Góc khuất nghề pháp y - (Kỳ 10): ADN – chuỗi xoắn vô tri giúp phá giải bí mật đen tối của các “yêu râu xanh”

(PLVN) - ADN – một chuỗi xoắn gen tưởng như vô tri vô giác nhưng lại đã khiến nhiều số phận trở thành con lắc giữa nước mắt và nụ cười. Qua các câu chuyện có thực từ lăng kính bác sĩ pháp y, Xa lộ Pháp luật sẽ đưa bạn dọc theo những vòng xoay số phận đầy bi hài…
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Dùng đòn tâm lý hạ gục “dê già”

Câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng mỗi khi nhắc đến người dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vẫn nhớ bởi tính chất phi đạo lý của nó và cách phá án đầy ly kỳ của các bác sĩ pháp y.

Theo đó, vì là hàng xóm cạnh nhà nhau, thấy gia cảnh bé gái Trần Thị B. nghèo khổ, thương tình muốn giúp đỡ nên ông Lê Văn N. đã thuê B. gánh nước đổ vào lu chứa với giá mỗi gánh là 500 đồng. 

Mỗi khi B. sang gánh nước, ông N. thường nằm ở chiếc võng mắc trước hiên nhà để giám sát công việc. Cứ gánh được vài gánh, vì tuổi nhỏ nên B. lại ngồi nghỉ, thấy vậy ông N. liền nhờ B. khi thì nhổ tóc sâu, khi thì đấm vai cho ông. Những lúc như vậy ông N. thường thưởng thêm cho B. ít tiền lẻ hoặc kẹo bánh mang về. 

Tuy mới 9 tuổi nhưng thân hình em B. vì có dáng thấp đậm lại vất vả lao động từ bé nên đã khá nảy nở. Ngày ngày dõi theo bé gái quần vo quá bắp chân đi qua lại trước mặt, không biết từ lúc nào trong ông N. đã nảy sinh dục vọng. Nhưng thay vì kìm nén bởi luân thường đạo lý, ông N. lại để dục vọng của mình trở thành con ngựa bất kham.

Một lần, không kiềm chế được, ông N. đã dụ dỗ cháu B. làm chuyện người lớn trên chiếc giường trong nhà. Còn cháu B. vì quá non nớt nên không hiểu chuyện gì xảy ra với mình. Thậm chí em còn không có tí ý thức gì về chuyện thể xác, đụng chạm nam nữ, vì khi đó em vẫn chưa dậy thì. 

Ông N. có hành vi đồi bại với cháu B. trong một thời gian khoảng vài năm thì em bắt đầu có kinh nguyệt. Kết quả là cháu B. mang thai. 

Thấy mặt mũi con gái xanh xao mà bụng cứ to dần lên, mẹ B. nghĩ em bị giun cho uống thuốc tẩy, nhưng không hết bèn đưa em đi khám. Tại bệnh viện, bà chết đứng khi biết con gái mình đã có thai gần 6 tháng. Gặng hỏi biết ông già  N. hàng xóm là “tác giả”, bà liền trình báo công an, chính quyền.

Vụ án này xảy ra cách đây 14 năm nên lúc đó tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng kỹ thuật giám định gen truy nguyên cá thể con người (gọi tắt là ADN). Thế nên, để xác định xem ông N. có phải là bố của đứa trẻ gái do em B. sinh ra hay không các bác sĩ pháp y của Tổ chức Giám định Y pháp trung ương (tiền thân của Viện Pháp y quốc gia hiện nay) đã phải áp dụng phương pháp thông qua hệ nhóm máu để xác định quy luật di truyền, tiêu bản nhiễm sắc thể, rồi đo nhân trắc học…

 

Biên bản giám định y pháp ngày 5/11/1997 các bác sĩ pháp y đã lấy mẫu máu và chụp ảnh 3 đương sự bao gồm ông Lê Văn N. 72 tuổi, em Trần Thị B. 15 tuổi và bé gái 3 tháng tuổi, chưa đặt tên là con gái em Trần Thị B. 

Thông qua các quy trình kỹ thuật như: xác định nhóm máu hệ hồng cầu; nuôi cấy bạch cầu Lympho máu ngoại vi làm tiêu bản nhiễm sắc thể để đánh giá sự đa hình của di truyền nhiễm sắc thể, kết quả xác định hệ nhóm máu và kết quả phân tích quy luật di truyền của các hệ nhóm máu của Viện Huyết học và truyền máu cho thấy: “Theo quy luật di truyền của hệ nhóm máu A, O, B; hệ Rh, hệ P, hệ M,N, hệ Lewis, hẹ Kell, hệ Duffy thì mẫu số 1 (ông N.) có thể là bố của đứa trẻ và ông N. không ở trong trường hợp loại trừ”.

