Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Luật Đất đai 2013 quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng, qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đủ tên vợ chồng cần là quyền đương nhiên. (Ảnh minh họa)
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đủ tên vợ chồng cần là quyền đương nhiên. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều, khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận, theo Báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20/5/2020.

Sổ đỏ có đủ tên vợ chồng cần là quyền đương nhiên

Chị Nguyễn Hằng ở Phú Thọ không hề biết pháp luật quy định hai vợ chồng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ – sổ đỏ). Đến khi hai vợ chồng li dị, không có con cái, chồng và gia đình chồng cho rằng tài sản đất đai nhà cửa của hai vợ chồng là do chồng chị gây dựng nên chị Hằng không có quyền nhận quyền lợi. Do thiếu thông tin, cũng không dám đứng lên đấu tranh, chị Hằng đành phải về nhà bố mẹ đẻ ở.

Cách đây gần 10 năm, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam về tỷ lệ người đứng tên GCNQSDĐ cho thấy: 44% là chồng, 22% là hai vợ chồng. Cũng theo nghiên cứu cho thấy nữ giới có ít thông tin về tiếp cận đất đai so với nam giới. Dưới 50% nữ giới được phỏng vấn biết các thủ tục để được cấp GCNQSDĐ so với tỷ lệ từ 50% đến 60% ở nam giới.

Thời gian qua, nhiều nữ chủ doanh nghiệp đi vay vốn để khởi nghiệp nhưng giấy tờ nhà đất lại chỉ đứng tên chồng nên họ không thể vay vốn được. Thông tin này được bà Nguyễn Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức cuối tháng 3/20223.

Theo đó, Luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên GCNQSDĐ đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng, qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp GCNQSDĐ chỉ có tên người chồng với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều, khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận, theo Báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20/5/2020.

Một trong những nguyên nhân là do từ chính quy định “…việc cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu” của Luật Đất đai 2013 tại khoản 4 Điều 98. “Điều này vô hình trung đã làm mất đi ý nghĩa của quy định GCNQSDĐ phải ghi tên của họ, tên vợ và họ, tên chồng” - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - ĐH Luật Hà Nội.

Được biết, nội dung của khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 vẫn được giữ nguyên ở khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do đó, tại Hội nghị lấy ý kiến vừa qua, về vấn đề ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng trong GCNQSDĐ đa số các đại biểu cho rằng đây là quyền đương nhiên, chứ không cần xuất phát từ “nếu có yêu cầu”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga thì cần sửa đổi: “...Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”. Với trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người cũng cần làm rõ thỏa thuận ghi tên một người (vợ, hoặc chồng) đại diện đứng tên trên GCNQSDĐ để thống nhất trong việc xác định tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp trên.

Tương tự, tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chức, theo các đại biểu, sở dĩ việc cấp Giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất vì theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 thì việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với cả người sử dụng đất và người quản lý đất, tuy nhiên việc GCNQSDĐ được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất.

Vì vậy, đối với các Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng, nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng trong khi pháp luật không có cơ chế bắt buộc phải đổi Giấy chứng nhận dẫn đến tình trạng nhiều Giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng.

Đề nghị mở rộng chủ thể hưởng bồi thường khi thu hồi đất

Cũng tại hai Hội nghị nói trên nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam. Có trường hợp người phụ nữ nhiều năm về gia đình nhà chồng, có cống hiến và xây dựng nhà cửa nhưng khi mảnh đất của gia đình nằm trong diện thu hồi đất thì người con dâu này lại không được nằm trong danh sách hưởng quyền lợi bồi thường. Đây là một điểm cần phải được chỉnh sửa trong dự thảo Luật sửa đổi.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp - Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phụ nữ sau khi lấy chồng, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng. Mặc dù họ có thể là người sử dụng đất chính, chẳng hạn như: bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt... trên đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng đất hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình bằng việc mở cửa hàng, bán hàng tại nhà đất mà bố, mẹ chồng và chồng có quyền sử dụng.

Vì vậy, quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai (sửa đổi) là đúng, nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi. Như vậy, con dâu hoặc con rể (trên thực tế chủ yếu là con dâu) sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ - người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi - bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung đề nghị mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường khi bị thu hồi đất. Chủ thể được hưởng bồi thường và hỗ trợ sẽ là người có đất bị thu hồi và người sống cùng với người có đất bị thu hồi.

Để tránh cụm từ người sống cùng với người có đất bị thu hồi bị hiểu khác nhau, cụm từ này cần được giải thích tại Điều 3 của dự thảo Luật. Chủ thể này cần ít nhất 3 điều kiện: con dâu hoặc con rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi; trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi; thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất từ khi kết hôn, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung.

Đọc thêm