Cuối năm 2013, một bài báo xuất hiện trên báo chí Australia mô tả hành trình tìm cha của một người phụ nữ Australia gốc Việt – bà Myly Nguyễn. Độc giả, người chưa hề biết bà Myly Nguyễn, cũng như bạn bè thân thiết của bà, khi đọc câu chuyện đều cảm động, nghẹn ngào vì tình cảm đau đáu bao năm của người con gái hiếu thảo xa xứ.
Để rồi Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 trở thành cái tết vui nhất trong cuộc đời bà Myly Nguyen. Thắp hương lên bàn thờ cha, bà bật khóc: “Cha ơi, vậy là con đã tìm thấy cha rồi”. Những tháng năm đằng đẵng rong ruổi tìm cha như một cuốn phim quay chậm…
Ước nguyện tìm cha trở thành động lực cuộc đời
Bài báo xuất bản ở Australia cho biết, bà Myly Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn (nay là TP.Hồ Chí Minh) giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra. Là con cả trong một gia đình gồm 9 anh chị em. Cha bà, ông Nguyễn Văn Đại, từng giữ một chức vụ trong chính quyền.
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông Đại đi cải tạo tại Lào Cai. Lần liên lạc cuối cùng của ông Đại với gia đình là bức thư được gửi từ trại Phong Quang năm 1975. Tháng 12/1977, gia đình bà Myly Nguyễn nhận được tin báo là ông Đại đã qua đời và được chôn cất một ở nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Là con cả trong gia đình, bà Myly Nguyễn hiểu mình phải có trách nhiệm thay mặt mẹ và các em đi tìm nơi chôn cất cha. Năm cuối đại học, bà Myly một mình ra Hà Nội bằng xe đò và tàu hỏa để tìm hiểu việc đưa hài cốt cha về. Nhưng chuyến đi lần đó không thành vì Lào Cai vẫn đang bị xem là vùng chiến sự.
Sau đó, bà Myly Nguyễn rời Việt Nam. Tại xứ người, bà Myly Nguyễn lao động cật lực để kiếm tiền sinh sống và giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Sau khi kết hôn và sinh liền hai đứa con, bà lại lao vào làm việc để bảo lãnh cho mẹ và ba em tới Australia theo diện đoàn tụ gia đình.
Sống cách quê nhà hàng nghìn cây số với cuộc sống bao bộn bề, áp lực nhưng chưa lúc nào bà Myly Nguyễn nguôi nỗi nhớ cha và ước nguyện tìm được mộ phần của cha. Đó cũng chính là động lực để bà ghi dấu những thành công trên con đường sự nghiệp nơi xứ người.
Năm 1992, trong thời gian làm việc tại Thư viện Werribee, bà Myly Nguyễn đã quay trở lại giảng đường đại học để tiếp tục sự nghiệp học vấn. Sau khi tốt nghiệp khóa học về Quản lý Thông tin, năm 1999, bà vào công tác tại Thư viện Đại học RMIT và vài năm sau bà chuyển sang Phòng Dự án chính Quốc tế. Ở cương vị mới này, bà thường xuyên sang Việt Nam với tư cách là cố vấn cho Dự án nguồn lực học tập Việt Nam.
Cũng cần nói thêm rằng, với tấm bằng Cử nhân về Nghi lễ dân sự tại Đại học Monash, tháng 6/2001, bà Myly Nguyễn đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được Tổng Chưởng lý Australia bổ nhiệm làm người chủ trì nghi lễ kết hôn cho người Australia gốc Việt. Với hai công việc trên, sự tích cực và mẫn cán của bà đã được nhiều người Việt cả ở trong nước lẫn ở Australia biết tới.
Kỳ lạ những giấc mơ
Năm 2007, không hiểu vì sao giữa một đất nước có mức độ an toàn giao thông cao mà bà Myly Nguyễn bị tai nạn ô tô những ba lần nên phải nghỉ việc một năm. Và kỳ lạ thay, cũng chính trong thời gian tĩnh dưỡng, trị bệnh đó, bà thường xuyên mơ thấy cha mình.
Có lúc trong mơ, bà thấy mình ngày bé đang chơi đùa trong vòng tay cha, có lúc bà lại thấy cha về ngồi đối diện nhìn bà và khóc. Ám ảnh bởi những giấc mơ, bà Myly Nguyễn hiểu rằng, không nên trì hoãn việc tìm cha nữa. Ngay sau khi bình phục hoàn toàn, bà nhận lời tham gia dự án nghiên cứu cấp cao và trở lại Việt Nam. Vậy là, vừa làm việc, bà vừa thực hiện những chuyến đi tìm nơi chôn cất cha dựa trên thông tin ít ỏi trên giấy báo tử.
Bà Myly Nguyễn đã liên hệ với một số người ở tỉnh Lào Cai và Yên Bái, hỏi họ về địa điểm của trại cải tạo và tìm tại bệnh viện tên của những người đã ký giấy chứng tử… Cuộc tìm kiếm, có những lúc tưởng như bế tắc. Nhiều đêm về khách sạn, bà chỉ biết khóc.
Tháng 11/2007, với sự giúp đỡ của một gia đình ở Hà Nội, bà Myly Nguyễn đã thuê một chuyến ô tô từ Hà Nội lên Yên Bái, sau đó lên Lào Cai để gặp một cựu chiến binh đã từng lại việc ở trại Phong Quang vào quãng thời gian những năm 1975-1979. Qua trí nhớ của mình, người cựu chiến binh này đã cho bà thông tin về trại cải tạo cách Lào Cai nửa giờ đi xe và dẫn bà tới tận nơi nghĩa trang số 6 nơi chôn cất nhiều phạm nhân vô danh.
