Chứng cứ rõ ràng
Trong đơn phản ánh tới báo PLVN, ông Nguyễn Lê Lực (trú tại xóm 1, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) cho biết, khu vực đất của gia đình ông có một ngõ đi chung. Mảnh đất của gia đình nhà ông nằm cuối ngõ. Ngoài gia đình ông còn có gia đình ông Vũ Đình Thiện (hiện đang là Bí thư chi bộ thôn) cũng sử dụng ngõ đi này.
Là hàng xóm láng giềng, việc sử dụng ngõ đi chung này suốt một thời gian dài không có vấn đề gì xảy ra nếu ông Thiện không bất ngờ xây cổng gia đình, bít một phần của ngõ đi, biến đất công thành đất riêng. Điều này không chỉ trái pháp luật, xâm phạm lợi ích công cộng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình ông Lực.
Ông Lực cho biết: "Thấy việc vô lý, gia đình chúng tôi đã nhiều lần sang nói chuyện, yêu cầu ông Thiện tự ý phá dỡ nhưng không thành. Tôi đã nhiều lần trình bày với chính quyền địa phương, UBND xã nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết".
Cụ thể, theo GCN QSDĐ số AL 634912 do UBND huyện Thường Tín cấp ngày 31/12/2007, cấp cho ông Lực và các anh em của mình gồm 4 thửa đất lần lượt là 55+61+69+70 thuộc tờ bản đồ số 1 có diện tích 1887m2. Trong hình ảnh sơ đồ thửa đất có thể hiện rõ hình ảnh một lối đi chung đi vòng phía sau thửa đất số 69.
|
Trích lục bản đồ các năm 1984, 1993 và sơ đồ thửa đất của gia đình ông Lực được cấp 2007 |
Phóng viên gặp bà Vũ Thị Phượng (71 tuổi, người dân xóm 1), sống tại địa phương từ khi còn nhỏ tuổi. Bà Phượng cho biết: "Ngày bé còn đi chăn trâu, cắt cỏ nên lối đi chung đó làm sao tôi không biết. Lối đi ấy có thể kéo xe bò đi được, hai bên có hai cái ao, một của nhà ông Hoàn, một của nhà ông Thực (ông nội của ông Lực - PV). Tôi không là họ hàng với nhà ai cả nên có sao tôi nói vậy, lối đi chung đó tồn tại từ lâu, trước khi ông Thiện về làm rể đất này ".
Tại sao không thể giải quyết?
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Nhật Cường (Phó Chủ tịch UBND xã Chương Dương).
Ông Cường nói: "Thú thực đây là việc đau đầu của địa phương chúng tôi, cán bộ không chấp hành lại là Đảng viên, Bí thư chi bộ của thôn nên dù đã rất nhiều lần mời anh Thiện lên Ủy ban tiến hành hòa giải và phân tích nhưng đều không thành công".
Ông Cường cung cấp cho phóng viên một loạt các giấy tờ, văn bản liên quan đến vụ việc.
Trong số các văn bản ông Cường cung cấp, đáng chú ý là hai trích lục bản đồ năm 1984 và năm 1993 của UBND xã Chương Dương đều thể hiện có lối đi chung, đúng như GCN QSDĐ của gia đình ông Lực thể hiện. Bà Luyến cho biết: "Trong trích lục bản đồ năm 1993, gia đình ông Vũ Đình Thiện có hai thửa đất số 60 và 68, thửa đất số 60 đã được cấp giấy CNQSDĐ ó cũng thể hiện việc có một lối đi chung".
|
Trích lục bản đồ các năm 1984, 1993 và sơ đồ thửa đất của gia đình ông Lực được cấp 2007 |
Trong khi đó, gia đình ông Thiện cho rằng, lối đi chung này của gia đình ông bởi trước đó, ông Thiện đã mua lại của ông Nguyễn Đình Thực bằng giấy viết tay vào ngày 15/10/1996 với diện tích 394m2, vốn là đất ao với giá 2 triệu đồng. Trước đó, mảnh đất này ông Thực mua lại của ông Lê Tăng Lý vào năm 1954 bằng văn bản điểm chỉ.
Biên bản hòa giải mới nhất ngày 14/4/2017. Tại cuộc hòa giải do UBND xã Chương Dương chủ trì còn có ông Nguyễn Thông Toản (Phó Chánh thanh tra huyện Thường Tín); ông Từ Đức Mạnh (Phó Phòng tài nguyên và môi trường huyện Thường Tín).
Ông Mạnh nêu quan điểm: "Cần phải xác minh giấy tờ mua bán trước năm 1954 giữa ông Tăng và ông Thực xem đã được công nhận quyền sở hữu không, giấy tờ mua bán có ai là người liền kề chứng kiến không và căn cứ vào bản đồ, GCN QSDĐ để giải quyết. Các bên cần nghiên cứu kỹ phần nào thuộc sử dụng của gia đình mình, phần nào thuộc ngõ đi chung để có thỏa thuận".
