Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định thời gian qua, số ca bệnh tăng mạnh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, ông lo ngại tâm lý chủ quan, tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” khi ăn uống ở hàng, quán diễn ra nhiều nơi. Một số địa phương chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.
Vì vậy Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc đồng bộ để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND TP xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu người đứng đầu cấp quận, huyện xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; tiếp tục làm tốt việc phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tập trung nâng cao năng lực y tế quận, huyện, thị xã và cơ sở, thành lập mới các trạm y tế lưu động; đẩy mạnh điều trị F0 nhẹ, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả phường, xã, thị trấn; tiếp tục coi người dân là trung tâm, chủ thể…
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở. Ngành Y tế đẩy mạnh tiêm phủ nốt mũi 1 và mũi 2 vaccine cho người dân và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong công tác xét nghiệm, Ban Cán sự Đảng UBND TP cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mua sắm và tiếp nhận hỗ trợ về thiết bị để bố trí xét nghiệm theo khu vực, bảo đảm trả kết quả nhanh; rà soát, bàn giao các cơ sở thu dung F0 do thành phố quản lý cho các quận, huyện chưa có hoặc chưa đủ để vận hành các cơ sở này phục vụ phòng, chống dịch trên địa bàn.
Hà Nội hiện có 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình Trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà. Để hỗ trợ y tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y tham gia...
Đặc biệt lưu ý nguy cơ tập trung đông người dễ làm lây lan dịch bệnh trong dịp Lễ Noel và Tết Dương lịch 2022 sắp tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp, ngành vận động tổ chức tôn giáo nên tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn bảo đảm trang trọng.
Hà Nội cần có phương án chỉ đạo chung để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trên toàn địa bàn, nhất là tại các điểm vui chơi, nơi thường tập trung đông người vào những ngày lễ lớn. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là Công an có phương án bảo đảm an ninh trật tự, điều tiết phân luồng giao thông tránh tụ tập đông người trong dịp này.
Để chủ động chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán thật vui tươi, an toàn, ấm áp, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, chia sẻ những khó khăn với người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn, bảo đảm không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc…
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP tăng cao trong thời gian gần đây. Chỉ tính từ ngày 11/10 đến 18 giờ ngày 13/12, Hà Nội đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19. Riêng trong 8 ngày từ ngày 6-13/12 đã phát sinh thêm hơn 5.300 ca, trung bình mỗi ngày Thủ đô thêm hơn 750 ca mới. Riêng trong 13/12, số ca cộng đồng chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.
Hà Nội đang có hơn 9.000 F0 đang điều trị. Tính tới ngày 13/12, Hà Nội có gần 500 trường hợp F0 điều trị tại nhà; gần 6.000 ca điều trị tại các bệnh viện/cơ sở thu dung điều trị; số còn lại điều trị tại y tế cơ sở. Lượng bệnh nhân tăng, số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở oxy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước.