Góc khuất một vụ dựng chuyện “đảo nợ” để vay tiền mua đất ở Cà Mau

(PLVN) - “Vì tin tưởng ông Trần Chí Nhân là cán bộ ngân hàng đang cần tiền gấp để "đảo nợ", hẹn 1 tuần sau sẽ trả ngay nên chúng tôi mới cho ông ta vay tiền tỉ mà không đòi hỏi phải thế chấp tài sản. Nhưng thực tế ông ta vay tiền là để mua dất, mua được đất xong ông ta cũng nghỉ việc ở ngân hàng và không trả nợ như đã hứa. Rõ ràng hành vi gian dối đó là có chủ đích, có hệ thống, vậy nên chúng tôi không đồng tình với Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Công an”.
Trình bày sự việc, bà Nguyễn Thị Lan và ông Bùi Quốc Ngỡi tự nhận họ là những "người bị hại" trong vụ cho ông Trần Chí Nhân vay tiền.
Trình bày sự việc, bà Nguyễn Thị Lan và ông Bùi Quốc Ngỡi tự nhận họ là những "người bị hại" trong vụ cho ông Trần Chí Nhân vay tiền.

Đó là nội dung đơn khiếu nại và đơn "kêu cứu" các công dân Nguyễn Thị Lan (địa chỉ phường 6, TP Cà Mau); Bùi Quốc Ngỡi (ở xã Lý Văn Lâm, TP  Cà Mau) và Nguyễn Sỹ Quang (ở phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam cùng phản ánh việc họ bị ông Trần Chí Nhân (địa chỉ 230/23, đường Quang Trung, khóm 4, phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) trong thời gian là Trưởng phòng khách hàng – Ngân hàng Liên Việt, chi nhánh Cà Mau đã có hành vi gian dối khi đưa ra lý do cần gấp tiền để đáo nợ ngân hàng nên vay của ba công dân trên gần 9 tỷ đồng, hẹn sau một tuần sẽ trả cả gốc lẫn lãi.

Tuy nhiên, sau đó ông Nhân dùng số tiền vay được đi mua đất và không trả nợ như hứa hẹn, đến nay ông Nhân đã nghỉ việc ở ngân hàng khiến những người cho vay hoang mang, điêu đứng... 

Dựng kịch vay “đáo hạn ngân hàng” để mua đất 

Cụ thể, đơn thư của bà Nguyễn Thị Lan trình bày, do có mối quan hệ làm ăn nên bà đã cho ông Nhân vay 01 tỷ đồng vào ngày 21/3/2020 và 03 tỷ đồng vào ngày 23/3/2020; tổng cộng 04 tỷ đồng. Quá hạn 07 ngày ông Nhân không trả, ngày 2/4/2020 bà đến gặp ông Nhân để đòi nợ thì ông này viện cớ do dịch bệnh Covid-19 nên tạm ngưng các giao dịch, “sổ đỏ” đang ở Phòng Tài nguyên Môi trường chưa lấy ra được, phải làm thủ tục vay lại mới có tiền trả lại cho bà. Sau đó bà còn nhiều lần đến đòi nợ nhưng ông Nhân viện đủ mọi lý do để trì hoãn. Quá sốt ruột và sinh nghi nên ngày 7/6/2020 bà Lan đến nơi ông Nhân làm việc là Ngân hàng Liên Việt trình báo sự việc thì mới biết ông Nhân đã nghỉ việc tại đây.

Tương tự là trường hợp của ông Bùi Quốc Ngỡi cũng cho ông Nhân vay tiền “đáo hạn hợp đồng tín dụng cho khách hàng” (thỏa thuận vay trong vòng 1 tuần, lãi suất 5%/tháng). Ông Ngỡi cho ông Nhân vay tổng cộng 2,6 tỷ đồng, có ghi vào sổ nợ. Ông Nhân đã trả lãi vay đến hết tháng 3/2020, sau đó không tiếp tục đóng lãi, ông Ngỡi đòi rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán.

Một trong số rất nhiều tin nhắn của ông Nhân vay tiền và khất nợ đều trình bày vay tiền để làm thủ tục đảo nợ ngân hàng và hứa xong sẽ trả ngay, nhưng thực chất đó là lý do gian dối vì ông ta vay tiền để mua đất, đến nay vẫn không trả nợ (ảnh do đương sự cung cấp).
Một trong số rất nhiều tin nhắn của ông Nhân vay tiền và khất nợ đều trình bày vay tiền để làm thủ tục đảo nợ ngân hàng và hứa xong sẽ trả ngay, nhưng thực chất đó là lý do gian dối vì ông ta vay tiền để mua đất, đến nay vẫn không trả nợ (ảnh do đương sự cung cấp). 