Ông Cường cung cấp thông tin: "Chính quyền xã đã thành lập tổ công tác tiến hành đo đạc và xác minh ngõ đi chung căn cứ vào hiện trạng và các giấy tờ có liên quan. Chúng tôi khẳng định gia đình ông Lực sử dụng đúng diện tích được cấp theo giấy CNQSDĐ. Thế nhưng gia đình ông Thiện lại không hợp tác với tổ công tác".
|
Trích lục bản đồ các năm 1984, 1993 và sơ đồ thửa đất của gia đình ông Lực được cấp 2007 |
Tại báo cáo số 120/BC-UBND của UBND huyện Thường Tín ngày 5/4/2017 về việc giải quyết tranh chấp ngõ đi chung do ông Nguyễn Sỹ Tuyến (Phó Chủ tịch UBND huyện) ký, ghi rõ: "Theo bản đồ đo đạc năm 1993 thể hiện nguồn gốc đối với diện tích ngõ đi chung giữa gia đình ông Nguyễn Lê Lực và gia đình ông Vũ Đình Thiện là đất ngõ đi chung.
Diện tích đất nhà ông Thiện đang sử dụng có nguồn gốc là nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Đình Thực năm 1996 (chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định), thửa đất này chưa được cấp giấy CNQSDĐ; diện tích đất nhà ông Lực đang sử dụng đã được cấp giấy SNQSDĐ.
Vị trí ngõ đi chung trước đây vẫn được hai gia đình sử dụng làm ngõ đi chung. Khoảng 10 năm trở lại đây do gia đình ông Lực sử dụng ngõ đi khác nên ông Thiện tự ý làm lại ngõ đi và xây dựng cổng làm lối đi... Vài năm trở lại đây, gia đình ông Lực có nhu cầu sử dụng lại ngõ đi chung trước đây và đã xảy ra mâu thuẫn như hiện nay. Dù đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành".
Cũng tại báo cáo này, UBND huyện Thường tín chỉ đạo UBND xã Chương Dương tiếp tục tiến hành hòa giải, tuyên truyền đối với ông Thiện. Trường hợp không thể giải quyết được nữa thì hướng dẫn công dân kiện ra tòa án cùng cấp.
Vụ việc lấn chiếm ngõ đi chung thành đất riêng tại xã Chương Dương có nguy cơ phức tạp thêm nếu căn cứ theo hướng dẫn và chỉ đạo của UBND huyện Thường Tín. Trong khi đó, việc giải quyết hoàn toàn nằm trong thẩm quyền và trách nhiệm của UBND huyện Thường Tín và UBND xã Chương Dương khiến dư luận không đồng tình và cho rằng "né" trách nhiệm giải quyết vụ việc.
|
Trích lục bản đồ các năm 1984, 1993 và sơ đồ thửa đất của gia đình ông Lực được cấp 2007 |
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
(Liên quan đến nội dung phản ánh những sai phạm của trang thương mại điện tử Chiaki.vn đã phản ánh trong số báo 507, báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin trong thời gian tới)
Đây không phải là tranh chấp đất đai
Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Qua xem xét các giấy tờ mà UBND xã Chương Dương cung cấp cho báo, rõ ràng, lối đi chung được thể hiện trên các giấy tờ pháp lý cũng như căn cứ vào nguồn gốc, đo đạc qua các thời kỳ của địa phương. Việc chính quyền đẩy vụ việc sang phía tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý và giải quyết vụ việc là việc làm "né" trách nhiệm vì tòa án không có thẩm quyền.
Bản thân gia đình ông Lực không hề lấn chiếm đất công mà sử dụng ngõ đi chung đó cùng với gia đình ông Thiện nên không thể coi đó là tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 203 của Luật Đất đai được. Việc ông Thiện bịt kín một phần ngõ đi chung đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt cũng như quyền sử dụng ngõ đi chung của gia đình ông Lực đã quá rõ ràng. Đây là hành vi lấn chiếm đất công của ông Thiện chứ không phải tranh chấp đất đai.
Ở đây, UBND hai cấp huyện và xã hoàn toàn có thể căn cứ vào các yếu tố pháp lý làm cơ sở tiến hành tháo dỡ công trình lấn chiếm đất công, vốn vi phạm Luật Đất đai năm 2014 ở các Điều 12 (Các hành vi bị nghiêm cấm); Điều 118 (Phá dỡ công trình xây dựng), ngoài ra người vi phạm còn bị phạt tiền, khắc phục hậu quả khi căn cứ vào Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.