Hà Nội nói không với bếp than từ 1/1/2020: Có khả thi?

(PLVN) - Hà Nội đặt ra mục tiêu từ ngày 1/1/2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than trên địa bàn. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này khó khả thi nếu Hà Nội không có sự chuẩn bị về nguồn nguyên liệu để người dân thay thế và hiệu quả kinh tế đi kèm.
Người dân ủng hộ việc xóa bỏ than tổ ong nhưng cần giải pháp thay thế hiệu quả và kinh tế.

Hà Nội quyết xóa sổ than tổ ong

Thời gian gần đây, người dân Hà Nội khốn khổ vì chỉ số chất lượng không khí nằm trong mức kém và một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí kéo dài được các nhà khoa học chỉ ra là khí CO2 có từ bếp than tổ ong. 

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, bếp than tổ ong còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Trả lời truyền thông ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, điều đáng lo ngại là qua khảo sát cho thấy, tại các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, có nhiều trường hợp mắc bệnh hô hấp và tim mạch. Vì khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…).

Thành phố có khoảng 55.000 bếp than

Theo số liệu khảo sát Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) mới công bố, tổng số lượng bếp than trên địa bàn thành phố khoảng 55.000 bếp, trong đó, tỷ lệ bếp than tổ ong tại các quận nội thành chiếm 63%, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè…, trong khi đó các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Đây là những con số đáng báo động, đe dọa sức khỏe người dân và môi trường cho khu vực nội đô.

Cũng theo báo cáo này, một ngày, trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, từ đó sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí thành phố. Điều đó đồng nghĩa, bầu không khí Thủ đô đang phải gánh chịu lượng khí có hại khổng lồ dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số được khảo sát 23/30 quận, huyện của Hà Nội.

Kết quả khảo sát đối với 600 hộ dân thuộc tại 3 quận, huyện (Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình) cho thấy cơ cấu sử dụng bếp than cho việc kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình là 73%, Sóc Sơn là 63%, Đống Đa là 56%.

Tiếp đến là dùng cho việc nấu ăn theo thứ tự là: 31%, 36%, 43%. Số liệu khảo sát tại từng hộ gia đình, số lượng than được sử dụng trung bình hàng ngày cho việc kinh doanh cũng chiếm đa số, Đống Đa gần 8kg/ngày, Ba Đình là hơn 6kg/ngày, Sóc Sơn là trên 4kg/ngày… và thời gian sử dụng bếp than trong một ngày là từ 410-450 phút.

Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua ba con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa.

Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín (trong nhà) sẽ khiến người đun rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do hít phải khí CO và bụi PM2.5 cao hơn khi đốt than ở bên ngoài. Đã có không ít trường hợp tử vong do sử dụng bếp than để sưởi ấm trong nhà đóng kín cửa.

Chính vì thế, dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường và để kiểm soát, hạn chế nguồn ô nhiễm từ bếp than tổ ong, Sở TN&MT Hà Nội đã đưa ra lộ trình trong 3 năm liên tiếp từ năm 2018 – 2020, sẽ thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên toàn địa bàn thành phố.

Cụ thể, năm 2018 sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong, năm 2019 tiến tới thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong, năm 2020 đạt kết quả thay thế 100%. 

“Nếu có giải pháp phù hợp, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ”

Đó là khẳng định của nhiều người bán hàng khi trao đổi với phóng viên về việc thành phố sẽ quyết nói không với than tổ ong từ đầu năm 2020. Bà Nguyễn Thị Dung bán nước ở khu chung cư trên đường Nguyễn Thị Định phường Trung Hòa, Thanh Xuân cho biết, hàng ngày bà sử dụng 2 viên than cho một buổi sáng bán hàng để đun sôi nước, hãm chè xanh.

“Ngồi sát cạnh bếp tôi cũng biết là độc, nhất là hôm nào trời u ám, không khí nặng nề lại càng khó chịu. Nhưng vì mưu sinh thì biết tính sao. Tôi cũng tính là nếu thành phố không cho dùng bếp than nữa, tôi sẽ dùng bếp điện…”, bà Dung nói. 

