Hà Nội, ngày tháng cũ…

(PLVN) - Một nhà nghiên cứu nước ngoài khi ghé thăm Hà Nội từng nhận xét “Nếu bạn đang đi tìm cái cốt lõi, tinh túy, trái tim của Hà Nội, bạn sẽ tìm thấy nó ở khu phố cổ”. Trải qua bao thời gian, những ngôi nhà nhỏ lô xô với mái ngói âm dương đã thổn thức trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội, đã “đổ bóng” âm thầm trong tranh phố Phái… Và ở đó là những nếp nhà, những cốt cách riêng, những phố Hàng thương nhớ…
“Hà Nội thời xưa cũ
“Hà Nội thời xưa cũ

Nếp xưa hào hoa, tao nhã

Nói tới Hà Nội là nói tới 36 phố phường xưa là nơi giao thương sầm uất với kiến trúc độc đáo hài hòa vẻ đẹp Đông - Tây, vừa thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Thăng Long. Những căn nhà nhỏ nhắn được xây thành hình ống dài và hẹp với nhiều lớp nhà; giữa các lớp có sân để lấy ánh sáng và không khí.

Cách bài trí, sắp xếp trong ngôi nhà là sự hòa hợp tinh tế, thể hiện gu thẩm mĩ và sự thanh tao của con người Hà Nội. Nơi thờ cúng tổ tiên là không gian trang trọng nhất với những bức hoành phi, câu đối đặt cạnh bàn thờ gia tiên quanh năm thoang thoảng hương trầm. Những “sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ” cùng “chiếc đồng hồ quả lắc già nua/ Đếm thời gian theo nhịp đong đưa”... Tất cả đã cho thấy tâm hồn sâu lắng, nét trầm tư của người Tràng An xưa cũ.

Năm 1954, Nhà nước trực tiếp quản lý những căn hộ của các gia đình chuyển cư đi nơi khác hoặc đi Nam và phân cho các gia đình từ chiến khu Việt Bắc trở về mà chưa có nhà ở. Kể từ đó, số hộ ở trong một khu nhà cứ tăng dần lên từ một hộ đến 2,3 hộ rồi mỗi hộ gia đình lại phát triển thêm theo kiểu tam tứ đại đồng đường. Vào những năm 1954-1958, việc buôn bán ở phố cổ vẫn giữ được như trước.

Song từ 1959 trở đi theo chính sách kinh tế của thời bao cấp, Nhà nước đảm nhận việc cung cấp mọi nhu yếu phẩm cho cuộc sống của dân cư qua hệ thống các cửa hàng bách hoá và dịch vụ. Do đó, toàn bộ khu phố cổ nơi buôn bán sầm uất trước đây đã trở thành khu đơn thuần để ở (1960-1980). Dân cư là cán bộ, công nhân viên, phục vụ cho xí nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan thành phố… 

Dẫu thế, dù cuộc sống thời bao cấp gian khó, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, thì người Hà Nội vẫn luôn giữ được nét hào hoa “Chẳng thơm cũng thể hoa nhà/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”… Và người Hà Nội rất tự hào với sự vinh danh ấy, đặc biệt là những cô gái của 36 phố phường thuở xưa.

Theo thời gian, có người còn bám trụ lại căn nhà hương hỏa, có người đã tản mát đến các khu phố mới. Nhưng dù ở đâu thì họ vẫn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu văn hóa mặc đất Kinh Kỳ trang nhã, thanh lịch...

Là người Hà Nội gốc, bà Lê Kim Ninh ở phố Hàng Than bảo rằng, người Hà Nội có văn hóa mặc rất đặc trưng. Họ mặc đẹp, cái đẹp của sự nền nã, kín đáo chứ không phô trương, lòe loẹt. Mỗi thời kỳ lại có những trang phục riêng nhưng tất cả đều tuân theo “mẫu số chung”: đó là sự thanh lịch.

Nếu như trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản như gia đình bà, cứ bước ra đường, dù chỉ là đi chợ cũng mặc áo dài. Thậm chí ở những gia đình buôn bán luôn có khách ra vào thì người phụ nữ trong gia đình đó cả khi ở nhà cũng mặc áo dài. Ngày lễ tết lại có những chiếc áo riêng, đẹp và sang trọng hơn. Phụ nữ lao động thì mặc áo tứ thân mớ ba mớ bẩy.

