Góc nhìn pháp lý từ hai vụ “nâng khống giá” thiết bị y tế (bài 3): Vi phạm quy định về đấu thầu hay tham nhũng?

(PLVN) - Ngày 26/5, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
3 bị can trong vụ án xảy ra tại CDC.
3 bị can trong vụ án xảy ra tại CDC.

Đối với vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, ngày 12/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 10 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với 10 bị can.

Còn đối với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, C03 mới khởi tố 3 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, đối với các vụ việc trên, có thể khởi tố về tội tham nhũng được không?

Bị can không thừa nhận “chung chi”

Theo kết luận của cơ quan điều tra, tháng 2/2020, bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội gọi điện cho bà Hiền (CDC Quảng Ninh) tham khảo hệ thống Realtime PCR tự động do CDC Quảng Ninh đã mua, đưa vào sử dụng và được bà Hiền giới thiệu Nguyễn Văn Chiến, nhân viên kinh doanh Cty Getz.

Sau khi ông Cảm liên hệ, Chiến đã gọi Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Cty Vitech để kết nối với Nguyễn Thanh Tuyền - Trưởng nhóm kinh doanh Cty Phương Đông xin báo giá hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen Đức và cho biết CDC Hà Nội đang muốn mua hệ thống này. 

Theo chỉ đạo của Tuyền, nhân viên cùng Cty Phương Đông đã “chế” 3 báo giá của 3 cty khác nhau để gửi sang CDC Hà Nội.

Ngày 6/2/2020, Nhất và Tuyền đến gặp ông Cảm tại phòng làm việc, qua đàm phán, ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR với giá 7 tỷ đồng, thời hạn bảo hành 3 năm. Tại đây, Tuyền cũng đề xuất Cty Phương Đông sẽ không tham gia đấu mà giao cho Nhất tìm nhà thầu đủ năng lực để thực hiện gói thầu và được ông Cảm đồng ý.

Sau đó, các đối tượng đã mua bán lòng vòng máy Realtime PCR từ Cty Phương Đông qua một số công ty khác, đến CDC Hà Nội giá máy đã được đẩy từ 2,3 tỷ đồng (giá Cty Phương Đông nhập về Việt Nam) thành 7 tỷ đồng.

Công ty CP Công nghệ y tế BMS có trụ sở tại đường Thái Thịnh, Hà Nội (ảnh: Nam Trần).
Công ty CP Công nghệ y tế BMS có trụ sở tại đường Thái Thịnh, Hà Nội (ảnh: Nam Trần).  

Cụ thể, ngày 4/2/2020, Công ty Phương Đông mở tờ khai nhập khẩu 3 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Giá thành 1 máy xét nghiệm sau khi tính thuế nhập khẩu là hơn 2,3 tỷ đồng.

Ngày 17/2/2020, Cty Phương Đông bán 1 máy PCR cho Cty Cổ phần thương mại công nghệ Hưng Long với giá 3, 7 tỷ đồng. Sau đó, Cty Hưng Long tiếp tục bán máy này cho Cty Cổ phần sản xuất kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu KĐ với giá hơn 4,6 tỷ đồng. Hệ thống máy PCR tiếp tục được Cty KĐ bán cho Cty MST của Đào Thế Vinh với giá hơn 6,3 tỷ đồng và khi về “tay” CDC Hà Nội là 7 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cũng cho thấy, bị can Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận quá trình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm đã không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và Luật kế toán, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.

Đáng chú ý, mặc dù có bị can có lời khai về việc thống nhất chung chi cho ông Cảm 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống máy để được trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội, tuy nhiên ông Cảm không thừa nhận nội dung này.

Có hay không việc “vụ lợi”?

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã kế thừa BLHS 1999 quy định các hành vi phạm tội tham nhũng trong Chương XXIII từ Điều 353 đến Điều 359 (bao gồm 7 tội danh).

Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Theo Bộ luật Hình sự, trong 7 tội về tham nhũng, yếu tố vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm đối với 3 tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác. Đối với 4 tội còn lại (Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Lạm quyền trong khi thi hành công vụ), không cần có yếu tố vụ lợi vẫn có thể xử lý hình sự nếu đáp ứng đủ các dấu hiệu về mặt hành vi.

Như vậy, yếu tố vụ lợi được coi là yếu tố quan trọng để xem xét một hành vi có phải là hành vi tham nhũng hay không, là cơ sở để xử lý kỉ luật đối với người làm sai. Còn trong việc xử lý trách nhiệm hình sự, nó không phải là yếu tố quyết định xử lí hành vi về tội tham nhũng.

