Gói hỗ trợ tài khóa mới: Người thu nhập thấp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 13/8/2021, Chính phủ đã có Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (Nghị quyết). Theo đại diện Bộ Tài chính, gói hỗ trợ này hướng trọng tâm tới sự bình đẳng, công bằng và người thuộc thu nhập thấp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.
Với việc thiết kế chính sách lần này, người thu nhập thấp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.
Với việc thiết kế chính sách lần này, người thu nhập thấp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.

Ngay sau khi có ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết và gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện.

“Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN), hộ, cá nhân kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tôi cho rằng đây là những giải pháp hỗ trợ rất kịp thời, có ý nghĩa quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho các DN, người dân, từ đó giúp họ có nguồn lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hơn nữa, thông qua việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, các chính sách này cũng sẽ góp phần duy trì và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…”, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá.

So sánh với một số nước trên thế giới, ông Quỳnh cho biết, xu hướng chính sách tài khóa của các quốc gia trên thế giới hiện nay là thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng chi ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm hỗ trợ người dân, DN chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản… đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến thất nghiệp, giảm thu nhập và gặp các khó khăn kinh tế khác.

Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển như Indonesia, Lào, Myanmar…, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn hạn chế, chưa được thực hiện trên quy mô rộng.

Ở Việt Nam, mặc dù điều kiện ngân sách còn khó khăn, cùng với các chính sách hỗ trợ về thuế, Chính phủ cũng đã có các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ NSNN cho người dân theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo đó, số tiền đã thực hiện hỗ trợ trong năm 2020 là 16,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, dự kiến có trên 14,95 triệu người lao động được nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.

“Rõ ràng, ngoài các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho những người lao động chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 như lao động bị nghỉ việc, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, trẻ em…

Do vậy, điểm khác biệt của các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới chính là chính sách hỗ trợ đã chú trọng tới sự bình đẳng, công bằng và người thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn…”- Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.

Để phát huy hiệu quả cao nhất của chính sách trong việc hỗ trợ người dân, DN, giảm thiểu các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách để tất cả các đối tượng trong xã hội đều có thể tiếp cận thông tin về các gói hỗ trợ tài khóa hiện nay. Trình tự, TTHC để được hưởng các chính sách hỗ trợ đã được đơn giản hóa…

“Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chính sách hỗ trợ cũng đã được tăng cường…”- Ông Quỳnh khẳng định.

Đọc thêm