Hà Nội qua lăng kính của người nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có một “nàng thơ” Hà Nội trong mắt nhìn của cựu Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới Martin Rama. Cũng có một Hà Nội “hoành tráng và ngạo nghễ thời thuộc địa”, một Hà Nội “khiêm nhường ẩn mình dưới những mái đình, mái chùa” trong ấn tượng của sử gia người Pháp Philippe Papin. Và một thành phố của những hồ nước, một “New Orleans cổ kính thu nhỏ” trong trái tim của gia đình người Mỹ Rapoport.
Những cuốn sách của tác giả nước ngoài về Hà Nội.
Những cuốn sách của tác giả nước ngoài về Hà Nội.

“101 lý do thích sống ở Hà Nội”

Vào cuối thập niên 1960, chàng sinh viên y khoa Mark Rapoport theo chân lính Mỹ đến Việt Nam, và đóng tại Đà Nẵng. Sau nhiều năm trở về nước Mỹ để làm việc và lập gia đình, cơ duyên là điều thực sự kéo Mark quay trở lại với đất nước hình chữ S. Gia đình nhà Rapoport đến Hà Nội vào đầu những năm 90, khi Thủ đô bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới.

Sau đó, họ đã dành ít nhất hơn 10 năm tại thành phố ngàn năm văn hiến để làm việc, học tập, khám phá và tận hưởng cuộc sống. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng của cuốn sách “101 lý do thích sống ở Hà Nội” (101 reasons to love living in Hà Nội) – ra đời vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, từ những ghi chép của cả 4 thành viên trong gia đình.

Thật kỳ lạ, khi Hà Nội đối với một gia đình đến từ thành phố New York lại gợi nhớ cho họ nhiều hình ảnh quen thuộc về quê hương nước Mỹ. Hà Nội trong nhận định của nhà Rapoport là “thành phố của những hồ nước”, “một thành phố châu Á đích thực, sạch sẽ, đi bộ thoải mái và rất sống động về mọi mặt”. Trong đó, ông Rapoport còn đặc biệt viết về con phố Bảo Khánh “giống như New Orleans cổ kính thu nhỏ”, “như một thế giới riêng”.

Ẩm thực cũng là một trong những lý do “níu chân” gia đình người Mỹ này, đặc biệt là món phở. Tuy nhiên, đó không nhất thiết phải là một quán phở nức tiếng Hà thành, mà đơn giản là một quán phở nhỏ vô danh ngay cạnh ngôi nhà họ sống bên Hồ Tây. Mark Rapoport chỉ miêu tả đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Một tô phở to với nước dùng có hương vị tuyệt vời cho một ngày mới.”

Tuy nhiên, có lẽ điều đáng yêu và đáng quý nhất của Hà Nội đối với gia đình Rapoport chính là tính cách thú vị của con người Hà Nội. Mark Rapoport chia sẻ, mỗi con người Hà Nội đều có sự thu hút riêng, từ bác sửa giày, anh thợ thủ công, chị bán hoa, bà bán phở, cô nuôi dạy trẻ... đến những ông bố chăm con. Ông viết: “Người dân thì thân thiện nhất, trung thực nhất và nhiệt tình nhất so với bất cứ nơi nào tôi biết. Họ làm việc chăm chỉ nhất, ít phàn nàn nhất và lạc quan nhất so với bất kỳ nơi nào tôi qua”.

Trong cảm nhận của ông, người Hà Nội thật sự “độ lượng” và đó là một đức tính tốt đẹp. Trong chiến tranh, Mark Rapoport thời trẻ đã từng chứng kiến những vụ máy bay Mỹ rải thảm chất độc da cam xuống xứ sở này. Nhưng giờ đây, ông chỉ còn nhận thấy ở những người dân Việt Nam mà ông đã gặp ánh mắt và nụ cười thân thiện, cái bắt tay và tiếng “Hello” nồng nhiệt.

