầu học thuộc kịch bản này bởi theo Sơn chỉ cần như vậy đủ để bắt bệnh, kê đơn cho người bệnh.
(Đón đọc kỳ tới: Những pha bắt bệnh, kê đơn “thần thánh”)