Góc nhìn pháp lý từ hai vụ án “nâng khống giá” thiết bị y tế (bài 2): Yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

(PLVN) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/CSKT-P15 ngày 22/4/2020.
Góc nhìn pháp lý từ hai vụ án “nâng khống giá” thiết bị y tế (bài 2): Yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Truy tố 10 bị can

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 12/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 10 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với 10 bị can dưới đây:

1. Nguyễn Nhật Cảm, SN 1963, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ CDC Hà Nội.

2. Nguyễn Vũ Hà Thanh, SN 1979, Trưởng Phòng Tài chính kế toán; Ủy viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ CDC Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Kim Dung, SN 1973 , Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ CDC Hà Nội.

4. Nguyễn Ngọc Quỳnh, SN 1975, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội.

5. Hoàng Kim Thư, SN 1987, Kế toán trưởng, Phó Trưởng Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội.

6. Lê Xuân Tuấn , SN 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội.

7. Nguyễn Ngọc Nhất, SN 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech.

8. Nguyễn Thanh Tuyền, SN 1985, nhân viên công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

9. Đào Thế Vinh, SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST).

10. Nguyễn Trần Duy, SN 1980, Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá Công ty cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ những sai phạm khác liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các yếu tố cấu thành tội phạm

Để bạn đọc hiểu rõ quy định của pháp luật về tội danh này, CCPL xin đăng tải bình luận của Luật sư Nguyễn Văn lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) về mặt khách thể và mặt khách quan (trong các yếu tố cấu thành tội phạm) quy định tại điều 222 Bộ luật Hình sự:

Mặt khách thể:

Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu mà cụ thể là xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước, xâm phạm đến việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội; làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, uy tín, hình ảnh quốc gia.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu đối với các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn nhà nước theo các quy định của pháp luật.

Mặt khách quan:

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. (Điểm 12, Điều 4 Luật đấu thầu 2013)

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về hoạt động đấu thầu gây thiệt hại tài sản cho người khác. Đây cũng được coi là một tội danh quy định chi tiết, cụ thể hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu.

Hành vi khách quan của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu được quy định cụ thể gồm các hành vi sau:

+ Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: Đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Việc can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu có thể nhằm làm thay đổi kết quả đấu thầu, thay đổi các hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu…

+ Thông thầu: Thông thầu là hành vi thống nhất thỏa thuận của các bên tham gia dự thầu, cung ứng dịch vụ, phí dịch vụ cho các hoạt động đầu tư xây lắp trong gói thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu, gây khó khăn cho các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Gian lận trong đấu thầu: Gian lận trong đấu thầu là hành vi của những người tham gia dự thầu, những người có trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư hoặc để đạt được lợi ích khác, trốn tránh các nghĩa vụ phải thực hiện.

+ Cản trở hoạt động đấu thầu: là hành vi của cá nhân, tổ chức ngăn cản, gây khó khăn, trở ngại cho những cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoặc tham gia hoạt động đấu thầu. Thông qua việc cản trở hoạt động đấu thầu, các cá nhân tổ chức làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, làm sai lệch hồ sơ, gây thiệt hại về tài sản, hiệu quả hoạt động đấu thầu, hiệu quả thực hiện dự án đầu tư…

+ Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu: Để đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các hoạt động đấu thầu cần đảm bảo công bằng, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có khả năng thực hiện hiệu quả nhất dự án đầu tư.

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu: Nợ đọng vốn là việc các nhà thầu đã thực hiện dự án đầu tư nhưng không được chủ đầu tư thanh toán kinh phí. Nợ đọng vốn của nhà thầu ảnh hưởng tới hoạt động tái đầu tư, ảnh hưởng đến việc cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nhà thầu.

+ Chuyển nhượng thầu trái phép: Trong quá trình thực hiện các gói thầu, luật pháp cho phép các nhà thầu được chuyển nhượng nhằm thực hiện hiệu quả gói thầu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng thầu cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các hành vi chuyển nhượng thầu sau bị nghiêm cấm: Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết; Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Hậu quả, thiệt hại: Là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Thiệt hại ở đây không nhất thiết là thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà có thể là thiệt hại về tài sản của các nhà thầu, các cá nhân, tổ chức khác… chẳng hạn như là việc Nhà nước phải thanh toán giá trị gói thầu lớn hơn, việc thực hiện gói thầu bị chậm tiến độ dẫn tới hao mòn, thất thoát tài sản, phải gánh chịu tiền lãi phát sinh, các chi phí phát sinh khắc phục những sai phạm…

Hay như các nhà thầu phải chịu chi phí nghiên cứu, đưa ra gói thầu, bỏ nguồn lực tham dự thầu nhưng lại không trúng thầu do việc lựa chọn nhà thầu có vi phạm thì những chi phí của nhà thầu này cũng có thể xem xét là hậu quả của hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Đọc thêm