Từ kết quả này, nhóm bác sĩ pháp y Tổ chức Giám định Y pháp trung ương bao gồm GS. Nguyễn Như Bằng, GS-TS Đỗ Trung Phấn, PGS-TS Trịnh Văn Bảo… lúc đó đã kết luận: “Với trình độ khoa học của ngành huyết học – ngành di truyền học hiện nay ở nước ta (vào thời điểm năm 1997), chúng tôi thống nhất xác định ông N. là bố của đứa trẻ”.

Kết quả là thế, nhưng vì không muốn tin vào một câu chuyện suy đồi đạo lý như vậy, vả lại từ đầu kiểm tra đến giờ nhận thấy thái độ ông N. chưa tâm phục khẩu phục và miễn cưỡng hợp tác, nên các bác sĩ pháp y đã quyết định làm thêm một kiểm tra tâm lý nữa. 

Theo lời kể của ông Ngô Hường Dũng nguyên Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, lấy lý do chụp ảnh lưu hồ sơ, các bác sĩ pháp y đã yêu cầu ông N. bế đứa trẻ. Giao đứa trẻ mới vài tháng tuổi vào tay, tuy chẳng nặng gì nhưng bác sĩ pháp y thấy toàn thân ông N. bỗng run bắn lên, người vã đầy mồ hôi. Đấy rõ ràng không phải là cái run của tuổi già, gió máy... 

Và rồi trên gương mặt già xọm vì căng thẳng của ông N. hai dòng nước mắt đùng đục từ từ lăn xuống. Từ đó đến lúc ký vào biên bản giám định ông N. không nói thêm câu nào nữa. 

ADN trị thói mạnh miệng của “lão râu xanh” 

Xâm hại con trẻ rồi kiên quyết chối tội. Đó là kịch bản chung của rất nhiều “lão râu xanh”. Còn nhớ vào năm 2007, ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã xảy ra một vụ việc tương tự. Nhà ông Cao Văn T. và nhà cô bé P. nạn nhân là hàng xóm cạnh nhau ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Hai nhà luôn xem nhau như người thân nên dĩ nhiên, P. cũng coi ông T. – ông già hàng xóm gần 70 tuổi như ông nội, ngoại nhà mình. Thế nhưng ông T. lại không nghĩ thế. Rồi đến một ngày cuối năm 2007, biết P. thích ăn kẹo ông T. đã gọi P. đi theo ra vườn chuối gần nhà… 

Từ hôm đó trở đi, thỉnh thoảng ông lão gần 70 lại rủ đứa trẻ mới mười mấy tuổi đầu ra vườn chuối làm chuyện người lớn. 

Khi câu chuyện vỡ lở, thủ phạm Cao Văn T. một mực chối tội. Thậm chí để chứng minh mình vô tội, ông Tấn còn dẫn chứng rằng mình bất lực vì nhiều khi ông nằm cạnh vợ, muốn mà đành chịu. 

Trước khi được lấy mẫu để thử AND, ông T. mạnh mồm khẳng định: “Nếu chứng minh đúng thì tôi sẽ chấp nhận”. Lời khẳng định này không phải xuất phát từ sự tin tưởng của khoa học, mà xuất phát từ niềm tin mù quáng rằng làm gì có một ông già 70 tuổi mà lại có thể có con. 

Thế nhưng hôm lấy mẫu, dường như biết chân tướng của mình sắp bị lôi ra ánh sáng, đưa tay cho bác sĩ pháp ly lấy máu mà tay ông T. run rẩy, mặt đầm đìa mồ hôi. Kết quả ADN cho thấy, “râu xanh” Cao Văn T. chính là bố đẻ của hài nhi do cô bé P. sinh ra. 

Tháng 5/2009, TAND Nghệ An đã tuyên phạt Cao Văn T. 5 năm tù giam vì tội giao cấu với trẻ em, đồng thời buộc đền bù nhân phẩm, danh dự và chi tiền nuôi con đến năm 18 tuổi.  

… Có thể nói, ngày nay với công nghệ ADN, mọi điều đã trở nên dễ dàng hơn. Nhưng các đây gần hai chục năm, mọi chuyện đâu đơn giản như vậy. Kỷ niệm cái lần kiểm tra tâm lý độc nhất vô nhị trong vụ án ở Quảng Nam ấy đã khiến các bác sĩ pháp y nhớ mãi mỗi lần họ đứng trước một vụ án tương tự. 

Và cũng từ cánh tay run rẩy khi chìa ra lấy máu của  “lão râu xanh” Cao Văn T mà một chân lý đã hiển hiện rõ ràng, đó là phàm đã là tội ác thì dù có chối, chạy cách nào cũng chỉ như giấy gói lửa, sớm muộn gì cũng phải đối mặt với sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. 

(Còn nữa)

Đọc thêm