Người viết di chúc lên đá để lại tài sản cho trẻ mồ côi

(PLO) - Dành trọn cái tâm cho trẻ mồ côi, người tâm thần, lang thang cơ nhỡ, ông Châu đã khắc tâm nguyện lên đá, để lại toàn bộ ngôi nhà cho những "chủ nhân thực sự".
Ông Châu bên bản di chúc đặc biệt ngay cổng cơ sở mồ côi
Ông Châu bên bản di chúc đặc biệt ngay cổng cơ sở mồ côi
Thương những người sống lang thang, người mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi khắp nơi lẫn trẻ mồ côi vật vạ dọc đường, ông Trần Châu (60 tuổi, ngụ thôn La Vang, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) phát tâm chữa bệnh miễn phí. 
Xây nhà cưu mang người lang thang  
Ông Châu nhớ lại, hồi năm 1995 nhiều lần chứng kiến cảnh những người sống lang thang xin từng miếng bánh rất thương tâm. Đáng thương nhất là người mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi phải ăn nằm vật vạ bên lề đường. Trong lúc đó gia đình ông Châu sở hữu bài thuốc nam gia truyền chuyên trị chứng bệnh tâm thần: 
“Tôi đem họ về nhà chữa trị theo phương pháp gia truyền. Nhiều người khỏi bệnh quay lại trả ơn. Họ cho tôi tổng cộng 30 triệu đồng. Cách đây 20 năm, số tiền này rất giá trị. Tôi tự nhủ không được dùng tiền vào việc cá nhân nên đem tặng chính quyền địa phương để giúp đỡ người sống lang thang. Nhưng người ta không nhận, tôi mới dùng khoản tiền đó xây căn nhà nhỏ, sắm thêm chăn màn cho những người lang thang, ăn xin đến ngủ nhờ”, ông Châu trải lòng. 
Xây nhà xong, ông Châu lần nữa bàn bạc nhượng lại căn nhà cho chính quyền quản lý. Nhưng chính quyền không nhận do vướng mắc cơ chế. Rồi từ đó, ông Châu “bất đắc dĩ” gắn bó với cơ sở từ thiện do mình lập ra. Điểm chung là những người đến cơ sở ông Châu nương nhờ hầu hết mắc bệnh lý về thần kinh. Ngoài đối tượng mắc bệnh về thần kinh, những trẻ em mồ côi sống cơ nhỡ cũng được ông Châu đưa về cưu mang. 
Để có đủ thuốc chữa trị cho người bệnh, ông Châu trực tiếp lên núi để tìm rễ cây, lá thảo dược đem về bào chế thuốc. “Trước tiên cần chọn đúng thảo dược. Tất cả rễ, lá cây tươi đem phơi khô rồi mới bào chế thuốc thành dạng lỏng. Bài thuốc phải chính xác liều lượng từng vị mới đem lại hiệu quả”, ông Châu nói. Trường hợp bệnh nhân khó tiếp cận, phải trộn thuốc vào cơm cho ăn. Người chăm phải dùng tình thương, lời nói nhẹ nhàng để gần gũi, làm thân từ từ.
Với kinh nghiệm thực tế, ông Châu nói: “Người mắc bệnh thần kinh phải được kiềm tính nóng trong bản thân họ. Ví dụ như cho người bệnh ngủ dưới nền nhà, nằm ngủ nơi thoáng mát. Trong ăn uống không được nêm gia vị có tính nóng, không cho ăn mắm mà phải cho ăn nhiều rau xanh. Buổi sáng cần cho phơi nắng, tập thể dục theo sở thích. Có thể cho người bệnh nghe nhạc nhưng tuyệt đối không cho xem phim quá nhiều”. 
Tại cơ sở của mình, ông Châu thường mời các đội văn nghệ về biểu diễn cho người bệnh giải trí. Trong khuôn viên, ông chú trọng nuôi động vật, trồng nhiều cây cảnh nhằm gây tò mò, gợi trí nhớ giúp người bệnh sớm hồi phục. 
