Hà Nội: Nhiều giải pháp xử lý tài sản đảm bảo

(PLO) - Là địa phương có lượng án lớn, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, 6 tháng đầu năm Thi hành án dân sự Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng song cũng còn không ít khó khăn, trong đó có vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.
Ảnh minh họa từ internet..
Ảnh minh họa từ internet..

Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Lê Quang Tiến, việc xử lý tài sản để THA còn nhiều vướng mắc vì bản án tuyên không phân chia rõ phạm vi, giới hạn đảm bảo của từng tài sản thế chấp  trong cùng một vụ việc THA; hoặc việc xử lý tài sản thế chấp bị kéo dài do người phải THA, người có nghĩa vụ liên quan bất hợp tác, chống đối trong quá trình tổ chức THA...

Nhiều tài sản thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng khi kiểm tra thực tế trên đất có nhà và công trình trên đất từ trước khi ngân hàng nhận thế chấp nhưng các bên không có thỏa thuận về tài sản trên đất khi thế chấp; khi xét xử Tòa án chỉ tuyên xử lý tài sản là QSDĐ theo hợp đồng thế chấp.  Khi THA người có tài sản thế chấp chỉ đồng ý cho kê biên, xử lý QSDĐ theo đúng Hợp đồng thế chấp, không đồng ý cho kê biên tài sản trên đất dẫn tới vướng mắc, Tòa án cũng không giải quyết được.

Đối với tài sản thế chấp là ô tô, máy móc thiết bị nhưng đại đa số các vụ việc không xác định được tài sản thế chấp ở đâu để kê biên, xử lý; tổ chức tín dụng không cung cấp được các động sản này ở địa chỉ cụ thể nào, tài sản vẫn do các tổ chức hoặc cá nhân thế chấp giữ, họ không giao nộp tài sản để kê biên, xử lý hoặc đã tẩu tán nhưng không có chế tài để xử lý.

Một số trường hợp tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản là máy móc thiết bị nhưng đang để ở công trình bên nước Lào. Người phải THA không tự nguyện thi hành, không tự đưa tài sản về Việt Nam để THA. Cơ quan THA không thể kê biên, xử lý tài sản này được và cũng  không có tương trợ tư pháp về THADS để ủy thác thi hành.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2016 số vụ việc phải THA liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng và bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng với số lượng lớn sẽ là thách thức cho các cơ quan THADS 02 cấp của TP Hà Nội trong việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ công tác được giao, đặc biệt là khi cách tính chỉ tiêu đã thay đổi theo Luật THADS sửa đổi, bổ sung.

Vì thế, nhiều giải pháp được Cục THADS đề ra và quyết tâm thực hiện quyết liệt, triệt để như thường xuyên rà soát phân loại hồ sơ; xây dựng, lập chi tiết kế hoạch từng hồ sơ vụ việc tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm, tìm ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời trình tự, thủ tục về THA trong tổ chức THA. Kịp thời xây dựng kế hoạch giao, cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua, người nhận tài sản để trừ vào nghĩa vụ của người phải THA theo quy định.

Hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ kịp thời cho các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là các vụ có tài sản thế chấp. Đối với việc án tuyên không rõ, có khó khăn, vướng  mắc, tiếp tục có văn bản đề nghị, kiến nghị với các cơ quan chức năng yêu cầu sớm có ý kiến trả lời.

Tổ chức họp liên ngành có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP Hà Nội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc án tuyên không rõ, không xác định nghĩa vụ bảo đảm từng tài sản thế chấp và việc các tổ chức tín dụng tự xử lý tài sản bảo đảm không qua cơ quan THADS.

Cục đang tập trung chỉ đạo giải quyết một số vụ trọng án với số tiền lớn để bảo đảm đẩy cao tỷ lệ giải quyết về tiền nhằm thực hiện cho được chỉ tiêu được giao.

Đọc thêm