Hà Nội: Những điểm hấp dẫn tại tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây

(PLVN) -  Dự kiến vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, không gian phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây sẽ đưa vào hoạt động. Đây là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội được hình thành sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Theo quy hoạch, phố đi bộ ở thị xã Sơn Tây gồm 4 tuyến phố là Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, một phần phố Lê Lợi và Phó Đức Chính. Điểm đầu của phố đi bộ là cổng cũ trụ sở UBND thị xã Sơn Tây ở phố Phó Đức Chính đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung - Nguyễn Thái Học) có tổng chiều dài 820m, tổng diện tích sử dụng 34.550m2.

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ, chính quyền địa phương đã cố gắng tạo ra nhiều điểm hấp dẫn, khác biệt cho phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây so với các tuyến phố đi bộ đã có của Hà Nội, từ những tiềm năng của thị xã.

Phố đi bộ ở thị xã Sơn Tây gồm 4 tuyến phố là Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, một phần phố Lê Lợi và Phó Đức Chính. Ảnh: Tiền Phong

Cụ thể, năm sự khác biệt và cũng là 5 yếu tố được kỳ vọng sẽ đem lại thành công cho phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, theo ông Lê Đại Thăng, bao gồm:

Thứ nhất, hiện tại về khu vực phía Tây của TP Hà Nội chưa có tuyến phố đi bộ nào. Tất cả các tuyến phố đi bộ đang hoạt động đều chỉ tập trung trong khu vực nội thành Hà Nội.

Thứ hai, bản thân thị xã Sơn Tây là một đô thị cổ hình thành từ thế kỷ XV. Sơn Tây từng là thủ phủ của tỉnh Hà Đông, Hà Tây cũ nên nếp sống đô thị, đặc biệt là tại khu vực lõi (khu vực quanh Thành cổ Sơn Tây) được hình thành rất sớm.

Thứ ba, Thành cổ Sơn Tây là một trong tứ trấn thành của Thăng Long xưa và năm nay tròn 200 tuổi. Đây là một trong những tòa thành cổ may mắn còn sót lại gần như nguyên vẹn của Việt Nam. Thành cổ Sơn Tây đặc sắc cả về kiến trúc và những giá trị văn hóa, gắn liền với nghệ thuật quân sự tài tình của Việt Nam. Cùng với đó, cảnh quan bên trong và bên ngoài thành cổ rất đẹp. Thành cổ có 4 mặt đều được bao quanh bởi một hào nước, cây xanh rất thích hợp để tạo nên một tuyến phố đi bộ khác biệt.

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm 1.822 - năm Minh Mạng thứ 3. Ảnh: VGP

Thứ tư, theo định hướng phát triển của Sơn Tây nói riêng và khu vực phía Tây Hà Nội nói chung thì sẽ phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với văn hóa, du lịch và du lịch tâm linh. Bởi vậy, đến với phố đi bộ Thành cổ, người dân Sơn Tây nói riêng và du khách nói chung ngoài cơ hội trải nghiệm những tiết mục nghệ thuật đường phố, thể thao đường phố, những đặc sản chỉ có ở Sơn Tây… thì du khách có thể trải nghiệm du lịch tâm linh tại đền Và, làng cổ Đường Lâm hay du lịch nghỉ dưỡng tại các resort độc đáo tại Sơn Tây.

Thứ năm, điều thu hút du khách tới phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây chính là những hoạt động về văn hóa, thể thao, ẩm thực phong phú, hấp dẫn và đa dạng được tổ chức tại đây. Đây được coi là hồn cốt của phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Điều thu hút du khách tới phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây chính là những hoạt động về văn hóa, thể thao, ẩm thực phong phú... Ảnh: Cổng TTĐT Thị xã Sơn Tây

Các nội dung hoạt động chính diễn ra tại tuyến phố đi bộ bao gồm biểu diễn văn nghệ như ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ, các trò chơi dân gian như đua thuyền, câu cá, múa rối nước; triển lãm tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, các cháu thiếu nhi…Các chương trình nghệ thuật, hoạt động thể thao sẽ được tổ chức thành cuộc thi theo từng tuần, từng quý và từng tháng nhằm lôi kéo sự tham gia của du khách tới phố đi bộ.

Đặc biệt, ở Sơn Tây có Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đây là sự khác biệt và cũng là thế mạnh. Các đoàn biểu diễn nghệ thuật trong Làng văn hóa sẽ được mời ra biểu diễn luân phiên các loại hình nghệ thuật đặc trưng của các vùng miền. Nhiều đoàn học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Trường Hữu nghị T80 cũng được mời ra biểu diễn nghệ thuật truyền thống của họ. Tất cả hứa hẹn sẽ tạo ra một không gian nghệ thuật đa dạng, hấp dẫn và thu hút du khách.

Tại phố đi bộ Sơn Tây, nhiều trò chơi dân gian đã bị lãng quên như đấu vật truyền thống, đua thuyền quanh thành cổ… cũng sẽ được phục dựng và tổ chức thành giải thường niên.

Các lực lượng tham gia thực hiện công trình phố đi bộ Sơn Tây. Ảnh: Cổng TTĐT Thị xã Sơn Tây

Cùng với đó, các đơn vị chức năng đang bố trí các gian hàng trên tuyến phố đi bộ; lắp đặt cổng chào, trang trí chiếu sáng và cụm tiểu cảnh, phấn đấu đưa tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra. Dự kiến từ ngày 20/4, sẽ tổ chức chạy tổng thể các chương trình tại phố đi bộ nhằm đảm bảo khi khai trương mọi hoạt động sẽ diễn ra thành công như mong đợi.

Theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây, tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 120 sạp hàng được làm theo kiểu xe đẩy di động, để phục vụ bán các loại thực phẩm, hàng handmade, những sản phẩm đặc trưng của địa phương...

"Tất cả những đơn vị và cá nhân kinh doanh đều phải đăng ký, cấp giấy phép, thẻ ra vào và ký cam kết về an toàn thực phẩm, về nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời các đơn vị chức năng của thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra các mặt hàng theo đúng quy chuẩn của thành phố về chợ đêm, hội chợ", ông Thăng cho hay.

Thị xã Sơn Tây đang hoàn thành lắp đặt các sơ đồ, hướng dẫn tuyến phố đi bộ. Ảnh: Cổng TTĐT Thị xã Sơn Tây

Theo kế hoạch, 19h30’ ngày 30/4/2022, Thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận.

Những quần thể văn hóa tiêu biểu, như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây..., cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách.

Đọc thêm