Gửi tình thương đến nơi xa

(PLVN) -  Mùa này, người yêu nhau cũng phải xa nhau, người thân cũng không được gặp mặt. Chỉ còn cách gửi tình thương và sự động viên từ xa xôi.

Một đám cưới đặc biệt vừa được tổ chức tại TP HCM, đám cưới trực tuyến qua ứng dụng zoom. Cô dâu tên Khánh Thi và chú rể tên Văn Quang, vốn đã dự tính tổ chức đám cưới từ trước đó vài tháng. Đùng cái, dịch bệnh diễn ra, rồi giãn cách. Gia đình hai bên đã bàn nhau hoãn cưới đến sau dịch, nhưng tính đi tính lại, bà nội trong nhà đã khá yếu, rồi ngày được chọn “được ngày, được giờ”, thế là quyết cưới luôn.

Ngày cưới, chú rể mặc vest, cô dâu diện áo dài đỏ đội mấn, chữ “Song hỉ” đỏ được dán trên tấm rèm nhà. Họ sánh vai nhau, cười tươi rói, đứng trước... màn hình điện thoại. Trên các ô vuông của ứng dụng trực tuyến lần lượt là các thành viên của gia đình hai bên nội, ngoại. Hai nhà ai cũng ăn mặc tươm tất, sang trọng như đi dự đám cưới thông thường. Trên bàn thờ cũng bày hoa quả cúng gia tiên, cả hai cũng làm lễ bái gia tiên hai họ... qua màn hình. Những người trong nhà cũng có cười tươi, có nước mắt rơi.

Trước đây, ai mà có thể hình dung một ngày thế giới này lại diễn ra những điều như thế. Không cách nhau nửa vòng trái đất, không ba đèo, chín suối, thế mà không cách nào đến được bên nhau. Có đôi vợ chồng mới cưới, chồng công tác ở Sài Gòn, vợ ở quê nhà, rồi chồng đi cách ly tập trung, rồi giãn cách, rồi mỗi người một nơi. Chỉ biết gửi nỗi nhớ nhung qua từng tin nhắn, từng cuộc gọi video. Những đôi tình nhân sống cùng một thành phố, giờ cũng chẳng còn nữa những buổi hò hẹn lãng mạn, yêu đương nữa, yêu gần mà thành yêu xa.

Có những đôi vợ chồng trẻ, những ngày thành phố bắt đầu giãn cách, gửi các con về quê sống với ông bà để con được an toàn. Giờ đây, thành phố chuẩn bị giãn cách đợt thứ hai, ngày mà cha mẹ và con cái đoàn tụ có lẽ còn xa.

Những người mẹ ở quê nhà, thở dài sườn sượt, ngóng từng ngày tin các ca nhiễm Covid tăng giảm, lo cho con đang trong tâm dịch thị thành. Những gia đình chia đôi, chia ba, chia năm bảy các miền đất nước, nhớ nhau, lo cho nhau mà chỉ biết gọi điện hỏi thăm. Người thân, bạn bè cách nhau vài cây số, trong cùng một thành phố, giờ đây cũng không cách nào gặp mặt. Không phải những chiếc rào chắn ngăn họ lại, mà hiểm họa từ con virus vô hình khiến không ai dám đến thăm nhau. Hàng xóm láng giềng, xưa “tối lửa tắt đèn” có nhau, nay cũng chẳng dám mở lời hỏi han. Những cánh cửa nhà đóng kín, đến trẻ con đau đáu muốn ra ngoài chơi cùng bạn giờ cũng chẳng được nữa rồi.

Thành phố những ngày này, người người khoe “quà tiếp tế”. Đó là những món quà quê, rau củ, con gà, trái bắp trong vườn nhà, ngoài chợ quê mà các gia đình gom góp gửi lên “ứng cứu” cho người thân ở thành thị đang bối rối vì “cơn sốt” thực phẩm. Những người bạn ở các thành phố khác nhau, đi mua thực phẩm gửi tặng nhau. Những người bạn, người thân trong cùng thành phố, nơi này còn đi lại được gửi quà cho nơi kia đang phong tỏa.

Những gói thực phẩm gửi từ phương xa đến người trong vùng dịch gói ghém cả tấm lòng, cả lời động viên.

Chưa bao giờ mà những bó rau, bó hành, miếng thịt, túi trứng lại được “khoe khoang” một cách đầy tự hào như thế. Đó không chỉ là những thực phẩm “cứu đói” cho những ngày tháng thành phố trong cơn rối bời. Đó còn là tình cảm của người ta gửi cho nhau, đi cùng những lời động viên chân thành.

Có những món quà đến được tay người nhận, lại được chia sẻ, gửi đi cho những người đang cần hơn thế. Những lời nhắn “chị sắp đi siêu thị, nhà em có cần gì chị mua luôn gửi cho” nghe rất đỗi bình thường mà chở cả tấm lòng yêu thương, quan tâm, săn sóc lẫn nhau.

Có những người lên án chuyện khoe quà, khoe rau, củ, thực phẩm giữa thời điểm biết bao người đang đói ăn, khổ sở. Nhưng cái “khoe” ấy đâu đơn thuần là câu chuyện khoe của, là trưng những hưởng thụ sung sướng giữa thời buổi dịch bệnh? “Khoe” ấy là khoe tấm chân tình, là sự gửi lời cảm ơn đến người tặng, là tự động viên chính mình phải cố gắng sống khỏe mạnh, bình an, vượt qua.

Ừ, thì những ngày này, gặp nhau là chuyện xa xỉ lắm. Thời buổi này đành gác lại những ước mơ tái ngộ, ngồi bên nhau trò chuyện dưới đất, trên trời. Chỉ còn lại những lời an ủi, động viên nhau, cố gắng giữ gìn sức khỏe, cố gắng bình tâm, cố gắng sống bình an...

Trước dịch, người ta nghĩ nhiều đến tăng trưởng kinh tế, đến việc kiếm tiền, thăng chức, tăng lương. Đến đổi nhà và đổi xe, mở rộng những mối quan hệ. Trong dịch, người ta khao khát được hưởng thụ những chuyến đi xa, được hưởng thụ cuộc sống bình thường ngày chưa có dịch.

Thế rồi, dịch bùng phát nặng nề, số ca lên đến hàng ngàn mỗi ngày, tin về người chết, về giãn cách khắp nơi. Lúc này, ước mơ thu lại bé nhỏ lắm. Là được thưởng thức một bữa ăn đủ đầy như ngày xưa, là có thực phẩm đủ để an tâm không ra khỏi nhà trong một thời gian, là làm sao bình an và sống sót qua ngày gian khó. Là chờ đến ngày được gặp nhau, “vui sao nước mắt lại trào”.

Những ngày này, chỉ có tình thương gửi đến nhau từ những nơi gần mà xa, xa mà gần mới là sự nâng đỡ lớn lao cho mỗi người. Nâng đỡ nhau để mà cùng hy vọng, bão tố nào rồi cũng tan đi.

Đọc thêm