Góc nhìn pháp lý nhìn từ hai vụ án “nâng khống giá” thiết bị y tế (Bài 1): Thế nào là vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng?

(PLVN) - Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc có liên quan đến việc xác định giá thiết bị y tế, trong đó phải kể đến vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội và mới đây là tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Từ hai vụ án này, có một số vấn đề pháp lý có liên quan để bạn đọc tham khảo, hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật.
Trụ sở CDC Hà Nội.

Khởi tố kế toán trưởng CDC Hà Nội

Ngày 1/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú với Hoàng Kim Thư (33 tuổi), kế toán trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội, về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định trên.

Bị can Hoàng Kim Thư bị xác định có vai trò đồng phạm với giám đốc CDC Hà Nội cùng một số đồng phạm thực hiện hành vi sai phạm nhằm nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 cao hơn nhiều lần giá thực tế.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Trước đó, cuối tháng 4-2020, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Đến tháng 7, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Dung (trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội, phó chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm CDC Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội).

Quá trình điều tra bước đầu xác định các bị can là lãnh đạo, nhân viên của CDC Hà Nội cùng với giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST), tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành... đã cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. 

Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Đến vụ việc tại BV Bạch Mai

Cũng trong ngày 1/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, C03 ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, phó giám đốc. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS).

Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

C03 cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.

Kết quả điều tra ban đầu xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ vào thông tin điều tra ban đầu có thể thấy, hai vụ việc đều được dư luận gọi tên là “nâng khống giá thiết bị y tế” thế nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành không có tội danh nào là “nâng không giá”. Thực tế các đối tượng bị khởi tố với hai tội danh khác nhau. Vụ án tại CDC Hà Nội bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 222 Bộ Luật Hình sự. Còn các đối tượng trong vụ án tại BV Bạch Mai lại bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại 174.

Theo đó, Điều 222 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chínhvề hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Khoản 1 Điều 90 của Luật Đấu thầu có quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc Bộ luật Hình sự có quy định tại Điều 222 về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chính là sự nối tiếp quy định tại Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 và tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Trong bối cảnh mà tình trạng thông thầu, gian lận, các hành vi tiêu cực vẫn còn được dư luận phản ánh rất nhiều thì việc ra đời của điều Điều 222 Bộ luật Hình sự là hết sức cần thiết, cấp thiết và sẽ có tác động tích cực đến công tác đấu thầu nói riêng và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước nói chung.

(Đón đọc kỳ tới: Các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng) 

Đọc thêm