Và bởi thói quen ấy, sau năm 1954, những phụ nữ lớn tuổi trong các gia đình tư sản trước kia phải khó khăn lắm mới làm quen được với chiếc áo sơ mi thay cho áo tân thời. Và chiếc áo dài đã gần như vắng bóng suốt một thời gian khó của đất nước từ những năm 60 cho đến tận cuối những năm 80 của thế kỉ trước. Nhưng chỉ là “gần như” thôi chứ nó không hoàn toàn biến mất khỏi đời sống của cư dân Thủ đô.

Năm 1964, giữa bom đạn ác liệt, cô giáo Ninh vẫn thực hiện ao ước được bước chân về nhà chồng với chiếc áo dài tha thướt. Bà còn nhớ, trong những năm tháng khó khăn gian khổ của cả nước ấy, thỉnh thoảng gia đình bà và mấy gia đình bạn bè, họ hàng thân thiết lại tổ chức gặp mặt ăn uống. Đồ ăn chẳng có gì nhưng những người đàn ông vẫn đóng bộ rất trang trọng với sơ mi quần âu, còn các bà sau khi nấu bếp xong là diện áo dài rồi mới vào bàn.

Thời gian khổ ấy, cái ăn cái mặc cũng phải qua quýt hơn. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì bà vẫn luôn phải có một bộ gọi là lễ phục bên cạnh thường phục để mặc trong những dịp lễ tết. Người ăn mặc đẹp và lịch sự chính là tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình...

 

Thời bao cấp thương nhớ!

Không ít người gắn bó với Hà Nội thường nhắc nhớ về những kỷ niệm năm xưa. Cái thời bữa ăn dù đạm bạc nhưng chan chứa ân tình. Cái thời mà hàng xóm láng giềng thân thiết như ruột thịt, tối lửa tắt đèn, rau cháo có nhau…

Thời đó nhu cầu của hầu hết mỗi gia đình đều không nhiều, ngoại trừ lo bữa ăn hằng ngày với vật chất tối thiểu. Những thứ đó hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ tem phiếu (mua lương thực như gạo, mỳ, ngô, lúa mạch... thì có sổ gạo; mua dầu hoả, củi, mùn cưa... có sổ mua chất đốt; mua thực phẩm, đường sữa, vải vóc, xoong, nồi có tem, phiếu...).

Tuy nhiên, do hàng hoá luôn khan hiếm nên để mua được theo tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn. Mọi nhà đều cố gắng xếp hàng sớm nhất nhưng nhiều khi xếp đến nơi thì lại hết giờ, hết hàng phải chuyển sang buổi khác...

Anh Trần Hải chia sẻ: “Tôi sinh 1962 tại Hà Nội trong 1 gia đình trí thức kiểu mẫu thời đó: bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên cấp 3. Cũng như những người Hà Nội khác, chúng tôi đã trải qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và phải đi sơ tán cùng với cơ quan của bố hoặc mẹ. Chúng tôi ở tập trung: ăn ở, học tập sinh hoạt đều có người phụ trách bởi vì khi ấy bố mẹ chúng tôi vẫn phải làm việc tại cơ quan ở Hà Nội hoặc nơi sơ tán của cơ quan, hoặc đang chiến đấu ở ngoài chiến trường…

Do vậy, thế hệ chúng tôi đã được rèn luyện từ nhỏ và rất có ý thức tự giác, tự lập... Tôi cũng trải qua những khó khăn của toàn xã hội khi ấy, tất cả phải dành cho tiền tuyến ác liệt để giải phóng miền Nam thân yêu. Tuy vậy Hà Nội của tôi vẫn đẹp, cổ kính vô cùng, người Hà Nội khi đó chỉ có vài trăm nghìn dân, lịch sự, tế nhị, có trách nhiệm với xã hội. 

Trong muôn vàn kỷ niệm thời thơ ấu, có 1 sự kiện mà có lẽ cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được, đó là sáng mùng 3 tháng 9 năm 1969 mẹ tôi vén cái màn xô (ngày đó đi ngủ phải nằm màn xô để chống muỗi đốt) lên gọi tôi dậy và vừa khóc sụt sùi vừa nói với tôi rằng: “Dậy đi đánh răng rửa mặt đi con, Bác Hồ mất rồi”. Tôi nhìn thấy trên ngực áo sơ mi trắng của mẹ cái băng tang nhỏ nửa đỏ nửa đen...