Trường hợp của ông Nguyễn Sỹ Quang có một chút khác biệt, ông Quang từng là cấp dưới của ông Nhân thời gian cùng làm ở Ngân hàng Liên Việt chi nhánh Cà Mau. Tin tưởng ông Nhân là Trưởng phòng của mình, nên khi ông Nhân hỏi vay tiền để “đảo nợ” cho khách hàng, ông Quang đã vay mượn anh em, bạn bè đưa cho cấp trên của mình vay tổng số tiền là 2,35 tỷ đồng. Quá ngày trả nợ, ông Quang đòi rất nhiều lần ông Nhân đều viện cớ khách hàng chưa hoàn thành thủ tục và đưa ra nhiều lý do khác để trì hoãn việc trả nợ.

Thậm chí trong nhiều tin nhắn Zalo trao đổi, ông Nhân bịa ra chuyện khách hàng sắp “hoàn thành thủ tục” và hứa hẹn ngày, giờ trả nợ cho ông Quang khiến ông Quang tin tưởng là thật. Đến tháng 6/2020, trong khi nợ chưa trả mà ông Nhân lại nghỉ việc tại ngân hàng ông Quang mới té ngửa, lo sợ đã bị lừa nên ông Quang làm đơn trình báo sự việc gửi cơ quan chức năng.

Có yếu tố gian dối, vì sao không khởi tố? 

Sau nhiều lần đòi nợ nhưng ông Nhân không trả, tháng 9/2020, những người cho vay đã làm đơn gửi Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Cà Mau tố giác ông Trần Chí Nhân về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khoản tiền vay như đã nói trên.

Qua làm việc tại Cơ quan điều tra, bà Lan, ông Ngỡi và ông Quang mới được biết, ông Nhân dùng số tiền vay, mượn của họ để đầu tư mua đất đai chứ không hề thực hiện việc đáo hạn hay giải ngân cho khách hàng như “màn kịch” ông này dựng lên.

Sở dĩ ông Nhân phải đưa ra lý do gian dối “vay nóng để đảo nợ ngân hàng” và hứa hẹn trả nợ chỉ sau 1 tuần thì những người này mới tin tưởng cho vay một khoản tiền lớn mà không cần phải thế chấp tài sản. Những người cho vay cho rằng rõ ràng hành vi gian dối của ông Nhân là có chủ đích từ trước nên sau khi vay được tiền mua đất xong, tháng 6/2020 ông Nhân đã nghỉ việc tại ngân hàng. 

Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau khẳng định Không khởi tố vụ án hình sự vì không có sự việc phạm tội xảy ra.
Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau khẳng định Không khởi tố vụ án hình sự vì không có sự việc phạm tội xảy ra.  

Ngày 30/10/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã ra Thông báo số 202 về việc không khởi tố tố vụ án hình sự vì không có sự việc phạm tội đối với đơn tố cáo của Nguyễn Thị Lan và Bùi Quốc Ngỡi; riêng đơn tố cáo của ông Nguyễn Sĩ Quang thì vẫn còn đang xem xét.

Không đồng ý với Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Công an, bà Lan và ông Ngỡi tiếp tục làm đơn khiếu nại. Đơn thư của các công dân trình bày, rõ ràng ông Trần Chí Nhân có hành vi gian dối khi vay tiền của họ, hành vi đó có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ tháng 02 đến tháng 4/2020, ông Nhân đã đưa ra lý do gian dối khi dựng lên “màn kịch” đáo hạn ngân hàng để vay mượn của bà Lan, ông Quang, ông Ngỡi tổng cộng gần 9 tỷ đồng nhưng thực chất lại dùng tiền vào mục đích khác. Khi cầm được số tiền trên, tháng 06/2020 ông Nhân đột ngột xin nghỉ việc tại ngân hàng. Những người cho vay cho rằng hành vi gian dối của ông Nhân là có chủ đích, có kế hoạch từ trước.

Thông báo số 478/VKS-KT của VKSND tỉnh Cà Mau về việc chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Cà Mau xem xét giải quyết (ngày 9/11/2020).
Thông báo số 478/VKS-KT của VKSND tỉnh Cà Mau về việc chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Cà Mau xem xét giải quyết (ngày 9/11/2020). 

Bởi vậy, theo họ việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự là chưa phù hợp với bản chất vụ việc cũng như tính chất hành vi ông Nhân đã thực hiện. Những người cho vay tiền trong vụ việc này tự nhận họ là “người bị hại” bị ông Nhân lừa những khoản tiền lớn một cách có kế hoạch, có chủ đích từ trước và thực hiện đối với nhiều người.

Trao đổi với PV về vụ việc, một lãnh đạo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: Cơ quan cũng nhận được thông báo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chuyển đơn đến, còn đơn tố cáo của Nguyễn Sĩ Quang đang xem xét. Vụ việc này hiện đang chuyển qua tin báo xem xét theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, họ mong Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau điều tra lại vụ việc, trả lại sự công bằng cho bà Lan, ông Ngỡi và ông Quang./.

Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản": Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 

Đọc thêm