Hà Nội- Lao đao tuyển sinh ngoài công lập

Cùng chung “ hoàn cảnh” với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), các trường THPT NCL tại Hà Nội trong những năm gần đây cũng hiu hắt trong việc tuyển sinh do không đủ sức cạnh tranh với các trường công lập. Không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Cùng chung “ hoàn cảnh” với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), các trường THPT NCL tại Hà Nội trong những năm gần đây cũng hiu hắt trong việc tuyển sinh do không đủ sức cạnh tranh với các trường công lập. Không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Phụ huynh, HS… làm ngơ

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2012-2013 toàn TP có 92 trường THPT NCL đang hoạt động, chiếm gần 50% số trường THPT trên địa bàn. Tuy nhiên, số HS theo học tại các trường mới chỉ hơn 10.000 em, chiếm gần 17% tổng số HS THPT.

Học sinh không mặn mà với trường NCL
Học sinh không mặn mà với trường NCL

Vậy nên nỗi lo của hiệu trưởng các trường NCL về sự phát triển lâu dài, mà trước mắt là mùa tuyển sinh năm học 2013-2014, sẽ diễn ra vào tháng 6 này là hoàn toàn có cơ sở.

 Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (huyện Đông Anh) Đỗ Văn Mạn chia sẻ: Việc tuyển sinh của nhiều trường NCL hiện nay khá chật vật, mà nguyên nhân cơ bản là không có HS để tuyển.

Tính trung bình, trong số hơn 10.000 HS NCL hiện nay, chia cho gần 100 trường thì mỗi trường chỉ có khoảng trên 100 HS. Tình trạng đó đã diễn ra ở huyện Đông Anh.

Năm học 2011-2012, toàn huyện có gần 4.000 HS tốt nghiệp THCS, trừ số HS vào trường THPT công lập, còn lại 1.088 HS chia cho 10 trường (gồm 8 trường NCL, 1 trường nghề, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên).

Theo ông Mạn, trường NCL học phí quá cao (gấp hơn 10 lần trường công lập) nên phụ huynh không ai muốn cho con học trường NCL. Không tuyển được HS, các trường NCL càng rơi vào khó khăn khi không có kinh phí mua sắm thiết bị…

Bài toán “ sức hút”

Có thể nói, sau 20 năm hoạt động, các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại: Chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo những công tác liên quan trực tiếp của nhà trường như tuyển sinh, thi tốt nghiệp, chuyên môn.

Đội ngũ cán bộ quản lí ở một số trường còn thiếu, quá thời hạn. Đội ngũ giáo viên cơ hữu vào năm học không đảm bảo, trong đó, nhiều giáo viên đã cao tuổi không đáp ứng được công việc giảng dạy hiện nay.

 Kết quả kiểm tra cơ sở vật chất của các trường cho thấy, chất lượng cơ sở vật chất chính là điểm yếu nhất của các trường NCL và điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh của những trường này.

Năm học 2010-2011, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã kiên quyết không giao chỉ tiêu cho 14 trường NCL do chưa đủ điều kiện tuyển sinh, lý do chủ yếu là khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thiết bị dạy học, thiếu sân chơi, bãi tập cho HS như các trường THPT Lê Ngọc Hân, THPT Hoàng Long, THPT Lê Hồng Phong, THPT Đinh Tiên Hoàng - Mỹ Đức…

Lại có trường thiếu hợp đồng thuê mượn địa điểm và cơ sở vật chất, trường thì cơ cấu tổ chức bộ máy chưa được thành phố công nhận…

Hiện mới có khoảng 20% số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội có cơ ngơi ổn định và xây dựng kiên cố. Số còn lại phải đi thuê, mượn địa điểm.

Và trong số 102 trường đã có 8 trường tạm dừng hoạt động, 2 trường chưa hoạt động.

Sở GD&ĐT Hà Nội đang thực hiện rà soát điều kiện tuyển sinh năm 2013 đối với các trường THPT ngoài công lập. Quan điểm “thực chất trong đánh giá” được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục quán triệt trong công tác tuyển sinh năm nay, nhất là đối với các trường NCL nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục của toàn ngành và quyền lợi của HS.

Theo đó, những trường không đủ điều kiện dứt khoát sẽ không được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm học tới. Thậm chí, đã có ý kiến đề nghị nên xem xét trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường khi không công khai các thông tin về trường cho phụ huynh, HS theo dõi. Đây được coi là điều cần thiết để huy động sự tham gia của người dân vào việc giám sát hoạt động của mỗi nhà trường.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, vai trò của các trường ngoài công lập rất quan trọng bởi thành phố mới chỉ có thể đáp ứng chỗ học cho khoảng 70% học sinh THPT vào các trường công lập trong bối cảnh đa phần nguyện vọng của học sinh thủ đô là được tiếp tục học phổ thông thay vì học nghề.

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng trường ngoài công lập, Hà Nội đang thực hiện các biện pháp giảm dần sĩ số học sinh/lớp và số lớp/trường ở tất cả các cấp học của khối trường công lập từ năm học 2012-2013.  

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết:

“Quan điểm của ngành là cố gắng bảo đảm duy trì và phát triển hệ thống ngoài công lập, tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là bảo đảm quyền lợi của học sinh và hướng tới chất lượng thực chất. Vì vậy, chỉ những trường ngoài công lập có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh”.

Và điều quan trọng, các trường cần làm mới mình, tạo thương hiệu, sức hút trong cuộc cạnh tranh ngày càng khó khăn hiện nay, như một số trường NCL đã làm được khi gạt không hết thí sinh bằng chính chất lượng và quyền lợi của học sinh…

Uyên Na

Đọc thêm