PLVN nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Kiến (SN 1938, trú tại tổ 12, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) phản ảnh việc bà là nguyên đơn trong một vụ án kéo dài tới đã 20 năm nay, bị đơn không ai khác chính là chị gái ruột của bà – Nguyễn Thị Viễn.
Năm 1994, bà Viễn bắt đầu đệ đơn ra Tòa khởi kiện đòi chia quyền thừa kế thửa đất 307m2 tại tổ 12, phường Gia Thụy là tài sản do mẹ 02 người để lại.
Cho rằng thửa đất là tài sản của mẹ bà nên theo Luật thừa kế bà được chia tài sản và năm 1994, bà Viễn đệ đơn khởi kiện ra tòa. Qua nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, các bản án đều chấp nhận đơn khởi kiện của bà Viễn vì cho rằng thửa đất có diện tích 307m2 thuộc tài sản của bà Hữu.
Thửa đất (khoanh hồng) đều mang tên bà Kiến. |
Chính vì lẽ đó, các cơ quan xét xử quyết định chia thửa đất làm 3 phần, bà Kiến 2 phần và bà Viễn 1 lần. Tuy bản án đã có hiệu lực gần 20 năm nay nhưng vẫn không được thực thi vì gia đình bà Kiến vẫn tiếp tục kêu oan.
Trong quá trình 02 gia đình tranh chấp đã xảy ra một vụ án hình sự đau lòng. Đó là thời điểm 2004, trong khi 02 gia đình đang cãi nhau chuyện thửa đất thì bất ngờ con rể của bà Viễn bị 02 người con trai của bà Kiến đâm trọng thương dẫn đến tử vong. 02 người con trai của bà Kiến phải nhận 01 bản án chung thân và 01 bản án 10 năm.
Phóng viên PLVN đã có buổi làm việc với UBND phường Gia Thụy để làm rõ nguồn gốc của thửa đất có tranh chấp.
Ông Đặng Trần Phú – Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế đô thị phường Gia Thụy cho biết, hồ sơ mà kho lưu trữ của UBND phường Gia Thụy cho thấy thửa đất đang tranh chấp (diện tích 307m2, số thửa 449, tờ bản đồ số 4) có 02 loại giấy tờ gốc là bản đồ địa chính (đo vẽ năm 1991) và sổ mục kê (năm 1993) đều đứng tên chủ sử dụng là bà Kiến. Không có bất cứ tài liệu nào thể hiện thửa đất số 449 là thuộc quyền sử dụng của bà Hữu.
Ngày 03/2/1994, UBND huyện Gia Lâm dựa trên hồ sơ sử dụng đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Kiến. Trong các bản án của Tòa án cũng không nêu rõ căn cứ pháp lý để xác định đây là tài sản của cụ Hữu để lại mà chủ yếu dựa vào lời khai nhân chứng.
Tòa xét xử trái thẩm quyền?
Kể từ khi bà Kiến được cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tháng 2/1994) thì phải mất 07 năm sau, bà mới nhận được UBND xã Gia Thụy bàn giao vào ngày 26/2/2001.
Như vậy, trong suốt quá trình Tòa xét xử, lấy lời khai … (từ 1994 đến năm 2001) bà Kiến cũng không hề hay biết mình đã được Nhà nước cấp “sổ đỏ” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Không chỉ bà Kiến mà trong các bản án từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm các cơ quan tố tụng cũng không hề nhắc đến tình tiết bà Kiến được UBND huyện Gia Lâm cấp GCNQSDĐ ngày 03/2/1994.
Ông Phú cung cấp tài liệu cho phóng viên. |
Việc cấp GCNQSDĐ là một tình tiết cực kỳ quan trọng vì nó quyết định thẩm quyền giải quyết thuộc cấp nào nhưng tại các bản án lại không được nhắc đến và dường như các cơ quan tố tụng cũng không hề hay biết là bà Kiến đã được cấp GCNQSDĐ tháng 2/1994. Điều 38, Luật Đất đai 1993 quy định: “2- Các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì do Uỷ ban nhân dân các cấp giải quyết…; 3- Các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do Toà án giải quyết”.
Như vậy, cả đương sự và các cơ quan tiến hành xét xử đều không hề hay biết thửa đất đã có sổ đỏ mà lại đưa vụ án ra xét xử thì có “trái thẩm quyền”, bởi nếu chưa được cấp sổ đỏ thì thẩm quyền giải quyết phải là UBND các cấp?
Tại bản án mới nhất ngày là Bản án số 272/PTDS ngày 07/10/1996 của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cũng chỉ ghi: Năm 1991, Sở quản lý ruộng đất và đo dạc bản đồ về đo kiểm tra để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân xã Gia Thụy… Hộ gia đình bà Kiến đang có tranh chấp nên UBND xã đã dừng lại chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Kiến”. Không hề nhắc đến việc bà Kiến đã được cấp GCNQSDĐ.
Không chỉ trái thẩm quyền mà trong quá trình thi hành bản án, UBND huyện Gia Lâm lại làm một quy trình không bình thường. Theo quy định của pháp luật, khi bản án có hiệu lực thì UBND huyện Gia Lâm phải có quyết định thu hồi, hủy bỏ và cấp lại GCNQSDĐ. Tuy nhiên, UBND huyện Gia Lâm lại giữ “sổ đỏ” của người dân trong vòng 07 năm, khi người dân nhận được sổ thì lại thấy ghi thêm phần thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận: “Thửa số 449, tờ số 04 có diện tích 307m2 thôn Gia Thụy, xã Gia Thụy. Chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị Kiến đã chuyển quyền sử dụng 100m2 sang cho bà Nguyễn Thị Viễn theo bản án phúc thẩm dân sự số 272/PTDS ngày 07/10/1996 của TAND TP.Hà Nội, còn lại 207m2”.
Với phần nội dung thay đổi trên của UBND huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên), bà Kiến cho rằng: “GCNQSDĐ mà Nhà nước cấp cho tôi với diện tích 307m2 vẫn còn nguyên giá trị vì chưa bị hủy bỏ và UBND huyện không có quyền tự ý chuyển nhượng diện tích thửa đất sang cho người khác”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Trần Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy cho biết: năm 2004, UBND phường mới được thành lập và tiếp nhận hồ sơ thửa đất của gia đình bà Kiến. Trong hồ sơ thửa đất có 02 loại giấy tờ lâu nhất là bản đồ địa chính (1991), sổ mục kê (1993) đều đứng tên chủ sử dụng đất là bà Kiến. Hồ sơ để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Kiến, hiện UBND phường không được bàn giao.
"Đáng lẽ ra, sau khi bản án có hiệu lực thì UBND huyện phải thu hồi, hủy và cấp 02 giấy chứng nhận tách riêng thì không dẫn đến sự rắc rối như bây giờ. Việc sổ đỏ vẫn đứng tên bà Kiến là một mấu chốt của vụ việc này. Không thể khẳng định tất cả vụ án Tòa xét xử đều đúng cả. Trách nhiệm của phường hiện nay là đảm bảo tình hình an ninh trật tự chứ không có trách nhiệm giải quyết tranh chấp...". ông Phú cho biết.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.