Hà Nam điều chỉnh giảm diện tích cách ly tại TP Phủ Lý

(PLVN) - Chiều 23/9, sau khi ban hành quyết định về thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Phủ Lý từ 18h, đến sáng 24/9, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định thay thế.
Một điểm chốt được thiết lập để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Ảnh: CDC Hà Nam)

Cụ thể, trước việc xuất hiện nhiều chùm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở trường học, nhà máy, tỉnh Hà Nam quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn thành phố Phủ Lý từ 18h chiều 23/9. Tuy nhiên, đến rạng sáng 24/9, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản thay thế.

Nội dung văn bản này đã giảm quy mô, diện tích áp dụng giãn cách xã hội từ toàn bộ 21 phường, xã của thành phố Phủ Lý xuống một phần diện tích của 12 phường, xã gồm: Châu Sơn, Lê Hồng Phong, Thanh Châu, Thanh Tuyền, Liêm Chính, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Quang Trung, Phù Vân, Liêm Chung.

Thời gian giãn cách xã hội là 14 ngày bắt đầu từ 0h ngày 24/9/2021.

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; thôn, tổ dân phố cách ly với thôn, tổ dân phố; xã, phường cách ly với xã, phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Theo quyết định, UBND Hà Nam yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn thành phố Phủ Lý tùy theo tính chất công việc bố trí sử dụng CNTT làm việc tại nhà, trừ các trường hợp cần thiết như trực chiến đấu, y tế, cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở và vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao; tăng cường tổ chức các cuộc họp trực tuyến phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong đơn vị do không chấp hành quy định phòng chống dịch theo quy định.

Đọc thêm