“Họ khiến chúng tôi cảm thấy như được chào đón, trong khi cuộc chiến tranh hơn 30 năm trước đã gây quá nhiều mất mát, khó khăn cho người dân Việt Nam. Đây là điều tôi không thể tưởng tượng được và cũng vì thế mà ngày nào tôi cũng thật sự biết ơn”, Mark chia sẻ. Cuối cùng, ông cho biết: “Tôi đi nhiều, làm việc nhiều nên có cái nhìn và quan điểm rộng rãi. Sinh sống ở Hà Nội là sự lựa chọn chín chắn từ những điều thực tế mà chúng tôi có được”.

Hà Nội được đánh giá là một trong những thành phố đáng sống với người nước ngoài.

Hà Nội được đánh giá là một trong những thành phố đáng sống với người nước ngoài.

“Thành phố đa dạng”

Ở một góc nhìn khác, Hà Nội trong đánh giá của nhà sử học người Pháp Philippe Papin lại là một “thành phố đa dạng”, được tạo nên qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. “Những công trình hoành tráng và ngạo nghễ thời thuộc địa nằm cạnh những tuyến phố khiêm nhường ẩn mình dưới mái đình, mái chùa. Hà Nội, thành phố của giới thượng lưu, của không khí cách mạng và của những hộ gia đình buôn bán. Hà Nội, thành phố của văn chương, thơ mộng soi bóng xuống mặt nước hồ.”, trích đoạn trong cuốn sách “Histoire de Hanoi”.

Philippe Papin (1967) tới Việt Nam lần đầu vào năm 1988, khi đó đất nước vẫn chưa thực sự mở cửa với du khách phương Tây. Trong khoảng thời gian 1992 - 1995, ông từng làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi hết hợp đồng, ông tiếp tục nghiên cứu tại Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội. Về sau, ông đã hoàn thành và bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Lịch sử Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20” tại Đại học Sorbone (Paris, Pháp).

Sống tại Hà Nội nhiều năm và lấy một người vợ Việt Nam, Philippe Papin đã viết nhiều cuốn sách và bài báo về Hà Nội. Trong đó, cuốn “Histoire de Hanoi” được nhà xuất bản Fayard phát hành năm 2001, chủ yếu dành cho các độc giả đọc tiếng Pháp. Cuốn sách được tham khảo từ những tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, hồi ký của người nước ngoài vào thế kỷ 17, các điều tra thực địa tại nhiều đình, chùa, gia phả của các gia đình.... Năm 2010, cuốn sách này được bà Mạc Thu Hương, cũng chính là vợ của Philippe Papin, dịch ra tiếng Việt với tên gọi “Lịch sử Hà Nội”, được nhà xuất bản Mỹ thuật cùng Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành.

Một điều đáng chú ý trong công trình nghiên cứu kì công của Philippe Papin là nhà sử học thực sự ấn tượng với mạng lưới làng cổ tại Hà Nội. Dẫn chứng, ông viết trong cuốn sách: “Du khách đến đây hẳn không thể không ngắm nhìn những công trình thời thuộc địa, nhưng ít ai biết rằng Hà Nội được hình thành nên từ những làng quê, giờ đây vẫn gắn kết với nhau tạo thành một thực thể sống động: người Hà Nội thường nói họ ở Hạ Hồi hay ở Vạn Phúc, chứ ít ai nêu tên phố và ít khi họ chuyển khỏi khu vực đang sinh sống… Sự đa dạng ở đây không phải là sự đa dạng của các khu phố nằm cạnh nhau mà là một sự kết hợp, lồng ghép giữa những yếu tố khác nhau. Những tuyến đường thẳng thời thuộc địa và hiện tại không làm phai mờ những ranh giới uốn lượn giữa các làng xưa”.

Theo ông, những nét chấm phá cổ xưa trong một thành phố đang dần hiện đại hoá, công nghiệp hoá thời bấy giờ mới chính là bản sắc lịch sử - văn hoá độc đáo của Thủ đô Hà Nội.