Tại nghĩa trang này, có 3 ngôi mộ đã chôn những người tù chết trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1977. Sau chiến tranh biên giới, các phần mộ trong nghĩa trang đã bị xáo trộn rất nhiều. Tuy nhiên, theo người quản trang, một trong số đó có thể là mộ của ông Đại. Bà Myly Nguyễn quyết định xây lại tạm thời cho cả thảy ba ngôi mộ này và đặt bia cho từng mộ, rồi trở lại Australia.
Những tấm lòng thầm lặng
Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, bà Myly Nguyễn hiểu rằng việc một người nước ngoài như bà khai quật mộ ở Việt Nam và giám định ADN không phải dễ dàng. Bà đã lặn lội tìm đến Lực lượng Quốc phòng Australia, Dự án tìm mộ liệt sĩ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Viện Pháp y Victoria (VIFM) và nhận được rất nhiều lời khuyên, sự giúp đỡ từ những nơi này.
Cũng trong thời gian này, bà Myly Nguyễn cũng tìm được nơi ở và liên lạc với hai người từng ở chung buồng giam với cha bà. Những chi tiết về cái chết của ông Nguyễn Đại cha bà đã dần dần sáng tỏ và quan trọng hơn cả là họ đã xác nhận ông được chôn cất ở nghĩa trang số 6, thuộc địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Về phần mình, sau khi nhận được sự thỉnh cầu giúp đỡ từ bà Myly, Viện Pháp y Victoria đã liên hệ với những đồng nghiệp ở Viện Pháp y quốc gia Việt Nam và nhận được lời đồng ý giúp đỡ bao gồm cử một chuyên gia pháp y, tiến hành các phân tích pháp y và xét nghiệm ADN như một việc làm nhân đạo. Tin vui này đã được TS. Soren Blau ở VIFM chuyển đến với bà Myly vào tháng 6/2012. Bà Myly bật khóc: “Cha ơi, con sắp được gặp lại cha rồi!”.
“Vụ việc này với nghiệp vụ của chúng tôi không khó, nhưng sự cảm động của nó thì thật khó quên” – kể lại câu chuyện với phóng viên, ông Ngô Hường Dũng nguyên Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, Giám định viên cho biết.
Đầu tháng 8/2012, bà Myly Nguyễn trở lại Việt Nam và nộp đơn xin phép khai quật ba ngôi mộ vô danh nói trên. Sau mấy ngày làm việc với chính quyền địa phương, bà đã được cấp phép khai quật mộ.
Căn cứ vào đơn đề nghị giám định hài cốt ngày 9/8/2012 của bà Myly Nguyen, Viện Pháp y quốc gia đã cử hai giám định viên là ông Ngô Hường Dũng và ông Nguyễn Đức Nhự (nay là Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia) tiến hành khai quật giám đình hài cốt theo yêu cầu tại ba ngôi mộ chưa rõ danh tính, ở nghĩa trang số 6 huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Vào ngày khai quật, 12 chuyên gia pháp y từ Hà Nội và Bệnh viện Lào Cai đã đến và giám sát toàn bộ quá trình khai quật. Dấu hiệu chính qua giám định cho thấy, ở mộ thứ nhất không phát hiện thấy xương; ở mộ thứ hai phát hiện một răng sâu, loại răng hàm nhỏ của trẻ em; ở mộ thứ ba phát hiện một bộ hài cốt người gồm có: hộp sọ không còn nguyên vẹn có một đường vỡ xương vùng thái dương đỉnh phải, răng, các xương chi...
Ngay tại hiện trường, khi nhìn thấy hộp sọ có đường xương vỡ, bằng linh cảm nghề nghiệp các chuyên gia pháp y đã thấy vui mừng vì giấy báo tử bà Myly Nguyễn cung cấp cho thấy cha bà qua đời vì ngã dẫn tới chấn thương sọ não. Tuy nhiên, khoa học không thể xác định chỉ trên một căn cứ, các giám định viên nhanh chóng đưa mẫu về Viện Pháp y quốc gia ở Hà Nội để giám định ADN ty thể. Họ cũng không quên an ủi bà Myly và hứa sẽ hết lòng giúp đỡ bà tìm cha.
Và cuối cùng, ông trời đã không phụ lòng hiếu tử của con cái, kết quả giám định ADN ty thể cho thấy bộ hài cốt khai quật tại ngôi mộ số 3 là bộ hài cốt của một người nam giới có độ tuổi khoảng 40- 45, tầm vóc trung bình. Trình tự nucleotide thu được từ mẫu răng trùng với trình tự nucleotide thu được từ mẫu máu của ông Võ Văn Kế là người cháu ruột của ông Nguyễn Đại. Tựu trung lại, bộ hài cốt tại ngôi mộ số 3 chính là hài cốt của ông Nguyễn Đại, cha bà Myly Nguyễn.
Cuối tháng 9/2012, ở Australia, bà Myly Nguyễn nhận được kết quả xét nghiệm ADN từ Việt Nam cho biết đã tìm thấy cha bà. TS. Soren Blau ở VIFM cũng xác nhận sự chính xác của phân tích và kết quả thu được.
Tháng 12/2102, trước tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013, bà Myly Nguyễn đã trở về Việt Nam và được phép đưa hài cốt của cha bà trở về quê hương. Sự kỳ diệu đó không những đến tình phụ tử thiêng liêng được trời xanh thấu tình, mà còn đến từ tấm lòng thầm lặng của những con người mà bà Myly Nguyên chưa hề quen biết trước đó.