Ghét nhau ghét cả… phí xét nghiệm
Người đời có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi/Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Trong câu chuyện dưới đây, “tông chi họ hàng” tạm được so sánh với chi phí xét nghiệm ADN.
Vào một ngày đẹp trời, chàng trai tên M. sinh năm 1994, học viên của một học viện đóng trên địa bàn Hà Nội đi cùng với cô bạn gái và gia đình hai bên đến Viện Pháp y quốc gia để làm xét nghiệm ADN. Qua lời kể của cả hai nhà, câu chuyện tình “bọ xít” có cả nụ cười lẫn nước mắt của đôi bạn trẻ được tái hiện.
Như nhiều thanh niên mới lớn khác, M. có nhiều bạn bè trên mạng xã hội, trong số đó, M. thích nhất trò chuyện với Q., cô bạn gái 20 tuổi đang là sinh viên một trường cao đẳng. Sau một thời gian chuyện trò qua lại qua Internet, cả hai gặp mặt nhau ngoài đời.
Cuộc hẹn vui vẻ lúc đầu diễn ra ở quán ăn, tới rạp chiếu phim và kết thúc tại… nhà nghỉ. Và điều gì đến đã đến, cô gái có bầu. Biết tin này, thay vì vui mừng, M. giãy nảy: “Chắc gì đó đã là cái thai của anh, em thử tính lại ngày mình gặp nhau xem, không khéo lại đổ oan cho anh”.
Sự việc vỡ lở, gia đình hai bên biết chuyện, gặp nhau và thống nhất thỏa thuận nếu xét nghiệm ADN mà đúng là con của M. thì sẽ tổ chức cưới xin đàng hoàng. Biết một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có dịch vụ chọc ối để xét nghiệm ADN, cả hai nhà cùng đi cho chắc chắn.
Nhưng ngay tại bệnh viện, khi mẹ cô gái nhìn thấy chàng trai đối xử rẻ rúng với con gái mình đã không kiềm chế được giận giữ. Ngược lại, mẹ chàng trai đay đả cho rằng mẹ cô gái dạy con không ra gì để đến hôm nay phải kéo nhau đến viện ê mặt. Một trận cãi nhau to xảy ra ngay tại hành lang bệnh viện. Kết quả cả hai bên ra về không xét nghiệm nữa.
Sau đó, hai nhà lại kéo nhau đến Viện Pháp y quốc gia, tại đây cũng tại hành lang chờ đợi, một cuộc cãi nhau tương tự lại sắp diễn ra thì giám định viên xuất hiện can thiệp.
Theo lời khuyên của giám định viên, cái thai đã hơn 20 tuần tuổi quá to để phá. Hơn nữa, việc này không những thất đức mà còn nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Giám định viên khuyên hai gia đình nên để sinh đứa trẻ ra rồi làm xét nghiệm ADN. Sau một hồi suy nghĩ, cả hai gia đình đồng ý với phương án này.
Nhưng cuộc đời thật lắm trớ trêu, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đó không phải là con của M.
(ảnh minh họa). |
“Nghe xong kết quả, một điều bi hài đã diễn ra, cậu con trai ngay lập tức lớn tiếng bảo nhà gái phải trả tiền xét nghiệm ADN vì không phải con cậu ta thì không có lý gì gia đình cậu ta phải trả. Thấy cách cư xử có phần thiếu lịch sự, chúng tôi đã lên tiếng bởi dù kết quả thế nào thì M. và cô gái cũng từng có tình cảm, cha mẹ hai bên cũng đều là những người đàng hoàng cả” – ông Hà Hữu Hảo - Trưởng khoa Y sinh học, Viện Pháp y quốc gia kể lại.
Được biết, mối tình đó đã chấm dứt ngay tại ngưỡng cửa của phòng giám định và mong muốn cả hai bên cư xử biết điều với nhau của giám định viên đã không được thực hiện, vì sau đó họ còn cãi nhau to một lần nữa. Cãi nhau không phải vì danh dự, mà là vì khoản tiền phí giám định ADN, ai sẽ chịu trách nhiệm thanh toán.
Cũng liên quan đến vấn đề chia tiền phí giám định ADN, ông Hà Hữu Hảo còn nhớ mãi trường hợp một người người phụ nữ khệ nệ mang bụng bầu to dẫn theo hai người đàn ông đến yêu cầu xét nghiệm xem ai là bố đứa trẻ, để người đó chịu trách nhiệm lo cho cô ta.
“Cả ba người họ thỏa thuận sẽ chia tiền phí giám định ngay trước mặt giám định viên. Thế nhưng, oái ăm kết quả lại cho thấy cả hai người đàn ông đi cùng không có ai là cha đứa bé…”, ông Hảo kể.
Ba lần giám định tìm cha cho con
Lối sống thoáng, sống gấp mà không lường trước hậu quả đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Những năm gần đây, việc phụ nữ “cắm sừng” chồng không hiếm, chứ không phải chỉ có cánh đàn ông vụng trộm.
TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia nhớ nhất trường hợp một người phụ nữ khoảng 40 tuổi nhưng trông trẻ trung hơn nhiều so với tuổi đến đăng ký làm xét nghiệm ADN. Người phụ nữ tự giới thiệu tên T. muốn thực hiện giám định để xác định bố cho con trai của mình.
Chị T. cho biết, chị đã bỏ chồng nhưng hiện tại có quan hệ tình cảm với 3 người đàn ông. Oái oăm ở chỗ, bản thân chị cũng không chắc chắn đứa con mình sinh ra là con của ai.
“Về sau người phụ nữ này phải thực hiện giám định đến 3 lần với 3 người đàn ông khác nhau mà vẫn chưa tìm ra ai là cha đứa trẻ. Đến khi trải lòng thật sự, chị này mới tâm sự trong thời gian đó đã từng có nhiều mối tình qua đường với nhiều người. Đến khi đó, bản thân người phụ nữ này cũng chẳng nhớ mặt hay có bất cứ thông tin nào của những người đàn ông chị từng có quan hệ” - vị chuyên gia này kể lại.
Gắn bó với việc xét nghiệm ADN huyết thống, không chỉ giám định viên của Viện Pháp y quốc gia mà chuyên gia giám định của nhiều tổ chức giám định khác cũng chứng kiến không ít các cô gái đi “truy tìm” cha cho con.
Đó là câu chuyện của một nữ MC truyền hình chỉ một lần giận chồng mà ngã vào vòng tay một người hâm mộ. Cô tìm đến xét nghiệm để biết đứa con của mình là con của chồng hay của người đàn ông một đêm đó. Và khi có kết quả, cô cho biết sẽ nói thật, xin lỗi chồng và để anh tự quyết định có tiếp tục cuộc hôn nhân hay không.
Hay đó là chuyện của nữ sinh 17 tuổi mang bầu được cha mẹ tháp tùng đến lấy mẫu xét nghiệm. Điều đáng nói là cùng đi với gia đình nữ sinh còn có hai gia đình của hai nam sinh nữa để tìm cha cho đứa trẻ.
Hoặc đó là chuyện của cô gái lần lượt đưa tới trung tâm xét nghiệm 4 người đàn ông để tìm cha cho con mình. Lần đầu tiên, cô đưa đến một người đàn ông trung niên. Kết quả cho thấy người đàn ông này và con của cô gái không có quan hệ huyết thống. Những ngày sau cô đưa thêm hai người khác và kết quả vẫn không phải. Tới người thứ 4 - người cô không ngờ nhất vì đã chia tay trước thời điểm anh này đi du học - lại được xác định là bố của con cô.
Thế nhưng không phải chuyện tìm cha cho con nào cũng có kết thúc buồn. Một cô dâu sắp đến ngày cưới bị nhà trai phát hiện lăng nhăng và kết quả ADN cũng cho thấy cái thai 4 tháng trong bụng không phải của chú rể tương lai. Mặc cho họ nhà trai quyết không thể để con, em mình phải “đổ vỏ” cho người khác nhưng chú rể vẫn muốn tổ chức đám cưới và cuối cùng đám cưới cũng vẫn diễn ra. Cho đến nay, đôi vợ chồng vẫn sống hạnh phúc bên nhau như chưa hề có tờ kết quả xen ngang.
Lắng nghe lý trí để không “gặp” ADN
Sống buông thả, không ít người trở thành khách hàng bất đắc dĩ của các địa chỉ xét nghiệm AND. Nhưng oái ăm ở chỗ họ lại muốn chuyên gia xét nghiệm “xé rào” cho ra kết quả theo mong muốn cá nhân.
Theo ông Hà Hữu Hảo - Trưởng khoa Y sinh học, Viện Pháp y quốc gia sau nhiều năm gắn bó với công việc xét nghiệm ADN, bản thân ông đã từng gặp nhiều trường hợp cố tình tìm cách thương lượng, trao đổi để làm thay đổi kết quả phục vụ cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Hảo, điều ấy là không thể.
“ADN không bao giờ cho kết quả sai khi người làm ra nó trung thực, áp dụng đúng, đảm bảo quy trình một cách nghiêm túc khi thực hiện xét nghiệm. ADN chỉ sai và gây hậu quả xấu khi có sự tác động tiêu cực từ phía người làm xét nghiệm hoặc chính người yêu cầu xét nghiệm", ông Hảo chia sẻ.
Vị chuyên gia này trầm ngâm đúc kết, mỗi một lần buộc phải đem nhau ra trung tâm xét nghiệm ADN là một lần nghi ngờ lẫn nhau. Kết quả có thể giúp giải tỏa được những bức xúc trong lòng, nhưng ngược lại nó cũng có thể mang đến sự tổn thương, rạn vỡ cho người trong cuộc. Thế nên, trước mỗi hành động, trước mỗi mối tình, hãy dừng lại một chút để lắng nghe lý trí của mình lên tiếng. Đừng làm gì để khi hối hận thì đã muộn…