Grab tăng giá cước và chiết khấu có phù hợp với quy định pháp luật?

(PLVN) - Trước sự việc hãng Grab tăng chiết khấu từ 25% lên 30% đối với mỗi cuốc xe khiến nhiều tài xế đình công, luật sư cho rằng các tài xế phản ứng là có cơ sở. Còn phía cơ quan nhà nước yêu cầu Grab phát ngôn thận trọng về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động của Nghị định 126, tránh tạo việc hiểu không đúng về chính sách thuế của Nhà nước.
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Các tài xế phản ứng là có cơ sở

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đây không phải là lần đầu tiên các tài xế đình công, tụ tập đông người để phản đối các chính sách của Grab, mà trước đây cũng đã có nhiều vụ việc tương tự. Nguyên nhân của các vụ việc này là do Grab có những sự thay đổi chính sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tài xế nhưng lại thiếu cơ chế, cách thức trao đổi minh bạch và tạo sự đồng thuận cần thiết, gây ra sự bức xúc và những phản ứng gay gắt từ phía các tài xế.

Mặt khác, dù các quy định của pháp luật về hoạt động của các dịch vụ gọi xe công nghệ mới đang dần được xây dựng và hoàn thiện, song vẫn còn chưa đầy đủ và có nhiều hạn chế, dẫn đến các lỗ hổng pháp lý có nguy cơ phát sinh các vướng mắc và tranh chấp.    

Bởi thế, để hạn chế các vụ việc tương tự thì trước tiên, Grab cần có những cơ chế minh bạch và phù hợp hơn trong việc điều chỉnh các chính sách của mình, để tạo ra sự hài hòa, cân bằng hơn về lợi ích và sự đồng thuận cho các tài xế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, để tạo ra những khung pháp lý có thể phòng ngừa và giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc tương tự.

Về việc hãng Grab thông báo thu tăng thuế, Luật sư Hùng lý giải: Theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế (Nghị định 126) từ ngày 05/12/2020, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu.

Đây là sự điều chỉnh cần thiết, phù hợp với các quy định pháp luật về thuế, cũng như thông lệ quốc tế và tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Với sự thay đổi này thì Grab và các hãng gọi xe công nghệ khác sẽ phải có những sự tính toán, điều chỉnh lại về việc kê khai và nộp thuế. 

Tuy nhiên, thuế GTGT là một loại thuế gián thu và thu của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, còn cá nhân tài xế và Grab không phải đóng loại thuế này. Grab chỉ có nghĩa vụ thu, kê khai và nộp hộ cho người sử dụng dịch vụ. Đó là nghĩa vụ của Grab mà không phải là nghĩa vụ của tài xế. Vì vậy, Grab lấy lý do tăng thuế GTGT theo Nghị định 126để vừa tăng giá dịch vụ, vừa tăng tỷ lệ chiết khấu của các tài xế là không thuyết phục, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các tài xế nên việc các tài xế phản ứng là có cơ sở.

Đối với việc các tài xế lái xe Grabike có hành động biểu tình, theo Luật sư Hùng, các tài xế Grabike có quyền nêu ý kiến, thể hiện thái độ, sự phản đối của mình đối với với các chính sách mới của Grab. Việc các tài xế Grabike đình công, tụ tập đông người nơi công cộng như những ngày vừa qua là mang tính tự phát và không tuân thủ đúng các quy định về trình tự, thủ tục của việc đình công theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định về tụ tập đông người ở nơi công cộng theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, các tài xế Grabike chỉ là những người lao động, họ không có động cơ xấu mà chỉ muốn đấu tranh, yêu cầu Grab đảm bảo các quyền lợi của mình. Do đó, nếu các hoạt động này diễn ra một cách có trật tự, ôn hòa và không có các hành vi quấy rối, phá hoại, gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự thì cũng không nên có quan điểm pháp lý quá cứng nhắc về vấn đề trình tự, thủ tục pháp lý mà nên có sự cảm thông và chia sẻ với các tài xế. Điều quan trọng là phía Grab và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết vụ việc, cũng như tránh lặp lại các vụ việc tương tự và bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho các tài xế.  

Yêu cầu Grab phát ngôn thận trọng

Sau khi Nghị định 126có hiệu lực, trên phương tiện thông tin truyền thông xuất hiện ý kiến của Công ty TNHH Grab về việc doanh nghiệp này tăng giá cước và tăng khấu trừ thuế với lái xe từ hoạt động kinh doanh do tác động của Nghị định 126.Theo đó, để làm rõ ý kiến này của Công ty TNHH Grab, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Grab về nội dung Nghị định 126 và có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông Vận tải (Vụ Vận tải).

Tại buổi làm việc này, Tổng cục Thuế đã lắng nghe ý kiến phát biểu, giải trình của Grab về việc tăng giá và tăng chiết khấu đối với khách hàng. Tuy nhiên, Grab chưa cung cấp đầy đủ thông tin về việc tăng giá và tăng mức khấu trừ thuế đối với lái xe là do ảnh hưởng của Nghị định 126.

Cũng tại buổi họp, Tổng cục Thuế khẳng định quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân. Cụ thể, tại điểm c, khoản 5, Điều 7 Nghị định 126 quy định:“Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh. 

Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định”. 

“Như vậy, Nghị định 126 quy định cụ thể về trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân - không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT - chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Quy định mới tại Nghị định126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi)”, Tổng cục Thuế nêu.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng có ý kiến khẳng định: “Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải”. Công ty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Công ty TNHH Grab quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết,...), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe.

Ngay sau cuộc họp trên, Grab Việt Nam phát đi thông cáo cho biết “hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào” và cho rằng Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế GTGT.

“Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các đối tác tài xế này không có khả năng khấu trừ VAT đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán”, thông cáo của Grab nêu.

Liên quan đến những phát ngôn của Công ty TNHH Grab với báo chí, Tổng cục Thuế mới đây gửi Công văn số 5270/TCT-DNNCN cho doanh nghiệp này. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty TNHH Grab thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động của Nghị định 126, tránh tạo việc hiểu không đúng về chính sách thuế của Nhà nước. Đồng thời, Công ty TNHH Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển.

Đọc thêm