Văn hóa thưởng Tết

(PLVN) - Thưởng Tết để ghi nhận công lao và đóng góp của người lao động, đó cũng chính là thành quả mà người lao động tạo ra, được phân phối lại một cách thích đáng, họ xứng đáng được hưởng thành quả đó. Còn hơn cả vật chất, đó là sự tri ân, mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, biểu hiện của sự gắn bó giữa người chủ và người làm, giữa người lao động với đơn vị sản xuất, kinh doanh của mình. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thật đáng lo ngại khi trên các phương tiện truyền thông bàn về chuyện thưởng Tết, rất nhiều ý kiến của người lao động mong muốn được thưởng Tết bằng tiền chứ không bằng hiện vật. Lo ngại đó là có cơ sở bởi đã có không ít trường hợp người lao động “được” thưởng Tết bằng sản phẩm của công ty, nhà máy của họ, từ giày dép, quần áo đến gạch, khăn tắm... thậm chí là linh kiện.

Những thứ đó, người lao động lại bị vất vả đem bán để lấy tiền, bán rẻ đã đành nhưng lại không bán được. Không thể “ăn Tết” với các thứ đó thì đâu có đúng nghĩa với “thưởng Tết”.

“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, đều muốn chăm lo cho gia đình mình một cái Tết đầy đủ vật chất, ấm áp tình cảm. Nguyện vọng đó là chính đáng, là văn hóa truyền thống, họ trông chờ vào đâu, nếu không là khoản tiền thưởng Tết sau một năm lao động mà sự dành dụm không được là bao.

Thưởng Tết dường như phụ thuộc vào sự hào phóng hoặc biết điều của các ông chủ, kể cả các “ông chủ” trong cơ quan nhà nước. Đành rằng, số tiền thưởng Tết cao thấp do việc thu nhập, làm ăn của đơn vị, công ty đó như thế nào, phải ăn nên, làm ra thì mới có cái mà thưởng chứ.

Tuy nhiên, đã có những ông chủ công ty bán cả ô tô của mình để lấy tiền thưởng Tết cho nhân viên, đó thể hiện một văn hóa trách nhiệm với nghĩa vụ phải chăm lo Tết cho những người đã “chung lưng đấu cật” với mình chứ hoàn toàn thưởng Tết không phải là một sự hảo tâm. 

Giá trị của việc thưởng Tết đối với người lao động là ở chỗ đó. Thay vì quà cáp đắt tiền đối với cấp trên và đối tác, thay vì chỉ chăm chút cái Tết cho gia đình mình một cách xa hoa nên dành ưu tiên cho người lao động, thêm được chút nào quý giá chút đó. Không nên chỉ thưởng làm vì, gọi là cho có, như thế chỉ gây thêm sự chán nản cho người lao động mà thôi.

Tết đã cận kề, các hoạt động tri ân đang diễn ra khắp nơi, chính quyền và đoàn thể với những người có công hoặc thuộc diện chính sách, cơ quan với người hưu trí, công đoàn với người lao động... Được biết, dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên có một việc làm ý nghĩa, tặng 10 căn nhà cho người thuộc diện chính sách gặp khó khăn và hàng nghìn suất quà cho người nghèo. Có lẽ đây là Đoàn đại biểu Quốc hội đầu tiên trong cả nước làm được như vậy. Thưởng Tết, mong sao cho ấm lòng người lao động, an dân là thế!

Đọc thêm