Lén cắm sổ đỏ lấy tiền nuôi cơ sở từ thiện
Nhận thấy cách thức điều trị bệnh thần kinh của ông hiệu quả cao, nhất là bài thuốc nam gia truyền, nhiều đoàn thể và cá nhân đến ngỏ ý xin công thức. Tuy nhiên ông Châu chưa từng phổ biến bài thuốc gia truyền với bất kì ai. Ông giải thích không phải bởi ích kỉ mà lo sợ kẻ xấu sử dụng bài thuốc mưu lợi cá nhân. Thậm chí ngay cả con ruột mình, ông nói: 
“Tôi có hai người con trai, hai người con gái. Nay đã ổn định công việc, gia đình cả rồi. Vợ tôi muốn truyền nghề thuốc cho con trai nhưng tôi xét thấy hai con không có hứng thú với nghề, lo lắng chúng đem bài thuốc vào mục đích làm kinh tế nên vẫn bỏ ngỏ”.
Khu vực chôn cất những người từng được cưu mang
 Khu vực chôn cất những người từng được cưu mang 
Trở lại quá trình xây dựng nhà cơ nhỡ, từng có thời điểm quá nhiều người đi ăn xin và bán vé số tới, ông không muốn ai phải đi ăn xin nữa. Nhưng không để họ ra đường, ông phải nuôi. Lấy tiền từ đâu để nuôi trong khi vợ chồng ông công tác tại trường học, đồng lương ít ỏi? 
“Bài toán” khiến ông đau đầu nhiều đêm liền, vợ chồng cãi cọ. Tình thế buộc phải tự xoay xở, ông tìm đến các đại lý gạo mua sỉ rồi đi đến từng nhà dân bán lại. Biết mục đích việc ông làm, ai nấy mua ủng hộ. Ông còn đi mua hoá chất về pha chế nước rửa chén bán lẻ tạo thu nhập. Về sau, ông truyền nghề tạo công ăn việc làm cho mọi người. Những người từng nương nhờ sau khi lành bệnh, ổn định cuộc sống, thường quay lại giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều Mạnh Thường Quân nghe tiếng cũng đến ủng hộ, góp phần xây dựng ngôi nhà ngày càng khang trang như bây giờ.
Bản di chúc bằng đá đặc biệt
Linh động hơn, ông Châu cải tạo 2 hecta đất để nuôi cá, gà, trồng rau màu nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Mấy năm gần đây, từng có lúc kinh tế quá khó khăn, ông Châu đánh liều giấu vợ lấy sổ đỏ gia đình đem thế chấp  ngân hàng lấy tiền trang trải hoạt động của cơ sở. “Sau này bà ấy có biết nhưng mọi chuyện đã rồi. Vả lại cũng trả xong nợ, đem sổ về trả gia đình nên không có chuyện gì nghiêm trọng”, ông Châu kể. 
Tại cơ sở mồ côi Trần Châu hiện có 78 trường hợp đang được nuôi dưỡng, chủ yếu là người lớn tuổi, trong đó những người mắc bệnh lý về thần kinh chiếm 90%, một số trẻ em mắc bệnh bại liệt. Ông Tôn Thất Mỹ (SN 1955, quản lý cơ sở mồ côi Trần Châu) dắt khách ra thăm những mộ phần của những người từng được cưu mang. Khu nghĩa địa có khoảng 30 mộ phần lớn nhỏ nằm tách thành khu riêng trong nghĩa trang địa phương. Những người an nghỉ tại đây đều không có người thân đến hương khói. Họ tắt thở trong vòng tay của ông Châu và những người cùng cảnh ngộ. 
Bản thân ông Mỹ cảm phục việc làm của ông Châu nên sau khi về hưu tình nguyện đến trung tâm mồ côi làm việc. Quản lý trại mồ côi cho biết thêm, không chỉ lo cái ăn, chỗ ở cho những người cư ngụ trong cơ sở của mình, ông Châu còn sẵn sàng giúp đỡ những gia cảnh nghèo khó ở địa phương. 
Điểm ấn tượng với những ai từng đến thăm cơ sở Trần Châu đó là bản di chúc được khắc thành bia ngay cổng. Trên nền đá đen, những dòng chữ trắng lay động lòng người: “Tôi xin thừa kế hết tài sản này cho những người già, trẻ em mồ côi và khuyết tật hiện sống ở cơ sở. Họ là chủ nhân của cơ sở mồ côi này”. 
Nhắc đến bản di chúc đặc biệt này, ông Châu nói: “Cơ sở được gây dựng từ số vốn 30 triệu  đồng. Số tiền này không phải của tôi mà do mọi người đóng góp. Tôi chỉ giúp họ quản lý còn chủ nhân thật sự chính là những mảnh đời bất hạnh kia. Sau này tôi chết đi hay không làm việc nổi nữa thì nơi đây không phải là tài sản cá nhân của tôi”../.

Đọc thêm