Hà Nội buông lỏng quy định lắp thiết bị giám sát

“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn Hà Nội chỉ lắp thiết bị giám sát hành trình để đối phó, mà không có bất cứ tác dụng gì trong việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện giao thông” –Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết.

“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn Hà Nội chỉ lắp thiết bị giám sát hành trình để đối phó, mà không có bất cứ tác dụng gì trong việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện giao thông” –Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội khẳng định qua đợt kiểm tra hàng loạt các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Nhiều thiết bị giám sát hành trình được gắn trên xe không hoạt động
Nhiều thiết bị giám sát hành trình được gắn trên xe không hoạt động

Theo như kết quả kiểm tra tại Công ty CP xe khách Hà Nội, các thiết bị giám sát (còn gọi là hộp đen) chỉ lắp để “che mắt” cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, 32/32 thiết bị gắn trên xe đều không theo dõi, trích xuất được thông tin theo quy định. Công ty cũng chưa thực hiện cập nhật, lưu trữ thông tin bắt buộc từ thiết bị. Sau khi khắc phục những tồn tài của thiết bị giám sát hành trình, tiến hành kiểm tra lại đơn vị vận tải này vẫn không trích xuất được thông tin của 25 xe về lái xe theo quy định. Công ty cũng không có sổ quản lý, lưu giữ thông tin của thiết bị giám sát hành trình của các xe hoạt động vận tải khách liên tỉnh.

Vi phạm không chỉ ngừng ở đó, vào thời điểm kiểm tra lực lượng thanh tra còn phát hiện 11 chiếc xe ô tô khách mà Công ty CP xe khách Hà Nội thuê của các cá nhân, doanh nghiệp nhưng không quản lý, sử dụng làm phương tiện kinh doanh vận tải mà chỉ đứng ra làm thủ tục pháp lý (xin tuyến, xin cấp phù hiệu, hợp đồng dịch vụ với bến xe...).

Tại Công ty CP xe khách Thanh Xuân,  thiết bị giám sát hành trình được gắn trên 12 xe cũng không hoạt động, không theo dõi, trích xuất được thông tin về lái xe theo quy định. Thiết bị không trích xuất được thông tin bắt buộc. Tại Công ty cũng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh việc khai thác, quản lý thông tin qua thiết bị giám sát hành trình. Sau quá trình thanh tra của Sở GTVT thì công ty này mới đưa thiết bị giám sát hành trình vào khai thác.

Cũng mắc nhiều sai phạm khi công ty CP xe khách Thanh Xuân không ký hợp đồng lao động cho lái xe, xe khách không có nhân viên phục vụ. Và chỉ khi bị kiểm tra mới “hoàn thiện” hợp đồng lao động.

Còn tại Công ty cổ phần đầu tư Vinamotor vào thời điểm kiểm tra, 67/67 thiết bị giám sát hành trình gắn trên phương tiện không theo dõi, trích xuất được thông tin. Công ty cũng chưa cập nhật, lưu trữ thông tin bắt buộc từ thiết bị theo quy định. Sau đó, công ty này cũng đã khắc phục và thiết bị giám sát hành trình mới trích xuất được thông tin theo quy định..

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng phát hiện 8 xe Công ty cổ phần đầu tư Vinamotor do cá nhân góp vốn kinh doanh nhưng không quản lý, không điều hành mà giao thẳng cho cá nhân quản lý, sử dụng và hàng tháng chủ xe thực hiện nghĩa vụ tài chính cho công ty. Ngoài ra, công ty này còn có 24 xe do công ty thuê để kinh doanh vận tải hành khách nhưng trong thực tế chỉ đứng tên “lo” giấy tờ.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Hưng Thành, Sở GTVT cho biết, có 38/38 thiết bị theo dõi, trích xuất được thông tin về lái xe; 21/38 thiết bị không theo dõi, trích xuất được thông tin về số lần đóng, mở cửa xe theo quy định. Tại công ty cũng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh việc khai thác, quản lý thông tin trên thiết bị giám sát hành trình. Công ty này cũng chưa thực hiện cập nhật, lưu trữ các thông tin bắt buộc theo quy định.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, qua các đợt thanh kiểm tra về việc lắp đặt và khai thác thiết bị giám sát hành trình của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội cho thấy hầu hết các thiết bị giám sát hành trình đều không theo dõi, trích xuất được thông tin và cập nhật, lưu trữ thông tin bắt buộc từ thiết bị theo quy định.

Sơn Bình

Đọc thêm