Hà Nội thần tốc truy vết, dập dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội yêu cầu các đơn vị tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Một điểm chốt kiểm soát COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Một điểm chốt kiểm soát COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội.

Cố gắng không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng

Theo đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu toàn địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện việc giãn cách xã hội thực chất; siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ gia đình, ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị...

Siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định. Kiểm soát, siết chặt 23 chốt vào thành phố, các chốt do các địa phương thiết lập, bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24 giờ và 7 ngày/tuần.

Đặc biệt, tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng…

Thường trực Thành ủy cũng lưu ý cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu công an, quân đội, y tế, lực lượng tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu... tiến tới tiêm chủng cho toàn dân.

Riêng trong ngày 3/8, quận Đống Đa thần tốc trưng dụng nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (phường Cát Linh - quận Đống Đa), có sức chứa 2.000 chỗ ngồi, với hệ thống cơ sở vật chất khá tốt, để làm điểm tiêm chủng cho người dân. Đây được đánh giá là điểm tiêm ghi nhận đầu tiên được xây dựng theo mô hình của “bệnh viện dã chiến” để phục vụ tiêm vaccine cho người dân.

Ngoài ra, Hà Nội ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách: sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.

Đề xuất ưu tiên vaccine cho hệ thống bán lẻ Hà Nội

Tình hình dịch diễn biến phức tạp, gần nhất là việc Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+. Đồng thời, việc một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.

Bộ Công Thương trao đổi với Sở Công Thương Hà Nội đưa ra một số giải pháp đảm bảo nguồn hàng hóa thực phẩm phục vụ nhân dân. Theo đó, hiện các nhà phân phối đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, do đó nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn đang được bảo đảm.Bộ Công Thương cũng xây dựng phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng lưu động bổ sung, thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, Bộ cũng đề xuất về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, đồng thời đề nghị ngành y tế của địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu.

Đọc thêm