“Khi mà ai cũng muốn tránh những nơi có dịch, thì đó lại là nơi mà chúng tôi “lao vào”, nhận xét này hoàn toàn chính xác với nhóm PV mảng y tế trong thời gian từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam (đầu năm 2020) đến nay.
Ban đầu là ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Được tin địa phương này sẽ được bỏ phong tỏa vào 0h ngày 3/3, chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước đó 1-2 ngày và đến 21h tối 2/3 đã sẵn sàng xuất phát.
Thời điểm đó, tâm lý kỳ thị với người dân vùng dịch vẫn khá nặng khiến chúng tôi lên đường tác nghiệp cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, được sự tin tưởng của Trưởng ban, chúng tôi đã “gạt” được nỗi sợ, vững tin lên đường với sự nhắn nhủ “thực hiện mọi biện pháp đảm bảo an toàn” và cần thiết thì khi về sẽ tự cách ly tại nhà để đảm bảo cho người thân, đồng nghiệp.
Sau này, khi đến xã Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội) hoặc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đưa tin về việc phong tỏa, rồi dỡ phong tỏa, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm và tự tin hơn rất nhiều.
Tuy đang có con nhỏ nhưng xác định “theo” dịch đến cùng, có thời điểm tôi đã quyết định gửi con về quê ngoại để vừa tập trung công việc, vừa hạn chế tiếp xúc với con, tránh lây nhiễm. Nhớ con lắm nhưng vì công việc, vì an toàn nên tôi vẫn phải động viên chồng chấp nhận phương án này.
Những thời điểm dịch bùng phát, gần như tôi ăn, ngủ cùng chiếc máy tính, bởi phải cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin dịch bệnh.
Sau này, do là một phóng viên thường tiếp cận vùng dịch, tôi lại được cơ quan tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia hoặc làm đầu mối liên hệ để đi trao quà hỗ trợ cho bà con, cơ quan, đoàn thể vùng dịch. Lúc này, tôi kiêm thêm cả một tuyên truyền viên để phổ biến cụ thể cách thức phòng dịch cho mọi người trong đoàn, từ lựa chọn khẩu trang, áo quần bảo hộ, kính chống giọt bắn… đến ăn uống, đi lại hoặc khai báo y tế.
Sát cánh cùng tôi trong thời gian này là phóng viên Ngọc Nga. Hai chị em từng động viên nhau, mình mà còn e ngại, không vào “điểm nóng” thì khó có thể tuyên truyền để người dân hiểu về dịch bệnh, để bớt hoang mang lo sợ và không còn kỳ thị người vùng dịch nữa.
Gia đình Ngọc Nga ở tỉnh Hưng Yên nên suốt thời gian mấy tháng đưa tin về dịch, em cũng quyết định không về nhà để “phòng xa” cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, hàng ngày, Ngọc Nga vẫn liên lạc với bố mẹ qua zalo để mọi người yên tâm rằng con mình chưa thuộc diện phải cách ly tập trung. Thấy con gái mải mê với công việc, mẹ Ngọc Nga đã từng nói “con gái sắp kết hôn với công việc luôn rồi”.
Phóng viên Minh Trang: “Tôi thấy rất tự hào vì dù chỉ mới chập chững bước vào nghề, tôi đã được tham gia vào “mặt trận nóng”, góp sức nhỏ vào công tác phòng, chống dịch. Lúc đầu, tôi cũng khá lo lắng nhưng được các anh chị tận tình giúp đỡ, động viên và hiểu rõ về cách phòng lây nhiễm nên tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Khi mà được đích thân đến những vùng dịch, được nhìn thấy và tìm hiểu về cuộc sống của mọi người trong khu cách ly thì tôi cảm thấy mình có động lực hơn trong công việc”.
Phóng viên Vân Anh: “Tham gia đưa tin về dịch và phòng chống dịch Covid-19 là những kỷ niệm làm nghề báo đầu tiên của tôi. Khi tác nghiệp ở vùng dịch, tuy đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch nhưng tôi vẫn hơi lo. Còn những người khác tiếp xúc với mình, liệu họ có e ngại khi biết mình mới ở vùng dịch về? Tuy nhiên, tôi xác định đây là một cơ hội để tôi trải nghiệm, thử thách năng lực. Vậy là tôi lại lên đường cùng các anh chị, góp phần có những tin tức, hình ảnh chân thực về tình hình dịch bệnh, về đời sống của người dân trong khu phong toả, khu cách ly, giúp mọi người vững tin hơn trong cuộc chiến với dịch bệnh”.