Cứ như thế tôi lớn lên, đi bộ đội gần 5 năm, về học đại học 6 năm nữa, rồi lại đi sang châu Âu làm việc... Và bây giờ tôi lại đang sống, làm việc ở Hà Nội, nơi chôn nhau cắt rốn cho tôi. Tôi yêu Hà Nội của tôi hơn bất cứ cái gì trên đời này, bởi Hà Nội của tôi có bố mẹ tôi, có con trai yêu của tôi và những người thân yêu của tôi nữa…"

Và Hà Nội ngày nay, dù có nhiều đổi thay, đất chật người đông, nhưng cái hồn quê giữa phố, dung dị, mộc mạc vẫn đẹp nguyên như ký ức. Chả thế, xưa còn có làng giữa phố, cách gọi của ngày xưa về từng số nhà của Hà Nội như xóm 147, xóm 145…

Anh Đỗ Trung Dũng kể rằng: “Trong mỗi xóm lại có nhiều hộ sống cùng nhau, tuy thiếu thốn nhưng vô cùng thân thương. Tôi sinh ra trong những ngày Hà Nội đang hứng chịu những loạt bom đạn ác liệt nhất của 12 ngày đêm. Bố tôi phải đèo mẹ đang mang bầu lúc sắp sinh trên chiếc xe đạp cà tàng từ nhà ông bà ngoại ở phố Mai Hắc Đế lên tận Thái Nguyên sơ tán để sinh tôi. Thế rồi, lúc 11 tháng thì tôi về Hà Nội sống cùng ông bà ngoại để bố mẹ công tác.

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ da diết tiếng leng keng quen thuộc của tàu điện mà mỗi ngày nghỉ bố tôi lại cho đi thỏa thuê cứ từ chợ Mơ lên chợ Bưởi rồi quay về. Mỗi khi hè đến, chúng tôi hay nhảy tàu điện từ Mai Hắc Đế lên Bờ Hồ rồi về. Buổi sáng, học sinh từ cấp 2 trở xuống tập thể dục theo hướng dẫn của anh chị phụ trách khu phố. Thỉnh thoảng tổ chức khen thưởng là những tấm vé đi xem phim ở rạp Kim Đồng hoặc Cung thiếu nhi bằng tàu điện.

Ngày đó phố tôi ở trưa hè rất vắng, có khi 15 phút mới lại có chiếc xe đạp đi qua. Thậm chí một số phố gần đấy vẫn để đu quay dưới lòng đường cho trẻ con chơi… Mãi sau cả nhà ông bà tôi mới tậu được chiếc tivi Denon có bốn chân thì cả nhà cứ ăn cơm xong lại quây quần trước màn hình, cậu tôi thi suốt buổi kè kè bên cạnh cái sup von tơ để chỉnh vì điện rất yếu lại hay mất. Nhớ quá Hà Nội ngày xưa!..."

 

Có thể nói, sau bao năm tháng, sẽ chẳng còn vẹn nguyên Hà Nội xưa cho Thạch Lam nhâm nhi, Vũ Bằng thương nhớ, Nguyễn Tuân ngợi ca “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Gần 40 năm trước, nhà văn Bỉ Jacques Danois cảm nhận: Hà Nội là biểu tượng cả nước Việt Nam. Tất cả mọi thứ ở đây đều cổ kính, có thể hơi rách nát đấy nhưng được mọi người xiết bao trân trọng và chúng mới trong sáng, mới chân thực, mới Việt Nam làm sao.

Chỉ cần đi vào chợ và nhìn vào đôi mắt những người phụ nữ. Sức mạnh của họ bắt nguồn từ ý chí, làm sao nuôi được gia đình, chăm sóc con cháu, họ hàng, bà con. Ý chí thay thế sinh tố và thuốc bổ cần cho họ. Người Hà Nội dắt cháu ra Bờ Hồ xem trăng trung thu, ông nội chỉ mặt trăng dưới hồ bảo cháu: Mặt trăng muốn tự ngắm nó kia nhưng chỉ chúng ta mới có thể ngắm trăng thôi. Cháu muốn bắt mặt trăng chớ có nhảy xuống hồ, mà hãy tìm cách bay lên trời”... 

Đọc thêm