Hà Nội sẽ không còn cảnh trắng đêm xếp hàng vào trường?

Trước các vấn đề liên quan đến tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ sở GD-ĐT, khẳng định, 100% trẻ 5 tuổi sẽ được học trường công, và không phải thức đêm xếp hàng.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ sở GD-ĐT chia sẻ những vấn đề liên quan đến tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội (HN):

- Áp  lực tuyển sinh đầu cấp xảy ra tại HN trong nhiều năm nay, nhất là sau hợp nhất. Quy mô năm học vừa qua của TP là gần 1,5 triệu học sinh (HS), gần 2.500 trường, hơn 110.000 cán bộ, giáo viên. Nếu tính cả phụ huynh thì 1/3 dân số của HN liên quan đến ngành giáo dục đào tạo. Bởi vậy, mỗi mùa tuyển sinh, nếu có sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội thì cũng là đương nhiên.

PGĐ Sở GD- ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống
PGĐ Sở GD- ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống.

Năm nay, trong tuyển sinh đầu cấp nếu có căng thẳng và đột biến thì đó là bậc tiểu học. Bởi, chúng ta có hệ lụy từ 2007, năm “heo vàng”. Năm học 2012-2013, toàn TP có 125.424 HS vào lớp 1, tăng lên so với năm học trước trên dưới 11.000 HS. Năm học này, quan điểm của TP và của ngành GD-ĐT, tiêu chí đề  ra là dứt khoát không được gây căng thẳng cho các bậc cha mẹ HS trong việc tiếp nhận HS vào đầu cấp như cách đây 2, 3 năm.  

Trong số chênh lên 11.000 HS lớp 1 cũng phân ra ở một số quận huyện. Sóc Sơn là 1.800, Cầu Giấy trên dưới 600, Thanh Xuân 850…

Trong buổi họp giao ban về công tác tuyển sinh, các địa phương đã bước đầu trình bày phương án tuyển sinh bám theo phương án 4 rõ và trình bày phương án đón trẻ vào lớp 1 như thế nào. Ví dụ như Sóc Sơn, hiện nay sĩ số lớp là 30-32 HS/lớp. Năm nay tăng thêm 1.800 HS cũng không có gì khó khăn đối với huyện. Huyện bố trí dồn lại, một số lớp sĩ số tăng lên 35-38 HS/lớp. Con số này chấp nhận được.

Hay như quận Đống Đa năm nay cũng chênh hơn năm trước 600 HS. Căng thẳng nhất vẫn là trường tiểu học Nam Thanh Công. Giải pháp của quận là dồn bớt số học sinh đúng tuyến của Nam Thành Công về Láng Hạ.

Ở Thanh Xuân, quận cũng đề xuất phương án phân tuyến mềm, không nhất thiết học sinh phải về đúng phường để học mà phân theo những đường trục lộ chính cắt ngang qua quận, không để HS, phụ huynh phải đi học giao qua trục lộ chính. Thứ hai là phân theo cự ly học sinh ở… Có một điểm mới năm nay là chủ tịch các quận, huyện đều hứa với TP quyết tâm không để xẩy ra tình trạng gây bức xúc cho cha mẹ HS.

- Trái tuyến luôn là đề tài “nóng” của Hà Nội và các thành phố lớn. Vậy với riêng Hà Nội, ông có lý giải gì về hiện tượng này?

- Trái tuyến  đúng là vấn đề nóng không chỉ của HN mà của cả Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM… Nguyên nhân dẫn đến trái tuyến: Thứ nhất là môi trường học tập một số trường chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh HS. Thứ hai là để tiện đưa đón và thứ ba là đua vào trường điểm. Do vậy, ngành giáo dục đào tạo HN chưa bao giờ cấm trái tuyến, chỉ nói hạn chế trái tuyến.

