Hà Nội quyết liệt khoanh vùng không để dịch lan rộng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tận dụng “thời gian vàng” giãn cách xã hội, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất, sớm đưa TP trở về trạng thái bình thường mới.
Hà Nội quyết liệt khoanh vùng không để dịch lan rộng

Đẩy mạnh truy vết, bảo vệ “vùng xanh”

Cụ thể, liên tiếp trong những ngày qua trên địa bàn thị trấn Thường Tín, xã Nguyễn Trãi, xã Ninh Sở, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Đặc biệt, có những trường hợp qua test nhanh cũng phát hiện mắc Covid-19 đã thực sự gây hoang mang cho người dân địa phương.

Để sớm ổn định tình hình, UBND huyện đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR mở rộng cho người dân ở một số khu vực trên địa bàn huyện, đặc biệt tập trung vào khu vực phố Trần Phú, phố Nguyễn Du và một số tiểu thương tại các chợ truyền thống, nơi vừa xuất hiện các ca bệnh mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Huyện Thường Tín cũng đã lập 447 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 nhằm khóa chặt các ngõ, xóm, không để người dân ra ngoài khi không đủ các loại giấy tờ theo quy định hoặc không có lý do chính đáng, còn người ở bên ngoài cũng không vào được bên trong các ngõ xóm. Đây được coi là giải pháp quan trọng và quyết định cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới đạt kết quả.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, Trung tâm Y tế quận đang gấp rút tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại 8 phường có nhiều ca bệnh, nguy cơ cao, gồm: Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy, Đống Mác, Thanh Lương, Nguyễn Du, Trương Định, Bạch Đằng, Minh Khai. Tổng số mẫu dự kiến lấy là 20.000 mẫu.

Tại huyện Gia Lâm, tuy chỉ có 1 ổ dịch tại xã Bát Tràng (với 10 F0) và đã được khống chế. Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, huyện Gia Lâm đang tăng cường biện pháp bảo vệ những “vùng xanh”.

Theo đó, trên địa bàn huyện Gia Lâm có tổng số 664 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 (trong đó có 5 chốt của TP, 3 chốt của huyện, 656 chốt của xã, thị trấn) với 142 “vùng xanh” thuộc 21/22 xã, thị trấn. Tất cả các “vùng xanh” đều thành lập chốt kiểm soát chặt chẽ người ra vào, đảm bảo công tác phòng chống dịch. “Hiện tại, Gia Lâm đang kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ những “vùng xanh” này, quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập”, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết.

Trong khi đó, sau 2 ngày (8, 9/8) triển khai tiêm vaccine Covid-19 đợt 8, trên địa bàn quận Tây Hồ đã có 1.479 người trên 65 tuổi được tiếp cận với vaccine. Quận cũng tăng cường hoạt động điều tra, truy vết, ngăn chặn dịch lây lan ngoài cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng kích hoạt thêm 3 khu cách ly trên địa bàn, với công suất cách ly thêm 700 F1 ngay khi TP yêu cầu.

Nhận thức rõ việc tiêm vaccine được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19. Do đó, huyện Mê Linh tập trung triển khai sớm đối với nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên. Đến nay, toàn huyện có khoảng 21.000 lượt đối tượng ưu tiên được tiêm phòng vaccine Covid-19. Trong số này có hàng ngàn đối tượng là công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh. Hiện tại, huyện Mê Linh vẫn duy trì 4 khu vực phong tỏa cách ly y tế tại các xã: Liên Mạc, Tiền Phong, Thạch Đà, Chu Phan.

Điều chỉnh quy định về giấy đi đường

Về quy định người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc, sau một áp dụng và xuất hiện một số bất cập như ùn ứ giao thông, tiềm nguy cơ lây nhiễm tại các điểm cấp giấy đi đường. Do đó, ngày 10/8, UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 577/TB-UBND, với một số điều chỉnh liên quan việc thực hiện Công văn 2562/UBND-KT ngày 7/8 về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7). Theo nội dung mới này, người đi đường không phải xuất trình lịch trực, lịch làm việc tại các chốt kiểm soát.

Ngoài ra, để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giãn cách của các đơn vị trên địa bàn và tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kiểm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận. Người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này.

Việc xác nhận của UBND cấp phường, xã cần được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở. UBND thành phố yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, trường hợp có khó khăn vướng mắc cần kịp thời báo cáo UBND thành phố để xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Đọc thêm