Tương tự, hàng phở của ông Hanh nằm ở khu tái định cư Nhân Chính một buổi sáng bán hàng sử dụng khoảng 6 viên than cho việc đun nước dùng, đun nước trần bánh phở, rồi ninh thêm xương để bổ sung cho nồi nước dùng.

Ông Hanh biết hiện nay trên thị trường có loại nồi điện cao, to như nồi đun bánh chưng dùng để đun nước dùng. “Nhưng nhà trên gác, bán hàng ở vỉa hè, mỗi khi khiêng lên khiêng xuống cái nồi to rất mệt. Đun than, xong việc là tôi đậy bếp cất đó, chẳng ai lấy, sáng sớm hôm sau lại gầy than sử dụng”, ông Hanh chia sẻ.

Trong lộ trình xóa sổ than tổ ong, Sở TN&MT Hà Nội cũng đã đề xuất kế hoạch, kết nối các đơn vị cùng tham gia triển khai các chương trình, dự án, hoạt động liên quan tới nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, tài nguyên bền vững.

Mua nguyên liệu thay thế chưa thuận lợi

Ngoài các nguyên nhân như việc sử dụng bếp cải tiến xoong nồi sẽ dính nhọ, mất thời gian cọ rửa, theo người dân, bếp cải tiến mà Sở TN&MT Hà Nội thí điểm thay thế cứ sau 15 – 25 phút lại phải “canh” để tiếp nguyên liệu 1 lần.

Trái lại, với bếp than tổ ong thì việc thay nguyên liệu chỉ tiến hành 3 - 4 tiếng sau khi đun nấu. Mặt khác, chi phí cũng là rào cản khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải tính toán cân nhắc. “Than tổ ong đang có giá 3.000 đồng/viên, với bếp cải tiến, giá nguyên liệu từ 3.500 – 4.000 đồng/kg.

Thời gian cháy hết 1 viên than tổ ong khoảng 4 tiếng thì thời gian cháy hết 1kg nguyên liệu của bếp cải tiến chỉ khoảng 2 tiếng. Việc mua nguyên liệu để đun cũng chưa thuận lợi” – một người dân so sánh.

Qua đó, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tăng cường, nâng cao nhận thức của người dân để thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng các loại bếp khác an toàn và thân thiện với môi trường, đặc biệt là tại các khu vực nội thành, nơi tập trung đông dân cư, có nhiều đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai…

Sở TN&MT Hà Nội đã lựa chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện với môi trường. Cụ thể, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan, tiếp tục triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường tại một số phường trên địa bàn thành phố.

Người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm bếp trước khi mua, đồng thời được hưởng mức giá ưu đãi (thấp hơn giá thị trường từ 30 – 40%). Tuy nhiên, việc triển khai cũng chưa thu được hiệu quả cao. 

Nhưng theo Sở TN&MT Hà Nội, cùng với việc khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến để tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng thay thế bếp than tổ ong, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, tổ chức và đặc biệt là người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Mỗi người dân cũng cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường chung.

 PGS.TS Lưu Đức Hải - nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường (Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội): "Đối với những người kinh doanh mà mức thu nhập thấp thì bếp than tổ ong vẫn là giải pháp để mang lại hiệu quả kinh tế với họ. Cho nên, dù có nhiều giải pháp đi chăng nữa mà người dân chưa nhận thức và chưa có phương án hiệu quả kinh tế hơn thì chắc chắn khó mà đạt được mục tiêu".

PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: “Hiện nay, những gia đình còn sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu đến từ những gia đình có thu nhập thấp. Vậy, để có thể xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ra khỏi Thủ đô cần phải có các quy hoạch cụ thể những khu vực nào, những gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong. Sau đó, vận động các hộ dân không sử dụng nữa đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá tiền điện, sử dụng bếp từ...”.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, chuyên gia độc lập về môi trường: “Để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn, Nhà nước cần rõ ràng với người dân về tính hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng”.  X.Hoa (tổng hợp)

Đọc thêm