Nguyên tắc tuyển sinh của chúng tôi năm nay cũng như năm trước là 3 tăng và 3 giảm: tăng quy mô, tăng chất lượng, tăng cơ sở vật chất; giảm sĩ số HS/lớp, số lượng lớp ở những trường có số lớp lớn, giảm số HS trái tuyến. Lý thuyết là như vậy, nhưng trước áp lực dân số, lại theo năm đẹp dù sĩ số quy định là 35 nhưng ở những quận nội thành thường cao hơn.  

Theo tôi, trái tuyến tạo ra nhiều hệ lụy như đường đi xa. Làm tăng không đáng có sĩ số HS trên lớp dẫn đến các bệnh về học đường vì khối tích một lớp tính chỉ 35 HS nhưng thực tế có trường trên 50 HS/lớp. Điều này dẫn đến các bệnh về học đường. Các nhà giáo kinh nghiệm đều nói rằng  một giáo viên có 35 HS thì quan tâm hơn hẳn lớp 50-60 HS.

Sự tiếp thu bài của HS ở lớp đông sĩ số thường loãng hơn, xa hơn, ồn ào hơn. Lời khuyên  của những nhà giáo chúng tôi là hãy vào những lớp đúng với chuẩn thiết kế, đúng điều lệ trường học. Vì kiến thức đối với tiểu học chưa có gì đao to búa lớn, các em cần được chơi với bạn bè, giao lưu với giáo viên. Do đó, phụ huynh cũng cần suy nghĩ xem có cần tạo áp lực không đáng có cho con em mình không?.

Bên cạnh việc tuyên truyền thì nhiều năm qua, chúng tôi cũng phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Một trong những lý do mà cha mẹ phải cho con học trái tuyến đó là cố gắng đảm bảo các phường đều có ít nhất một trường tiểu học trên địa bàn để có chỗ học cho HS.

Thứ hai là thu hẹp lại khoảng cách giữa các trường như tạo cảnh quan môi trường sư phạm trong và ngoài trường tốt hơn. Thứ ba là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở những trường vùng khó kể cả các trường nông thôn, ngoại thành. Thứ tư là có chính sách điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên có năng lực ở một số điểm trường trung tâm  về làm hạt nhân các trường khó khăn.

- Vậy phải làm thế nào để giảm trái tuyến, thưa ông?

- Đến bây giờ, tình trạng chạy đua vào những trường tốt không còn nặng nề như những năm trước đây. Việc đầu tiên là chúng tôi làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để phụ huynh hiểu. Đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất như Cầu Giấy đến 2014 sẽ có 6 trường mới.

Nhưng cũng phải chia sẻ là có những phường không thể xây được trường vì không còn đất. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm có 18 phường nhưng chỉ có 13 trường tiểu học. Còn các phường trên phố cổ thì không thể xây thêm trường như Hàng Ngang, Hàng Đào. Do đó phải nâng cơ sở vật chất các trường ở phường bên cạnh như Thăng Long, Hồng Hà, Trần Nhật Duật…Tôi cũng phải chia sẻ với các hiệu trưởng trước vấn đề trái tuyến. Tôi dám khẳng định không một hiệu trưởng nào của chúng tôi mang những phẩm chất của mình, mang danh dự, trách nhiệm quản lý  của mình ra để “vòi vĩnh” trái tuyến.

- Thưa ông, đối với giáo dục mầm non năm học tới sẽ vẫn phải bốc thăm nếu cần thiết?

- Với mầm non, tôi khẳng định, không một trẻ 5 tuổi nào không được đi học trong trường công lập. Thứ hai về tuyển sinh, ưu tiên trước hết  là trẻ 5 tuổi. Tùy điều kiện cơ sở vật chất của từng trường để tiếp nhận các cháu nhưng không được để sĩ số quá cao. Do đó, cho đến hiện nay nếu cầu nhiều, cung ít thì giải pháp tốt nhất vẫn là bốc thăm để đảm bảo sự công bằng.  Nhưng không được để xếp hàng hay thức đêm.

- Xin cảm ơn ông!

 Hà Vi (thực hiện)

Đọc thêm