Hà Nội : Phía sau "Đại công trường"

Nhiều làng quê trù phú với những thửa đất “bờ xôi ruộng mật” trong chốc lát biến thành các dự án về khu đô thị, du lịch sinh thái, biệt thự… Đất đai bị thu hồi, bà con nông dân trở thành người thất nghiệp, hết đường thu nhập. Khoản tiền được đền bù cũng không được tính toán chi li, gây lên nhiều nguy cơ lâu dài khó đoán định.

Đất nông nghiệp ngàn đời sau một đêm được chủ đầu tư đưa máy móc biến thành đại công trường. Thay vào màu xanh của cây lúa, hoa màu, là những khu công nghiệp, biệt thự, nhà liền kề, và cả công viên giải trí…

Kỳ I : Lạm phát dự án

Hết đất vì dự án

Kéo dọc từ chiều dài đường Láng – Hoà Lạc, làng quê trù phú nằm ven đường với nhiều ngôi nhà cao tầng vươn lên trong những năm gần đây càng làm cho khung cảnh trở nên xô bồ, tấp nập hơn.

Hà Nội : Phía sau "Đại công trường" ảnh 1
Dự án lấy đi màu xanh của lúa, trả lại là những khối nhà cao tầng... 

Bắt đầu từ xã Đại Mỗ, tốc độ đô thị hoá đã bắt nhịp vào xóm thôn. Những thửa đất làm nông nghiệp giờ đây nham nhở bởi xe ủi, xe tải, bởi những giằng móng nhú lên từ lòng đất bởi các dự án xây dựng khu đô thị mới. “Người ta nói lấy đất làm chung cư, làm biệt thự, thế là chúng tôi nhận tiền đền bù”, bà Trần Thị Lý, người dân xã Đại Mỗ, cho hay.

Mới chỉ hai dự án được triển khai, nhưng bà con xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã ngậm ngùi “chia tay” hơn 200ha đất. “Mà toàn đất nông nghiệp, đất tốt cả chú ạ”, một nông dân xác nhận với phóng viên. Theo chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy, dự án đang triển khai và có quy mô nhất là Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Tây (chiếm đến 178ha, chủ yếu là đất nông nghiệp). Lấy đất nông nghiệp nhiều, nhưng người dân ở Sài Sơn cho rằng, khi thu hồi đất thì chủ đầu tư chỉ chấp nhận đền bù mức giá 27,2 triệu/sào. Người dân nói, đó là mức giá bèo bọt. Đến nay mới chỉ có thôn Đa Phúc bàn giao và nhận tiền đền bù để Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Tây triển khai dự án. Người dân các thôn khác đang nghe ngóng, chờ đợi được đền bù thỏa đáng và được bố trí đất dịch vụ sau khi bị thu hồi.

Ngoài Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Tây, xã Sài Sơn còn là nơi để chủ đầu tư về thương lượng với địa phương triển khai các dự án về bất động sản “hứa hẹn” lấy rất nhiều đất canh tác. Trong đó có các dự án Khu đô thị mới CEO Quốc Oai với quy mô 23ha đất; dự án Hà Nội Greenwich Village với tổng diện tích 24ha; dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Tây Thiên Minh…

Hà Nội : Phía sau "Đại công trường" ảnh 2
 

Từ đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, hạ tầnng cơ sở ở xã An Khánh trông  như một thành phố hiện đại. Nhà cao tầng, có cả biệt thự mọc lên. Mấy năm qua, hàng chục dự án về bất động sản của nhà đầu tư được triển khai trên đất mà mấy năm trước, người dân còn cấy lúa. Giờ đây, thay vào đó là những thửa đất chia lô, phân nền. Từ biệt thự, nhà liền kề, đến cả thiên đường công viên được chủ đầu tư dựng lên trên thửa đất mênh mông ngày trước.

Cơ bản là … hết đất

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) Hoàng Trọng Đức nói rằng, Tân Triều là một trong những địa phương nhường đất thuộc dạng nhiều nhất cho các dự án. Ông Đức thống kê, tổng diện tích đất của xã chỉ có 297ha, trong đó có 158ha đất nông nghiệp.

Thôn nhỏ Triều Khúc (Tân Triều) nằm khép mình bên đường vành đai ba mới mở. Thôn nhỏ, nhưng số lượng dự án “đổ bộ” về đây thì không nhỏ chút nào. Ông Đức liệt kê, đã có 7 dự án phải thự hồi lượng đất rất lớn của thôn này. “Dự án lớn nhất thu hồi 36ha, tổng diện tích đất mà người dân bị thu hồi lên đến trên 100ha”, ông Đức xác nhận.

Đứng sau Triều Khúc về số lượng dự án cũng như diện tích đất bị thu hồi là thôn Yên Xá. Tổng cộng đã có sáu nhà đầu tư về cái thôn nhỏ này, với số đất thu hồi của người dân lên đến hàng chục ha đất. Yên Xá là thôn thuần nông, người dân chỉ trông chờ vào đất đai để mưu sinh, nhưng tư liệu sản xuất của họ giờ đây phải nhường chỗ cho các dự án bất động sản.

“Tôi làm ruộng hơn 30 năm rồi, bây giờ bị thu hồi đất thì phải chấp hành, nhưng việc thu hồi cũng nhiều bất cập lắm. Không bố trí công ăn việc làm, không có đất tái định cư, việc thu hồi đất cũng không được niêm yết công khai cho bà con được biết”, ông Dương Xuân Tuyển, thôn Triều Khúc, cho hay.

Nhiều người dân bức xúc khi phóng viên hỏi về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng
              Nhiều người dân bức xúc khi phóng viên hỏi về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng

Mới chỉ có một dự án thu hồi 10ha của địa phương, nhưng “nhìn ra xã bạn”, chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) Nguyễn Đức Thắng nói mà không dấu diếm: chúng tôi cũng đã cử cán bộ đi học tập huấn. “Tập huấn để biết chính sách đền bù đất, tạo công ăn việc làm cho bà con bị thu hồi đất, tập huấn để có kinh nghiệm…”, ông Thắng cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thịnh, trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng người nông dân đang bị "thắt lưng buộc bụng" quá mức. Theo ông Thịnh, không thể nói không được lấy đất, nhưng cũng có nhiều bài toán đưa ra giải pháp nên lấy đất chỗ nào. « Càng những nơi bóc lột nông nghiệp nhiều thì càng phải trả giá cho những gì lấy từ nông nghiệp. Bảo vệ nông nghiệp không chỉ bảo vệ cuộc sống đơn thuần cho người nông dân hiện nay, mà điều quan trọng đó là sự phát triển bền vững trong tương lai », ông Thịnh cho hay.

Việt Hưng - Tùng Anh

Đọc thêm