Hà Nội: Doanh nghiệp bị xử ép, hàng trăm người lo mất việc

(PLO) - Mặc dù chưa có cầu cảng để 5 công ty đang kinh doanh khai thác trên du thuyền tại số 2 - số 10 Thụy Khuê chuyển về Đầm Bảy (Nhật Tân) nhưng nhiều cơ quan của TP Hà Nội đã vội vàng ra quyết định đình chỉ hoạt động khiến hàng trăm lao động lo lắng bị mất việc…

Cuối năm 2001, UBND TP Hà Nội có quyết định chuyển doanh nghiệp Nhà nước bộ phận Du thuyền Hồ Tây thành công ty cổ phần. Từ 2 công ty ban đầu, về sau có thêm 3 công ty thành viên nữa cùng tham gia hoạt động kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, dịch vụ du lịch – văn hóa – biểu diễn nghệ thuật- thể thao… ở khu vực Thụy Khuê.

Ngày 12/5/2008, Các Doanh nghiệp đã thực hiện di dời lần thứ nhất từ vị trí trục Đường Thanh Niên về địa điểm mới tại Số 02 - số 10 Đường ven hồ Thụy Khuê. Đây là địa điểm được UBND Quận Tây Hồ thỏa thuận địa điểm và được Sở GTVT TP Hà Nội cấp Giấy phép hoạt động Bến thủy nội địa với thời hạn 01 năm (theo Quy định quản lý về Giao thông đường thủy thì khi hết hạn sẽ được gia hạn, như việc Sở GTVT TP Hà Nội đã gia hạn cho các doanh nghiệp các năm trước đây).

Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2010 – 2011, Sở GTVT Hà Nội không cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho các doanh nghiệp kinh doanh trên Hồ Tây nữa. Lý do mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra là thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc các đơn vị kinh doanh trên Hồ Tây ngoài giấy phép của Sở KH- ĐT thì cần phải có giấy phép con do UBND quận Tây Hồ cấp.

Ông Phương Năng Thắng, GĐ Cty TNHH du thuyền Hồ Tây

“Sau khi nhận được thông báo, các đơn vị đều đến quận Tây Hồ để làm thủ tục xin cấp phép. Tuy nhiên, phía quận cho biết là chưa có hướng dẫn của thành phố nên không thể cấp giấy phép được. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, chúng tôi bị mang tiếng là hoạt động không phép”, ông Phương Năng Thắng, giám đốc Công ty TNHH du thuyền Hồ Tây cho biết.

Cũng theo ông Thắng, ngày 20/6/2016, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cùng Cảnh sát Giao thông Đường thủy đã lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép để di chuyển toàn bộ tàu thuyền ra Đầm Bảy (Nhật Tân).

Việc di chuyển vị trí, các doanh nghiệp ở đây hoàn toàn chấp hành, tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ là tại bến mới chưa có cơ sở hạ tầng, cầu dẫn… nên nếu di chuyển đến đây thì cũng chưa thể hoạt động ngay được.

“Chính việc yêu cầu dừng hoạt động để di chuyển đến nơi mới nhưng chưa thể đi vào hoạt động đã khiến hàng trăm người lo lắng mất việc. Theo ước tính của tôi, 5 công ty đang hoạt động ở đây tạo việc làm cho khoảng 500 lao động. Giờ dừng hoạt động, không chỉ doanh nghiệp mà đời sống của hàng trăm người làm việc ở đây cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Thắng bày tỏ.

Tìm hiểu của phóng viên, để hoàn thiện hạ tầng, xây dựng cầu dẫn tại khu vực Đầm Bảy, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất hai phương án là thành phố giao cho quận Tây Hồ ứng vốn ra xây dựng hoặc cho xã hội hóa, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra xây nhưng hiện nay thành phố vẫn chưa quyết định thực hiện theo phương án nào.

Chính vì những vướng mắc này, Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây (là Công ty thành viên của Công ty CP dịch vụ Hồ Tây); Công TNHH Nhuận Mai; Công ty Cổ phần Sông POTOMAC (là Công ty thành viên của Công ty CP dịch vụ Hồ Tây) đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung và nhiều cơ quan đơn vị mong được: Sớm bàn giao địa điểm cụ thể cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp di chuyển; Giao thiết kế cầu bến đã được phê duyệt để doanh nghiệp thi công thực hiện;Quy hoạch khu vực đầm bảy đồng bộ và bền vững (gồm Xây dựng đường điện 3 pha phục vụ sản xuất, đường nước sạch, có bãi đỗ xe tập trung để các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện kinh doanh và phục vụ khách du lịch đến tham quan Hồ Tây..).

Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần sớm đưa ra phương án về vị trí, cũng như xây dựng cầu cảng để các doanh nghiệp di chuyển ra chỗ mới có thể hoạt động, kinh doanh trở lại. Tránh việc kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hàng trăm lao động làm việc tại đây.