Nói như vậy không có nghĩa yếu tố vụ lợi bị xem nhẹ, trên thực tế rất khó có thể chứng minh yếu tố vụ lợi, nó gây khó khăn trong việc xem xét xử lý các tội có dấu hiệu hành vi tương tự nhau, dẫn tới khó khăn trong việc xử lí hành vi tham nhũng. Bởi khi không chứng minh được yếu tố vụ lợi, không chứng minh được hành vi tham nhũng thì việc chuyển tội danh là việc đương nhiên. Việc chuyển tội danh kéo theo đó là mức hình phạt có thể khác nhau (đa phần nhẹ hơn).

Quay trở lại với 2 vụ án “nâng khống giá” thiết bị y tế, XLPL xin dẫn bài viết của TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đối với câu hỏi vi phạm quy chế về đấu thầu hay tham nhũng.

Theo TS Minh, nguyên tắc phổ biến trong mua sắm công là “mua phải đấu thầu, bán phải đấu giá” ai cũng rõ nhưng quá trình thực hiện, kẻ thoái hóa biến chất trong cơ quan công quyền, với quyền hạn của mình đã móc nối với các đối tác liên quan để “thổi giá”, mua với giá cao ngất ngưởng và đổi lại sẽ được nhận những khoản “lại quả” khổng lồ từ số tiền chênh lệch giữa giá mua mà Nhà nước phải bỏ tiền ra trả với giá trị thực của hàng hóa đó.

Mặc dù cơ quan điều tra khởi tố về tội vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 của Bộ luật Hình sự nhưng hầu như mọi người dân vả kể cả những người hiểu biết pháp luật trong cơ quan Nhà nước đều có thể khẳng định đó thực chất là một vụ án tham nhũng có sự cấu kết giữa những kẻ thoái hóa biến chất trong bộ máy Nhà nước với các doanh nghiệp.

Rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao vụ án này chưa bị khởi tố với một tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng và liệu rồi khi kết thúc vụ án, nó có để lọt những kẻ tham nhũng hay không? Câu trả lời nằm trong chính quy định của pháp luật.

Thông thường cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can khi có những chứng cứ khá rõ ràng về một hành vi vi phạm nào đó và tương ứng với nó là một tội danh với mức hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự. Các vi phạm về đấu thầu trong vụ việc CDC Hà Nội và thiệt hại xảy ra là khá rõ ràng nhưng chưa thể khởi tố về tội phạm tham nhũng đơn giản là còn thiếu điều kiện căn bản đối với loại tội phạm này. Tham nhũng được định nghĩa là hành vi vi phạm pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi. Yếu tố chủ thể là người có chức vụ quyền hạn và hành vi vi phạm thì đã rõ nhưng yếu tố vụ lợi còn đang được tiếp tục làm rõ trước khi khẳng định về hành vi tham nhũng.

Đây chính là điểm khó khăn nhất khi truy cứu các tội về tham nhũng. Theo nguyên tắc trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tố tụng thì nếu muốn quy ông Cảm và đồng bọn vào tội tham nhũng thì cơ quan điều tra cần chứng minh rằng số tiền chênh lệch do mua khống thiết bị từ 2,3 tỷ lên thành 7 tỷ có bị chiếm đoạt hay không và ai là những kẻ hưởng lợi? “Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò các bị can trong vụ án cũng như hành vi trục lợi cá nhân để thu hồi tài sản cho Nhà nước”, lãnh đạo C03 cho biết.

Đây là điều không đơn giản trong điều kiện nền quản trị của chúng ta chưa tốt, việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến. Vụ việc AVG vừa diễn ra cho ta thấy rõ điều này. Kẻ phạm tội có thể đưa nhận hối lộ hàng triệu đô la tiền mặt mà không hề chịu sự giám sát nào. Thêm nữa khi số tiền đưa hối lộ đã vào túi của người nhận thì lại càng khó chứng minh đó là của hối lộ ngay cả khi cơ quan Nhà nước chỉ ra sự bất thường trong khối tài sản của người đó bởi vì cho đến nay việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng còn mang nặng tính hình thức.

