Hà Nội quá tải xác nhận F0, người dân chậm được tiếp cận thuốc điều trị

0:00 / 0:00
0:00
Những ngày qua, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận từ 5.000 đến 10.000 ca mắc COVID-19. Số ca nhiễm tăng cao, khiến cho hệ thống y tế cơ sở quá tải, trong đó việc chậm cấp quyết định F0 để người dân có thể mua thuốc điều trị, khiến nhiều người bức xúc.

Sau khi tự xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính với virus Sars-CoV-2, chị Nguyễn Thu Thủy (quận Hoàng Mai) đã nhanh chóng liên hệ với y tế phường và được hướng dẫn đến trạm y tế phường để xét nghiệm lại.

"Sau khi ra phường xét nghiệm lên dương tính, y tế phường đưa cho tờ giấy ghi kết quả dương tính với COVID-19 nhưng không có dấu đỏ, rồi hẹn là khi nào ra phường xét nghiệm âm tính thì trả hết giấy tờ. Mặc dù phường có cấp thuốc trị COVID-19, nhưng tôi muốn mua thêm hộp thuốc nữa ở hiệu thuốc mới được Nhà nước cấp phép bán, thì lại không được. Hiện người nhà tôi cũng nguy cơ lây rất cao", chị Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng với chị Thủy, một số người dân cho biết, y tế phường dựa vào tình trạng của người bệnh để có thể cấp thuốc kháng virus COVID-19, do đó không phải ai cũng được cấp thuốc này. Chị Phan Thị Thanh Hiền, ở quận Thanh Xuân cho biết để mua được thuốc kháng virus tại hiệu thuốc được Nhà nước cấp phép bán cần có quyết định F0 của phường hoặc đơn của bác sỹ. Chị mong muốn y tế phường sớm cấp chứng nhận F0, để có thể mua thuốc điều trị kịp thời cho chồng.

Sau Tết Nguyên Đán, số ca F0 tại Hà Nội tăng nhanh. Mặc dù các trạm y tế xã, trạm y tế lưu động đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân xét nghiệm, cách ly, khám, cấp thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Tuy nhiên, với số ca nhiễm tăng hàng ngày, việc khám, cấp thuốc điều trị tại trạm y tế cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao cho cán bộ, nhân viên y tế.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hằng - Trạm trưởng Trạm y tế phường Mai Động, quận Hoàng Mai, hiện Trạm y tế phường có gần 10 cán bộ y tế, nhưng phải thực hiện nhiều công việc như khám bệnh, lấy thuốc, phát thuốc, nhập dữ liệu để gửi phường làm thủ tục cho người dân cách ly, điều trị tại nhà, công nhận khỏi bệnh cho người nhiễm COVID-19.

"Mấy ngày hôm nay, mỗi hôm có thêm 300 F0 mới, chưa kể những F0 cũ. Xin nhân lực hỗ trợ không có, vì trung tâm, rồi các khoa đều có người dương tính, không có người về hỗ trợ và không hỗ trợ được nhiều. Bên cạnh đó, trạm lại có người dương tính tiếp, nên trạm triển khai tại chỗ là chính, tự lực cánh sinh, mà công việc vẫn tiếp tục phải giải quyết ngay" - Bác sỹ Nguyễn Thị Hằng cho biết.

Cuối giờ chiều, vẫn đông người dân tới một trạm y tế của quận Hoàng Mai để khai báo.

Tình trạng F0 tăng nhanh trong khi nhân lực y tế không thay đổi, thậm chí còn giảm đi do đội ngũ này cũng nhiều người là F0; một số phường, xã ở Hà Nội đã phải mở thêm điểm xét nghiệm hoặc thực hiện mô hình 2 trạm y tế. Một trạm thực hiện các công tác chuyên môn, một trạm chỉ giải quyết thủ tục, giấy tờ cho người nhiễm COVID-19.

Trước thực trạng nhiều ca F0 tại cộng đồng tăng mỗi ngày và nguy cơ lây nhiễm, quá nhiều người dân đến khai báo tình trạng bệnh, một số phường, xã đã áp dụng hình thức linh hoạt hơn như thành lập các nhóm qua mạng xã hội để thẩm định tình trạng bệnh và triển khai quyết định F0 kịp thời tới người dân.

Bà Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch phường Láng Hạ, quận Đống Đa cho biết phường đã mở thêm đường dây nóng tiếp nhận khai báo của công dân, các nhóm zalo, có biểu mẫu để người dân tự khai báo rồi gửi cho cán bộ. Sau khi tiếp nhận, cán bộ y tế sẽ thẩm định việc nhiễm của công dân rồi chuyển sang UBND phường ra quyết định.

"Cán bộ y tế có thể thẩm định qua video hoặc qua kết quả PCR. Người ta chuyển thông tin qua UBND phường qua nhóm zalo, có nhóm chuyên tiếp nhận thông tin và ra quyết định ngay trong ngày; sau đó chuyển xuống các tổ dân phố. Các bác tổ trưởng từ đó dán giấy cảnh báo cách ly, phát thuốc cùng quyết định. Hiện nay, chúng tôi đáp ứng nhanh việc cấp quyết định tới tay người dân; có thể nhận quyết định ngay trong ngày, chậm là ngày hôm sau" - bà Lê Ngọc Hoa nói.

Theo ông Nguyễn Kiến Dụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh, sau khi Bộ Y tế cho phép bán thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Monulpiravir, số lượng người thân của các trường hợp F0 tới trạm y tế xin giấy xác nhận F0 đông hơn, nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi lực lượng y tế mỏng, chưa kịp hoàn thiện các thủ tục quyết định này.

Do đó, Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn để người dân không lạm dụng trong điều trị COVID-19 tại nhà, thay vì quy định cứng là phải có giấy khám của bác sĩ mới được mua thuốc kháng virus COVID-19 sẽ gây ùn ứ cục bộ tại các trạm y tế, bức xúc cho người dân và khiến dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn.

Đọc thêm