Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, 6.000 tỷ đồng hàng hóa sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.
“Hậu cần” hàng Tết
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự kiến nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng phục vụ Tết sẽ tăng từ 20 – 25% so với các tháng bình thường trong năm. Ước tính, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân trên địa bàn thành phố hàng tháng là gạo khoảng 65.000 tấn, thịt lợn khoảng 10.000 tấn lợn hơi, thịt gà khoảng 3.500 tấn, trứng gà, vịt khoảng 75 triệu quả, thủy hải, sản đông lạnh khoảng 4.500 tấn, thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm khoảng 4.000 tấn, dầu ăn khoảng 4,8 triệu lít, đường RE khoảng 3.000 tấn, rau củ tươi khoảng 75.000 tấn.
Trong chương trình bình ổn giá kéo dài từ tháng 7/2012 đến tháng 4/2013, các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa tương ứng với 376 tỷ đồng, với cam kết đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu, mở rộng mạng lưới bình ổn giá thị trường, đặc biệt trong dịp Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng bia rượu, bánh mứt kẹo, gia vị các loại phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Nhìn chung, ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng. Với lượng hàng hóa trên, Sở Công Thương khẳng định sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đối với thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, thì năm nay nguồn cung đã được đảm bảo. Đặc biệt, thời gian qua do việc tăng cường thanh kiểm tra của các lực lượng chức năng, đến nay chợ Hà Vĩ (chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc), không còn kinh doanh gà nhập lậu. Hiện mỗi ngày có khoảng 7 - 8 tấn gà được các doanh nghiệp thu mua tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đưa về Hà Nội phục vụ người dân.
Xử lý nghiêm nạn “cân điêu, tăng giá vô tội vạ”
Được biết, thời gian qua, đoàn liên ngành gồm Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra đối với 12/25 DN tham gia bình ổn giá trên địa bàn về việc sử dụng nguồn vốn được tạm ứng, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá và giá bán hàng hóa dịp cận Tết, kết quả bước đầu cho thấy phần lớn các DN thực hiện nghiêm các quy định của UBND thành phố. Chỉ có 01 DN vi phạm về việc chưa đăng ký giá mặt hàng sữa trẻ em, 01 DN bị phạt do vi phạm giá bán mặt hàng trứng gia cầm..., tổng số tiền phạt là 70 triệu đồng.
Thêm nữa, thông tin cho giới truyền thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính tiết lộ, Cục đã báo cáo Bộ thành lập các đoàn đi nắm bắt, kiểm tra thị trường vào cuối năm và dịp trước Tết Quý Tỵ, dự kiến sẽ kiểm tra cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, Cục Quản lý Giá sẽ phối hợp với các ban, ngành khác để nắm bắt tình hình điều phối cung – cầu cũng như nắm tình hình dự trữ hàng hóa để thực hiện bình ổn giá và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, ra Giêng - những ngày sau Tết, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát giá cả thị trường chặt chẽ, bởi lẽ, đây cũng là thời điểm nóng không kém và có khả năng giá cả còn tăng cao hơn trước Tết. Bởi thế, ông Tuấn khẳng định, phía cơ quan quản lý sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra để ổn định mặt bằng giá cả, nhất là mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, riêng biến động giá đối với mặt hàng trứng vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang làm việc với các doanh nghiệp cung cấp. Nếu doanh nghiệp có thị phần trên 30% nhưng tăng giá trứng bất hợp lý sẽ bị xử phạt nghiêm. |
Mai Hoa