Thời điểm này, những giỏ quà Tết được gói sẵn với các loại thực phẩm, bao kính, buộc nơ đã được bày bán tại tất cả các chợ, siêu thị và cửa hàng trên cả nước. Tuy nhiên, cũng là gói quà nhưng giá cả thì chênh lệch nhau đến đáng ngạc nhiên.
Một gói quà được bày bán phổ biến trên thị trường, dành cho những người “bình dân” tặng nhau hay chưng Tết, với các loại bánh, mứt, rượu vang… có giá dao động từ 500 ngàn đến trên 1 triệu đồng. Nhưng, ở những cửa hàng hạng sang hay dịch vụ tư vấn tặng quà qua mạng, một bộ quà tặng gói sẵn có khi lên đến vài triệu, hàng chục triệu và vài chục triệu đồng.
Chồng vừa lên chức, muốn chồng có một món quà giá trị để biếu Tết sếp, chị Minh Hằng (quận 3, TP HCM) đã nhờ dịch vụ gói quà Hoàng Kim tư vấn. Và gói quà được chị chọn có giá trị 35 triệu đồng, bao gồm một lạng hồng yến, một cặp rượu sake loại lâu năm đặt trong hộp gỗ hồng và một hộp chocolate nhân mắc ca hảo hạng của Thuỵ Điển.
Để chọn được gói quà kết hợp đầy đủ Đông Tây này, chị đã phải cân nhắc, bỏ qua những gợi ý với các mức giá khác nhau, như gói quà gồm Đông trùng hạ thảo kết hợp rượu nhân sâm ngâm 5 năm và hai lọ mật ong Hàn Quốc trị giá 50 triệu; hay bộ quà 20 triệu đồng bao gồm chè Ô long hảo hạng Đài Loan cùng với bộ ấm chén “Tứ linh” đặc biệt nhập khẩu Đài Loan và ít bánh mứt hảo hạng xứ Đài…
Theo anh Minh Lân, chủ một trang web tư vấn – cung cấp quà tặng thì nhu cầu tặng quà Tết giá khủng là khá nhiều, khách hàng sẵn sàng chi cũng không ít, điều quan trọng là họ nghĩ nát óc chưa ra được quà nào hay ho, “độc” lạ, hữu dụng… và cần đến các đơn vị tư vấn thực hiện giúp.
Anh Lân kể, vừa rồi anh theo yêu cầu tìm cho khách hàng một món quà để tặng, đó là chậu hoa mai cao khoảng 30cm làm bằng hợp kim, tất cả thân, hoa và lá đều mạ vàng, thậm chí, khách hàng yêu cầu đựng trong hộp gỗ tùng, nơ thắt trên hộp phải hình hoa mai và cũng phải được mạ vàng…
Anh từ chối tiết lộ giá trị món quà, chỉ cho biết là giá của nó không ở mức vài chục triệu.
Cũng là tặng quà Tết, nhưng ở những trường hợp khác, có những món quà giá trị chỉ vài chục ngàn đồng cũng khiến niềm vui toả rạng trên gương mặt người tặng. Ví dụ như một nồi thịt kho tặng cụ già neo đơn ăn Tết của chị Bảo Nhi, thành viên nhóm từ thiện “Chia sẻ yêu thương”.
Tết năm ngoái, sát giao thừa, hai vợ chồng chị đến chúc Tết, lì xì cho cụ già bán bánh tét 94 tuổi gần nhà. Đập vào mắt chị là hình ảnh căn nhà lạnh lẽo, hai cô con gái tật nguyền ngồi bên bàn cạnh dĩa bún chan nước tương và đĩa dưa cà, dưới gầm bàn là rổ mướp đắng héo một người qua đường nào đó cho cụ.
Hình ảnh ấy ám ảnh mãi, để đến năm nay chị bắt tay kêu gọi bạn bè cùng nhau nấu những nồi thịt yêu thương biếu Tết cho các cụ già neo đơn. Tết này, có lẽ sẽ có nhiều gia đình nghèo ấm lòng lắm với nồi thịt kho của các chị.
Gần Tết, thi thoảng trên đường phố đêm khuya, khi cái ồn ã của ngày đã lắng xuống, những người quét rác đêm đến ca làm việc, người ta thấy những nhóm sinh viên, nhóm từ thiện dừng xe, trao cho những người lao động nghèo ấy cặp bánh chưng, vài bịch bánh kẹo, mứt Tết, một lời chúc tốt lành và nhanh chóng rời đi, để lại phía sau những ánh mắt sáng lên trong ấm áp tình người.
Đợt rét phía Bắc đến, cùng với những chuyến du lịch ồ ạt của dân du lịch phượt để xem băng tuyết, những người đầy lòng trắc ẩn cũng lên núi, đem theo chăn, áo ấm, giày dép và mì gói, kẹo sữa cho trẻ vùng cao đang co ro trong cái lạnh.
Quà Tết, cũng muôn hình muôn màu và vô chừng giá, như sự khác biệt về vị trí, cấp bậc, nghề nghiệp… của con người. Người ta dễ dàng thấy những nghịch lý càng trở nên rõ nét vào ngày Tết, khi một món quà có thể quy đổi ra hàng trăm, hàng ngàn món quà cần thiết khác.
Và càng nghịch lý hơn nữa khi chai rượu ngoại trị giá hơn chỉ vàng được đón nhận bởi ánh mắt hờ hững và vứt lăn lóc ở một góc tủ, còn nồi thịt kho giá trị trăm ngàn có thể làm sáng mắt, ấm lòng cả một gia đình, khiến họ có cái Tết vui hơn.
Những nghịch lý cho người ta biết một điều, đôi khi, giá trị của món quà chẳng quyết định được ý nghĩa và niềm vui mà nó mang đến.