Du khách quốc tế “mê” văn hoá vỉa hè Hà thành.

Du khách quốc tế “mê” văn hoá vỉa hè Hà thành.

“Đời sống vỉa hè” của “cô ấy”

Cuối cùng, nói đến một góc nhìn rất riêng, rất tình và rất thơ về Hà Nội, không thể không nhắc tới “nàng thơ” dưới ngòi bút của Martin Rama – cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã sống ở Hà Nội từ năm 2002 đến 2010. Chuyên gia người Uruguay này được biết đến là một trong những người nước ngoài “cực mê” Hà Nội. Ông từng viết “đã yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng 10/1998, và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai”.

Martin Rama không chỉ viết một tựa sách mang tên “Hà Nội – một chốn rong chơi” vào năm 2014 mà còn chăm chỉ viết nhiều bài báo chia sẻ góc nhìn đầy tâm huyết của mình về Thủ đô trong nhiều năm nay. Trong cuốn sách và nhiều bài viết của mình, bạn đọc thường bắt gặp Martin gọi Hà Nội là “nàng”, “cô ấy” để thể hiện sự yêu mến, ngưỡng mộ của mình.

Trích trong “Hà Nội – một chốn rong chơi”: “Trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi (đôi khi là cả hai), thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống; hơn thế nữa còn là một thành phố rất đáng yêu… Đi qua một nghìn năm lịch sử, thành phố dường như đã tìm ra được thuật giả kim quý báu cho cuộc đời mình... Giống một công thức làm món ăn hơn là một bản thiết kế chặt chẽ... đến mức mà chỉ ít người Hà Nội có thể nói được bí mật đó nằm ở chỗ nào, mặc dù ai cũng rất yêu quý thành phố của mình”.

Hà Nội, theo cảm nhận của tác giả, là một thành phố vô cùng xinh đẹp, yêu kiều nhưng cũng rất sống động, phức tạp. Biểu hiện rõ nhất chính là “đời sống vỉa hè” của “cô ấy”. Sức sống trên vỉa hè đến từ những “vũ điệu chuyển động đầy ngẫu hứng bằng xe máy”; những chầu bia, những cuộc tán gẫu trên vỉa hè đầy khói bụi; những “vườn hoa di động” từ những gánh hàng, những chiếc xe đạp chở hoa ngược xuôi khắp phố phường; và những món ăn Việt Nam ngon đến nỗi không ai muốn bỏ lỡ cơ hội ăn phở ngoài phố vào buổi sáng, hay món bún chả vào ban chiều… Và cũng trên vỉa hè ấy những người đàn ông ung dung ngồi đánh cờ tướng, những cụ già đi dạo trong bộ quần áo ngủ, những người mẹ mải mê cho con bú…

Đối với Martin Rama, con đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây lãng mạn hay những gánh hàng hoa di động mới là hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội, chứ không phải những tòa cao ốc. Ông viết “kinh tế vỉa hè, những quán ăn uống, tình bạn và tình yêu vẫn tiếp tục nảy nở trên vỉa hè Hà Nội”. Đáng tiếc, đây có thể là một nét văn hoá đang dần nhạt phai khi thành phố ngày càng phát triển. Đến nay, tác giả vẫn bày tỏ nỗi lo lắng ấy trong bài viết gần nhất được xuất bản vào ngày 21/3/2021 trên tờ VNExpress với tiêu đề “Hai Điều ước rưỡi cho Hà Nội”. Trong bài viết, ông đã gọi sự phai mờ bản sắc ấy là “hệ quả của phát triển kinh tế chóng vánh” và chia sẻ “Tôi cũng lo lắng… về việc “cô ấy” mất đi sự quyến rũ, trở nên lòe loẹt và nhạt nhẽo một cách vô vọng - như rất nhiều thành phố Đông Á trước đây”.

Đọc thêm