Vào đầu năm 2017, các Chấp hành viên của Cục THADS TP Hà Nội đã lập kế hoạch cưỡng chế THA đối với hộ gia đình bà Ch. và ông T. cùng các thành viên trong gia đình đang quản lý, sử dụng nhà, đất trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Theo nội dung Bản án và Quyết định THA, các hộ gia đình này phải trả toàn bộ nhà, đất đang sử dụng cho ông Ng. sở hữu, sử dụng. Đồng thời, ông Ng. tự nguyện thanh toán số tiền mà hộ gia đình bà Ch., ông T. đã xây dựng tại ngôi nhà này và tiền thuê nhà trong 6 tháng trị giá gần 900 triệu đồng.
Quá trình tổ chức THA, chấp hành viên đã tiến hành đầy đủ các thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật về tống đạt các văn bản, quyết định về THA; thông báo việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA cũng như giải thích quyền và nghĩa vụ THA cho các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết để thực hiện.
Tuy nhiên, gia đình bà Ch. và ông T. vẫn không tự nguyện THA trả nhà đất cho ông Ng. và cũng không đến Cục THADS TP Hà Nội để giải quyết. Trong khi đó, ông Ng. đã nộp khoản tiền này vào Cục THADS TP Hà Nội để thanh toán cho các hộ nêu trên, thông báo nhưng các hộ không làm đơn yêu cầu THA để nhận tiền.
Quá trình giải quyết THA trước khi có kháng nghị đối với Bản án, Cục THADS TP Hà Nội đã 4 lần tổ chức cho các bên đương sự thỏa thuận để tự nguyện THA nhưng không có kết quả. Để đảm bảo quyền lợi của người được THA, tính nghiêm minh của pháp luật, Cục THADS thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với hộ gia đình bà Ch. và ông T. cùng các thành viên đang ở tại ngôi nhà này.
Tuy nhiên, đến trước ngày tổ chức cưỡng chế, Cục THADS TP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng công an và chính quyền địa phương thuyết phục, vận động hộ gia đình bà Ch., ông T. và những người khác chấp hành nghĩa vụ tự nguyện THA, bàn giao nhà đất, thi hành xong dứt điểm vụ việc, không cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA.
Cũng nhờ áp dụng hiệu quả biện pháp vận động, hòa giải, tháng 9/2017, Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm đã thuyết phục các bên đương sự tự nguyện thi hành xong một trong những hồ sơ thuộc án tín dụng ngân hàng khó khăn, phức tạp với số tiền hơn 158 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi chậm THA.
Trong vụ việc này, tài sản được định giá ở mức hơn 400 tỷ đồng nhưng qua 4 lần giảm giá vẫn không có người mua. Cán bộ Chi cục THADS vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án để hạn chế tổn thất về giá trị tài sản khi bán đấu giá không thành mà phải thực hiện giảm giá các lần tiếp theo. Cứ sau mỗi lần tài sản bán đấu giá không thành, Chấp hành viên lại cùng với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục bên phải thi hành án tự nguyện nộp tiền phải thanh toán trả cho ngân hàng. Các cuộc vận động thuyết phục này gặp không ít khó khăn do sự bất hợp tác của người có tài sản và những người có liên quan.
Song, cùng với sự tận tâm, trách nhiệm của Chấp hành viên và với phương thức vận động, thuyết phục hiệu quả, các bên đương sự đã thỏa thuận thành công và nộp đủ toàn bộ số tiền phải thi hành án hơn 158 tỷ đồng trước khi thực hiện việc bán đấu giá.
Từ những vụ việc nêu trên cho thấy công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA là một trong những công tác rất quan trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình THA. Khi thuyết phục đương sự thành công, không những bảo đảm cho chấp hành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà quan trọng hơn cả là bảo đảm cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp, hài hòa.
Tuy nhiên, vận động, thuyết phục trong THADS không phải là việc dễ dàng bởi có rất nhiều trường hợp chây ỳ, lẩn tránh nghĩa vụ phải thi hành, bỏ đi địa phương khác... Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của công tác dân vận trong THADS, các cơ quan THADS Hà Nội cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, mỗi cán bộ, chấp hành viên cần chú trọng bám sát tình hình thực tiễn cơ sở để nắm bắt suy nghĩ, nguyện vọng của người phải THA, kiên trì thuyết phục đương sự tự nguyện THA. Từ đó, giúp quá trình THA được giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và công sức. Cơ quan THADS chỉ cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự không tự nguyện thi hành.
Cùng với sự tận tâm, nhiệt tình, am hiểu pháp luật của cán bộ, chấp hành viên, các cơ quan THADS cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Có như vậy, khi buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, cơ quan THADS sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ quần chúng nhân dân nên sẽ ít gây ra các sự việc phức tạp, kéo dài.