Hà Nội bịn rịn chia tay những hàng cây

(PLO) -Vài tháng trước, trên các con đường Láng, Nguyễn Trãi, những hàng cây cổ thụ đã bị “bức tử” để phục vụ đường sắt trên cao, thì từ đầu tháng 12 lại đây, những người dân trên phố Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Sơn Tây lại một lần nữa  ngẩn ngơ tiếc nhớ những hàng cây đã gắn bó cả đời người.
Hà Nội bịn rịn chia tay những hàng cây
Đời cây, đời người!
Những ngày đầu đông này, mặc dù tiết trời Hà Nội đã se lạnh nhưng lòng người lại cồn cào nóng hơn bao giờ hết khi những màu xanh của thành phố đang dần mất đi. Để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trước đó hàng chục cây xà cừ với đường kính gốc gần hai người ôm trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã bị đốn hạ. Và tới đây sẽ là hơn 30 gốc xà cừ cổ thụ trên đường Kim Mã, dọc hồ Thủ Lệ cũng sẽ đổ gục, phục vụ dự án xây dựng tàu điện Metro đầu tiên ở Thủ đô. 
Theo kế hoạch, trên đoạn đường Kim Mã có 52 cây bị chặt, 4 cây bị dịch chuyển, đoạn đường Nguyễn Thái Học có 144 cây bị chặt, 5 cây dịch chuyển. Số cây sau khi được chặt hạ sẽ cho xác định tuổi gỗ, tập trung về kho tại Kim Trung (huyện Đông Anh), sau đó được xử lý theo quy trình. Số cây mới được chuyển từ Văn Giang - Hưng Yên về là cây bằng lăng, hoa sữa, đảm bảo thẳng, đẹp, không sâu mục. Đây là dự án được thực hiện theo cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 20/11/2014, có nguồn kinh phí xã hội hóa gần 3,5 tỷ đồng. Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hà thành thực hiện việc chặt hạ, di chuyển, trồng mới đoạn từ Ngã tư khách sạn Deawoo - Kim Mã đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Đình Ngang từ ngày 28/11-25/12.
Cụ bà trên 70 tuổi bán hàng nước tại số 173 Nguyễn Thái  Học ngẩn ngơ nhìn gốc phượng cổ thụ đã bị đốn hạ: “Bao nhiêu năm nay tôi mưu sinh dưới gốc cây này, bao nhiêu kỉ niệm đã gắn bó với tôi. Nhờ có hàng cây này mà tôi có bóng mát, tránh được khói bụi và những ngày mưa nắng. Thế nên, thi thoảng tôi có đi đâu lâu cũng nhớ góc phố, hàng cây này. Đời cây, đời người, xót lắm!”. Một bác công nhân trong đội chặt cây toát mồ hôi trong tiết trời rét ngọt cũng chia sẻ: “Cây phượng này trồng cũng được mấy chục năm, rễ bám sâu và chắc nên đốn hạ cũng tiếc. Đốn xong chúng tôi cũng sẽ trồng cây phượng khác có thân to bằng cổ chân và phải vài chục năm nữa mới có cây to, tán rộng như cây phượng này…”.
Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc . Ảnh: U.N
Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc . Ảnh: U.N

Còn chị Mai Anh (Ba Đình) thì bồi hồi: “Năm nào cũng thế, vào tháng tư, nhìn thấy những cánh bằng lăng đầu tiên trên phố Kim Mã là háo hức như quay lại thời đi học, vì mùa hè là dịp gia đình mình sẽ có những chuyến du lịch bên nhau. Giờ thì chẳng biết có được nhìn thấy mùa hè đến sớm vậy nữa không…”.
Có phải vì quá yêu?
Khoảng những năm 1960, 1970, Hà Nội nổi tiếng là thành phố xanh yên bình ở Đông Nam Á. Từ đầu thế kỷ 20, các chuyên gia quy hoạch người Pháp đã tỏ rõ tầm nhìn xa rộng khi gắn không gian đô thị với kiến trúc xanh, từng con phố được gắn với một loại cây khác nhau. Nhờ thế mà đến giờ Hà Nội mới có được những dàn cây cổ thụ quý giá đến vậy. Gần trăm cây xà cừ cổ thụ trên đường Hoàng Diệu, đường Láng, dãy cây sao đen trên phố Lò Đúc, hay cả trăm gốc sấu già trên phố Phan Đình Phùng… Thế rồi, trải qua thời gian, cây xanh Hà Nội cứ thưa thớt dần. Những dãy cây mới trồng cũng không còn giữ được nét đặc trưng nữa mà thiếu tính hệ thống và nghiên cứu kỹ càng. Không thể người trồng cứ trồng, người xây cứ xây, cứ chặt rồi lại trồng lại.
Không riêng gì ở Hà Nội, ở nhiều thành phố khác, để thực hiện các dự án phát triển, có cả trăm lý do, dù là vô tình hay hữu ý để bức tử cây xanh. Vỉa hè, lòng đường thi thoảng lại bị đào tung để lát hè, đi cáp, hết cáp viễn thông lại cáp điện lực. Mà gần như không năm nào không có dự án sửa chữa, đào vỉa hè hoặc lòng đường, vô hình trung trở thành mối đe dọa của “lá phổi xanh” trong thành phố. 
Tiến sỹ văn học Đoàn Hương chia sẻ: “Hồi bé chúng tôi đi học trên phố Hà Nội không phải đội mũ nón mà vẫn chẳng biết nắng là gì bởi những hàng cây xanh mướt mát. Và trong mắt chúng tôi, hàng cây xanh trước nhà là hàng cây đẹp nhất. Ở dưới những hàng cây ấy là những nụ hôn đầu tiên, tinh khiết và chan chứa những kỉ niệm của một thời tuổi trẻ. Phải mất cả mấy chục năm trời, thậm chí cả trăm năm mới trồng được một cây cổ thụ như vậy, bỏ đi rồi môi trường Hà Nội sẽ ra sao?”.
Dường như có quá nhiều điều tiếc nuối trong tâm hồn mỗi người dân Hà Nội khi những hàng cây ngã xuống. Bởi có nhiều người, họ không thể rời xa con phố cũ vì quá yêu những hàng sao đen, những hàng cây quen thuộc. Và không biết có phải vì quá yêu mảnh đất này mà những nhà dự án luôn muốn khoác lên cho Thủ đô những tấm áo màu mè, mang hình khối, bê tông đô thị đầy khói bụi, thích những gì nhân tạo hơn là tự nhiên? U.N
Chặt bằng lăng rồi lại trồng bằng lăng?
Như rất nhiều người Hà Nội khác, ông Hải (ngõ 69 Nguyễn Thái Học) bàng hoàng: “ Hôm qua tôi đi vắng cả ngày, chiều về giật mình thấy cả đoạn đường tan hoang, cày xới như thời chiến. Cây bàng mấy chục năm tuổi trước cửa nhà có những tán lá đỏ rất đẹp cũng bị chặt hạ. Mấy chục năm nay, con đường này cứ đến mùa hè là rực đỏ hoa phượng. Hà Nội rồi sẽ chẳng còn những con đường thân quen đặc trưng hoa phượng, hoa bằng lăng nữa… Chúng tôi không biết thế nào là đúng chủng loại cây đô thị, nhưng chặt xong một cây bằng lăng trên đường Kim Mã, người ta trồng lại y chang một cây bằng lăng khác thì thật lạ”.

Đọc thêm