Điều quan trọng hơn là chúng ta chưa quy định tịch thu những tài sản mà quan chức che giấu bị phát hiện hoặc tuy có kê khai nhưng việc giải trình là không hợp lý. Một tài sản có được từ những “phi vụ” mua sắm công hoàn toàn có thể thoát khỏi việc bị xác nhận là tài sản tham nhũng bị tịch thu theo quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy ngay cả khi bị phát hiện về hành vi vi phạm pháp luật thì kẻ vi phạm vẫn có thể thoát tội tham nhũng, và thường nhận rằng hành vi phạm đó xuất phát do “năng lực quản lý yếu kém” hay cao hơn chút là do “thiếu trách nhiệm” hoặc cùng lắm là “cố ý làm trái...” để thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Kết quả là kẻ tham nhũng chỉ bị chịu mức án thấp hơn rất nhiều và đặc biệt là số tiền tham nhũng đã không được thu hồi cho Nhà nước, kẻ tham nhũng và con cháu ung dung hưởng thụ ngay trước mắt bàn người dân như một sự thách thức. Đây có thể coi là một khó khăn rất lớn cản trở cơ quan tố tụng để chứng minh và xử lý kẻ tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng sau này. Vậy thì cần phải làm thế nào để nhanh chóng xác định hành vi tham những để có thể xử lý nghiêm minh tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này?

Khó khăn từ quy định của pháp luật thì câu trả lời chính từ quy định của luật pháp. Mấu chốt của vấn đề chính là yêu cầu của việc chứng minh yếu tố vụ lợi, một điều kiện để xác định hành vi tham nhũng. Nguyên tắc suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước cần được hiểu thấu đáo và vận dụng thích hợp cho mỗi hoàn cảnh. Tư duy có tính cổ điển trong việc định chứng cứ theo kiểu “chỉ tận tay, day tận mặt” không phải lúc nào cũng đúng. Một nền pháp chế dân chủ hạn chế tối đa việc oan sai nhưng cũng cần tối thiểu hóa việc để lọt tội phạm.

Tham nhũng là tội phạm đặc biệt bởi vì nó được thực hiện bởi những chủ thể đặc biệt, là những người có chức, có quyền, thậm chí là có học, hiểu biết pháp luật nên đối mặt với nó cũng cần có những biện pháp đặc biệt. Nguyên tắc “lẽ thường” mà nhiều nước áp dụng chính là để giúp cơ quan tố tụng vượt qua khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự. Cụ thể là trong đối với một số tội phạm trong đó có tội tham nhũng người ta cho phép quy kết một tội phạm mà không cần chứng minh.

Đó là những vi phạm mà sai phạm là cố ý và yếu tố vụ lợi là rõ ràng. Điển hình là các vụ việc mua sắm công như vừa xảy ra. Khi vi phạm các quy định mua sắm công và quyết định mua sắm một tài sản chênh lệch một cách đáng kể so với mặt bằng chung về giá cả đối với mặt hàng đó thì người quyết định (và có thể cả những người liên quan) bị quy kết ngay là vụ lợi mà không cần chứng minh kẻ đó đã thu lợi bao nhiêu từ việc làm đó. Điều này dựa trên những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, người có quyền quyết định đối với việc mua sắm đó là người đủ hiểu biết pháp luật và giá trị thứ hàng hóa mà họ có quyền mua. Họ là người được lựa chọn ở vị trí đòi hỏi năng lực và trình độ tương ứng với những quyền hạn được giao vì vậy pháp luật buộc họ phải biết.

Thứ hai, họ có trách nhiệm kiểm soát quá trình mua sắm đó để bảo đảm không xảy ra vi phạm gây thiệt hai cho Nhà nước. Họ có đủ các quy định cần thiết cũng như đội ngũ tham mưu giúp việc để thực hiện công việc này.

Thứ ba, trong thời đại công khai minh bạch và kết nối thông tin như hiện nay, chỉ vài cái click chuột có thể biết ngay mức giá của một sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước và như vậy không thể giải thích việc một sản phẩm có thể được mua với giá cả rõ ràng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường ngoài việc đó là biểu hiện của việc thổi giá nhằm trục lợi.

Thứ tư, khi biết rõ việc mình làm là vi phạm nhưng vẫn cố tình thực hiện thì chắc chắn là đã có yếu tố vụ lợi, thậm chí là trục lợi về vật chất. Không một người bình thường nào lại cố tình làm một việc dù biết biết rõ là vi phạm, thậm chí có nguy cơ bị phát hiện và xử lý mà không vì mục đích có lợi cho mình.

Với nguyên tắc “lẽ thường” như thế thì chắc chắn cơ quan tố tụng sẽ đỡ vất và hơn nhiều trong việc chứng minh yếu tố vụ lợi và nhanh chóng đưa những kẻ tham những ra trước pháp luật.

Đối với vụ việc "nâng khống" giá trị thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra bước đầu, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, có một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận, hệ thống này được nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỉ đồng (bao gồm cả VAT), tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng khống giá lên 39 tỉ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.

Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỉ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017 - 2019, BV Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỉ đồng", tướng Xô thông tin. 

Đọc thêm